(Tinmoi.vn) Hầu hết các Sở GD-ĐT đều ủng hộ chủ trương thi tốt nghiệp THPT 4 môn của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục còn băn khoăn với phương án này.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Thi THPT 4 môn có thể khiến học sinh học lệch
Tham dự Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 29 – NQ/TW; sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013 – 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thi từ 6 môn thành 4 môn để có lợi cho học sinh, đang gánh nặng 60kg bỏ đi 20kg nhưng các em có thể học lệch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Vì vậy, đổi mới thi cử phải hết sức thận trọng, tính toán chặt chẽ.
“Đừng để học sinh năm nào cũng hồi hộp không biết năm nay thi như thế nào, thi môn gì khi chỉ còn mấy tháng nữa là đến kỳ thi” – Phó Thủ tướng nói.
"Thực tế bây giờ, học sinh đang học rất nặng nên phải thay đổi cách học. Nhưng vì chọn đổi mới thi cử là đột phá, mà học gì thì thi nấy nên phải tiến tới việc này càng giảm nhẹ các kỳ thi, còn một kỳ thi thì càng tốt.
PGS Nguyễn Minh Thuyết: Thi tốt nghiệp 4 môn tạo tâm lý “nhất bên trọng nhất bên khinh”
Dự thảo thi tốt nghiệp THPT 4 môn có ưu điểm là giảm nhẹ áp lực thi cử bằng việc giảm số môn, cho phép học sinh tự chọn môn thi theo yêu cầu. Tuy nhiên, việc học sinh chỉ thi bốn môn trong khi học 13 môn sẽ tạo ra tâm lý “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, vừa không đạt mục tiêu giáo dục toàn diện, vừa dẫn tới phân biệt môn chính, môn phụ, phân biệt thứ hạng trong đội ngũ giáo viên. Vì thế, tôi cho rằng nên nghiên cứu những phương án khác như chỉ thi tập trung ba môn công cụ là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; các môn còn lại thi theo hình thức “cuốn chiếu” trong quá trình học tập. Có những môn học có thể thi kết thúc ở lớp 10, 11.
Theo đó, chương trình có thể phân bố lại để các môn có thời điểm kết thúc khác nhau. Hoặc sau khi học sinh thi hết môn mà chương trình môn đó vẫn tiếp tục thì vẫn phải làm một số bài kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm hoặc để cộng điểm theo một trọng số nhất định vào kết quả thi hết môn. Đây là cách để đánh giá học sinh toàn diện, chính xác, hạn chế tình trạng đối phó của học sinh như hiện nay.
PGS Nguyễn Minh Thuyết |
Theo quan điểm của cá nhân tôi thì ngoại ngữ cũng như toán, ngữ văn là các môn học công cụ, trong đó ngoại ngữ vô cùng cần thiết cho người học hiện nay và tương lai trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Vì thế môn ngoại ngữ cần phải là môn thi bắt buộc.
TS Nguyễn Tùng Lâm: Thi tốt nghiệp 4 môn chỉ “xoa dịu” tình hình
Đổi mới đã cho thấy việc thi cử nhẹ nhàng hơn, thiết thực hơn. Trước đây bắt học sinh phải học toàn diện nên rất mệt mỏi, căng thẳng. Nay học sinh thi ít môn hơn, lại được tự chọn môn thi, học sinh thích môn nào thì chọn môn đấy. Bộ GD&ĐT cũng đã sớm công bố phương án thi nên học sinh có thêm thời gian để ôn tập. Tuy nhiên, tôi thấy chưa có gì là cụ thể cả. Cách làm của Bộ vẫn chỉ là xoa dịu tình hình, vẫn “loay hoay” và chưa có một sự thay đổi theo hướng toàn diện”.
GS. VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Đừng đưa ra khi chưa nghiên cứu cẩn thận
Mặc dù trong cuộc họp mới đây của Bộ GD&ĐT với các lãnh đạo ngành giáo dục địa phương vẫn chưa “chốt” phương án nhưng tôi ủng hộ việc rút bớt môn thi, chỉ còn 2 môn thi chính và 2 môn thi phụ..
Vấn đề rất lớn hiện nay là thi hay không thi tốt nghiệp THPT? Sau phương án thi 4 môn này, học sinh sẽ thi thế nào vì cũng không thể thi 4 môn lâu dài được bởi học sinh sẽ học lệch. Đây là vấn đề rất lớn, không nên vội vàng, đừng để đưa ra khi chưa nghiên cứu cẩn thận và không có căn cứ thực tiễn, lý lẽ. Vì vậy, cần phải làm một đề án cẩn thận, có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia am hiểu vấn đề này.
Có thể đưa ra một đề án và thảo luận sơ bộ với các vùng miền, sau đó thảo luận toàn quốc. Trong đề án cần có 3 phần: Phần 1, kiểm điểm lại trong vài thập niên gần đây, chúng ta thi như thế nào, có điều gì tốt cần học tập và điều gì chưa được cần rút kinh nghiệm. Phần 2 nên theo một số nước trên thế giới như Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc… xem cách thi và phương pháp giáo dục của họ ra sao. Phần 3, từ cái hay của họ, chúng ta nhìn nhận lại trình độ và điều kiện kinh tế trong nước để học tập sao cho phù hợp. Thi cử và giáo dục rất quan trọng vì ảnh hưởng đến cuộc đời của cả một con người. Cần có đề án khoa học, không “nhất dạ bá kế” kẻo học sinh không biết đâu mà lần. Đùng một cái, tính đến bỏ thi như hiện nay, tôi thấy không được.
H.Minh (tổng hợp)