Em này đã pha thuốc diệt cỏ paraquat với nhớt xe máy uống tự tử để các bác sĩ không thể súc rửa được dạ dày. Trẻ nam này đã được cho về sau đó trong tình trạng xơ phổi, tổn thương thận.
Theo báo PLO thông tin, đó là một trong những trường hợp trẻ ngộ độc đau lòng được nhóm tác giả Lê Phước Truyền, BV ĐH Y Dược TP.HCM, Phùng Nguyễn Thế Nguyên và Trần Diệp Tuấn của BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) báo cáo trong nghiên cứu tham luận “Đặc điểm ngộ độc ở trẻ nhập khoa hồi sức tích cực - chống độc BV Nhi đồng 1” tại hội nghị nhi khoa mở rộng lần thứ 26 được tổ chức tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) ngày 21-7-2018.
Cụ thể, một trẻ nam (15 tuổi), là đồng tính nam có tình cảm yêu đương với bạn trai cùng lớp. Bị gia đình ngăn cản, em đã từng tự tử nhiều lần nhưng được cứu.
Một bé gái uống thuốc diệt cỏ paraquat sau đó không qua khỏi. Ảnh: PLO |
Một lần, em bỏ đi chơi với bạn trai, bị gia đình phát hiện và ra sức ngăn cấm. Buồn bã, em này đã pha thuốc diệt cỏ paraquat với nhớt xe máy uống tự tử để các bác sĩ không thể súc rửa được dạ dày. Trẻ nam này đã được cho về sau đó trong tình trạng xơ phổi, tổn thương thận.
Thêm 1 trường hợp khác cũng bị gia đình ngăn cấm yêu đương, đó một bạn trai (15 tuổi) uống paraquat tự tử và ép bạn gái (14 tuổi) ở Khánh Hòa cùng uống, kết quả bạn trai tử vong do suy hô hấp sau đó, bạn gái nhập viện điều trị với những di chứng xơ phổi, tổn thương thận nặng nề khi được cho về sau đó
Theo Thời Đại, nhóm bác sĩ nhận định, qua nghiên cứu 31 ca trẻ ngộ độc, hầu hết đều do tự tử. Trong đó, 80 % nguyên nhân tự tử do mâu thuẫn tình cảm gia đình, 16% do mẫu thuẫn với bạn bè (4 ca). Trong 3 trẻ tử vong ở BV có 1 ca bị ngộ độc paraquat, 1 ca ngộ độc phốt pho hữu cơ nặng, một ca ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật. 6 trường hợp trẻ ngộ độc paraquat khi được cho về có dấu hiệu suy thận.
Cũng theo nhóm bác sĩ, trẻ uống thuốc độc vì mâu thuẫn với gia đình, bạn bè thường ở lứa tuổi háo thắng, tâm lý chưa ổn định, dễ bị kích thích bên ngoài. Đáng chú ý, có 17/31 trường hợp trẻ bị ngộ độc có cha mẹ học vấn ít, hoàn cảnh khó khăn nên ít theo sát con cái.
Từ kết quả nghiên cứu Đặc điểm ngộ độc ở trẻ nhập khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BV Nhi đồng 1), nhóm bác sĩ nhận định cần có biện pháp hỗ trợ trẻ từ nhiều phía, ở cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Trang Vũ (Tổng hợp)