Tin mới

Thông tin giật mình: Việt Nam là nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới

Thứ hai, 14/05/2018, 13:44 (GMT+7)

Mức sử dụng kháng sinh tại Việt Nam đã tăng vọt trong giai đoạn 2009-2015 với mức tăng gần gấp 3 so với giai đoạn 2005-2009.

Mức sử dụng kháng sinh tại Việt Nam đã tăng vọt trong giai đoạn 2009-2015 với mức tăng gần gấp 3 so với giai đoạn 2005-2009.

Thuốc kháng sinh được coi là một giải pháp cho loài người trong điều trị các bệnh do nhiễm vi khuẩn. Nhờ có thuốc mà chúng ta có thể kiểm soát được nhiều dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay con người đang sử dụng thuốc kháng sinh chưa hợp lý, lạm dụng thuốc…

Việt Nam là nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới

Bác Sĩ Jan-Elie Malkin, Tư vấn quốc tế về bệnh truyền nhiễm và y tế công đã chỉ rõ tỉ lệ bác sĩ Việt Nam kê đơn và sử dụng kháng sinh thuộc nhóm nước cao nhất thế giới trên bản đồ Sử dụng kháng sinh năm 2015 của công ty IMS Health.

Đáng chú ý, mức sử dụng kháng sinh tại Việt Nam đã tăng vọt trong giai đoạn 2009-2015 với mức tăng gần gấp 3 so với giai đoạn 2005-2009.

Thông tin giật mình: Việt Nam là nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới - Ảnh 1.
30 thuốc tốn kém chi phí nhất chủ yếu là kháng sinh
 
Thông tin giật mình: Việt Nam là nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới - Ảnh 2.
30 thuốc tốn kém chi phí nhất chủ yếu là kháng sinh
 

Đặc biệt, BS Malkin đã dẫn số liệu đăng tải trên các phương tiện truyền thông tại Việt Nam về tình trạng bán kháng sinh không theo kê đơn chiếm tới 88% lượng kháng sinh bán tại các đô thị và lên tới 91% ở khu vực nông thôn.

Chính từ thực tế này mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới khi tỉ lệ kháng kháng sinh với các loại kháng sinh thuộc nhóm carbapenem đã tăng tới 50%, chủ yếu từ vi khuẩn gram âm; còn tỷ lệ kháng kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ thứ 3 đã tăng lên hơn 60% trong cả nước.

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Việc sử dụng thuốc tại Việt Nam trong 30 hoạt chất có chi phí nhiều nhất năm 2017 tại các bệnh viện (là 34.500 tỷ đồng, chiếm 40% chi KCB BHYT), trong đó kháng sinh chiếm phần lớn, khoảng 30% tổng chi thuốc.

Trong đó, riêng kháng sinh amoxicillin tăng 20% so với năm 2017 với số tiền lên tới gần 623 tỉ; kháng sinh cefoxitin tăng đột biến tới 443%, từ 76,5 tỉ lên gần 416 tỉ.

Bộ Y tế cũng cho biết Bộ đang tập trung vào việc quản lý việc sử dụng kháng sinh như thế nào cho hiệu quả.

Ông Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho hay: "Chúng tôi mong muốn việc quản lý và sử dụng thuốc hiện nay phù hợp cho các cơ sở khám chữa bệnh, có hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật về những phác đồ điều trị, quy trình sử dụng kháng sinh để làm sao sử dụng hiệu quả nguồn thuốc mà các doanh nghiệp đầu tư cung cấp".

Thông tin giật mình: Việt Nam là nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới - Ảnh 3.
BS. Jan-Elie Malkin, Tư vấn quốc tế về bệnh truyền nhiễm và y tế công 

Kinh nghiệm của Pháp trong quản lý và sử dụng kháng sinh hợp lý

BS Malkin cho rằng Pháp và Việt Nam có sự tương đồng về tình trạng sử dụng nhiều kháng sinh. Trong đó vấn đề của Pháp không phải là sử dụng kháng sinh đắt tiền mà là sử dụng nhiều loại kháng sinh khác nhau, từ rẻ nhất đến đắt nhất, khiến khoảng 150.000 trường hợp nhiễm khuẩn kháng thuốc; 12.500 ca tử vong và 70 – 440 triệu euro chi phí phát sinh cho hệ thống y tế.

"Việc kê đơn và sử dụng kháng sinh thiếu kiểm soát là mối đe dọa chung, không của riêng nước nào", BS Malkin cho biết.

Tại Pháp trong giai đoạn 2000 – 2015 mức sử dụng kháng sinh giảm chung 11,4%, tuy nhiên năm 2010 đã có sự tăng nhẹ. Do đó, năm 2014, chính phủ Pháp đã đưa vào chương trình Quản lý kháng sinh theo chiến lược "win - win" cho bệnh nhân - ngành y tế - nền kinh tế.

Chương trình quản lý kháng sinh theo chiến lược này nhằm mục đích:

- Xây dựng các bộ cẩm nang hướng dẫn quốc gia và quốc tế cũng như các khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị các loại bệnh nhiễm khuẩn để từ đó tránh sử dụng kháng sinh khi không cần hoặc không chỉ định;

- Kê loại kháng sinh phù hợp nhất, đúng liều, tuỳ theo từng loại bệnh, độ tuổi, tình trạng lâm sàng cũng như thể trạng của bệnh nhân;

- Sử dụng phác đồ kháng sinh hiệu quả ngắn nhất.

"Với những trường hợp chỉ cần dùng kháng sinh 5 ngày thì kê 5 ngày, không nên kê 7 ngày vì như vậy cũng là lạm dụng kháng sinh" - BS Malkin nhấn mạnh.

Thông tin giật mình: Việt Nam là nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới - Ảnh 4.
Bộ Y tế cũng cho biết Bộ đang tập trung vào việc quản lý việc sử dụng kháng sinh như thế nào cho hiệu quả.

Sau một năm triển khai chương trình, kết quả đã giảm 18% lượng kháng sinh tiêu thụ, giảm chi tiêu cho kháng sinh lên tới gần 400.000 euro cho các ca can thiệp và hơn 460.000 euro cho các ca không can thiệp.

Chiến lược về dài hạn (3 năm), chương trình đã tiết kiệm gần 7.500 euro/người do tránh được nhiễm khuẩn kháng kháng sinh và tiết kiệm gần 10.000 euro/người do tăng 1 năm tuổi thọ.

Không những vậy, BS Malkin cũng dẫn chứng 221 nghiên cứu tại Mỹ trên từng bệnh viện về hiệu quả quản lý kháng sinh với kết quả giảm 20% mức tiêu thụ kháng sinh, giảm 34% chi phí điều trị, giảm 20% thời gian nằm viện, giảm tỉ lệ tử vong 35%...

Để thực hiện tốt chương trình quản lý kháng sinh BS Malkin cũng cho rằng "Giải pháp duy nhất, không có thay thế, cho sự thành công của chương trình này là sự phối hợp các bên có liên quan".

BS Malkin khẳng định: "Nếu Bộ Y tế - các bác sĩ - bảo hiểm y tế không phối hợp, không có sự ràng buộc trách nhiệm - kiểm soát lẫn nhau trong việc áp dụng quản lý kháng sinh an toàn hợp lý thì dù trình độ bệnh nhân, bác sĩ hay văn hóa, kinh tế nào cũng không thể triển khai được chương trình này".

Một trong những nội dung nằm trong chương trình quản lý và sử dụng thuốc không thể thiếu, đó là trong năm 2017, WHO khuyến nghị mới về việc sử dụng kháng sinh nào cho các bệnh nhiễm trùng thông thường và loại kháng sinh nào để bảo vệ những trường hợp nghiêm trọng nhất đã được bổ sung vào danh sách các loại thuốc thiết yếu của tổ chức y tế thế giới.

Như Loan

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news