Tin mới

Thu hồi truyện cổ tích "cha muốn cưới con gái"

Thứ sáu, 22/05/2015, 15:22 (GMT+7)

Cuốn truyện cổ tích có chi tiết "cha muốn cưới con" đã được Nhà xuất bản Văn học tạm dừng phát hành và thu hồi toàn bộ sau phản ứng của nhiều phụ huynh cho rằng tình tiết này cổ súy cho loạn luân.

Cuốn truyện cổ tích có chi tiết "cha muốn cưới con" đã được Nhà xuất bản Văn học tạm dừng phát hành và thu hồi toàn bộ sau phản ứng của nhiều phụ huynh cho rằng tình tiết này cổ súy cho loạn luân. 

Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học cho biết, khi nhận được phản ánh về chi tiết "cha muốn cưới con" không phù hợp trong sách truyện cổ tích "Các nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm", NXB này đã tạm dừng phát hành, thu hồi toàn bộ cuốn sách còn tồn đọng trên thị trường.

Trước đó, sau luồng ý kiến từ dư luận cho rằng chi tiết “cha muốn cưới con gái” trong truyện cổ tích Công chúa tóc vàng là cổ súy loạn luân, trao đổi trên báo Dân trí chiều ngày 21/5, ông Nguyễn Anh Vũ khẳng định: “Nếu độc giả đọc từ đầu đến cuối truyện Công chúa Tóc Vàng sẽ thấy không hề có yếu tố cổ súy loạn luân.”

Theo ông Nguyễn Anh Vũ, truyện Công chúa Tóc Vàng được phỏng theo truyện cổ tích Pháp Nàng công chúa da lừa. Chi tiết quốc vương đòi lấy con gái chỉ là một tình tiết nhỏ trong toàn bộ câu chuyện. Sau đó, với sự ngăn cản của nhiều đại thần và sự cương quyết của công chúa, quốc vương đã nhận ra lỗi lầm và thay đổi ý định. Phần cuối câu chuyện, quốc vương đã tìm đến trước mặt con gái xin con tha thứ. Nếu theo dõi diễn biến toàn bộ câu chuyện sẽ thấy rằng, đó là một chi tiết phê phán sự mù quáng của quốc vương.

Thu hồi truyện cổ tích
Bìa cuốn truyện cổ tích "cha muốn cưới con gái làm vợ".

Bà Trần Hải Ngọc, Phó Giám đốc công ty Đinh Tị, đơn vị liên kết với NXB Văn học phát hành cuốn truyện cổ tích Các nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm cho rằng đoạn “cha muốn cưới con gái” trong truyện Công chúa tóc vàng chỉ là tình tiết bị tách khỏi nội dung và định hướng người đọc đến một cái nhìn phiến diện.

“Trong phần đầu câu chuyện, chi tiết “quốc vương muốn lấy công chúa” được đưa ra, chính là tình tiết mang yếu tố "nút thắt" đẩy công chúa – người con vào hoàn cảnh khó khăn, phải tranh đấu, phải bỏ trốn để làm mọi cách thay đổi quyết định của quốc vương - người cha; kết thúc câu chuyện, quốc vương đã nhận ra sai lầm của mình và mong công chúa tha thứ. Như vậy, ngay trong bản thân câu chuyện, chi tiết “quốc vương muốn lấy công chúa” -  cha muốn lấy con cũng đã bị phủ định, cha muốn lấy con là một điều sai trái vì thế nên người cha hối hận và mong con gái mình tha thứ. Qua đó, chính người đọc là phụ huynh và các em nhỏ đều có thể nhận ra một thông điệp rất rõ ràng về mối quan hệ  đúng đắn trong gia đình: cha lấy con, điều đó là sai. Vậy, nhìn vào tổng thể nội dung của câu chuyện thì rõ ràng thông điệp cuối cùng câu chuyện hướng đến là một vấn đề hoàn toàn khác. Nhưng nếu chỉ tách nhỏ một chi tiết này ra và đặt vấn đề một cách cực đoan thì câu chuyện sẽ tạo nên một làn sóng dư luận phẫn nộ”, đại diện Đinh Tị lý giải khi trao đổi trên báo Dân trí.

Thu hồi truyện cổ tích
Đoạn truyện có tình tiết "cha muốn cưới con gái"

Cũng theo bà Ngọc,  từng chi tiết nhỏ khi chúng ta nhìn ở góc nhìn phiến diện sẽ bóp méo đi cả câu chuyện thực sự, có thể khi đứng đơn lẻ, chi tiết mang tính nguy hiểm, nhưng đặt trong ngữ cảnh và bối cảnh của từng câu chuyện thì lại góp phần chuyển tải đầy đủ nhất ý nghĩa của câu chuyện đó. Do vậy, bản thân một người đọc, trẻ nhỏ và đặc biệt là phụ huynh phải có cái nhìn tổng quát nhất để đánh giá khách quan, đúng đắn với từng câu chuyện, tác phẩm…

Tuy nhiên, như tin tức đã phản ánh, nhiều phụ huynh cảm thấy "sốc" khi đọc thấy đoạn "cha muốn cưới con gái làm vợ" trong truyện Nàng công chúa tóc vàng (thuộc cuốn sách Truyện cổ tích hay nhất - Các nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm). Trên cuốn sách phát hành ngày 26/6/2014 có ghi do Nhà xuất bản Văn học liên kết với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ văn hóa Đinh Tị xuất bản, phát hành.

Cụ thể ở trang 38-39 có đoạn: “Năm tháng trôi đi, công chúa dần dần lớn lên, nàng có vẻ đẹp giống y như hoàng hậu, đặc biệt là mái tóc vàng của nàng trông còn rực rỡ hơn mẹ nhiều. Mọi người gọi nàng là công chúa Tóc Vàng. Quốc vương nhìn thấy con gái mình, thường nghĩ đến bóng dáng của vợ, vì thế sau đó, ngài tuyên bố sẽ lấy con gái của mình làm vợ. Các đại thần nghe xong, đều lo sợ làm như vậy nước nhà sẽ gặp đại họa vì cha con không thể lấy nhau được. Nhưng quốc vương không nghe, ngài còn ra lệnh lập tức cử hành hôn lễ”. Trước quyết định của vua cha, công chúa rất buồn và đã phải bỏ trốn…

Chi tiết “cha muốn cưới con gái” của truyện cổ tích này đã khiến các phụ huynh tá hỏa và cho rằng cuốn sách “cổ súy loạn luân”, không phù hợp dành cho đối tượng thiếu nhi.

H.M (tổng hợp)





Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news