"Muốn biết Đa Phước có quyền từ chối nhận thêm 2000 tấn rác mỗi ngày hay vẫn phải đảm bảo thực hiện yêu cầu nhận rác của thành phố thì cần phải dựa trên luận cứ kinh tế kỹ thuật (KTKT) và Dự án xử lý rác đã được ký kết của VWS" - Luật sư Lê Văn Thiệp nhận định.
Vừa qua, từ những phản ánh của cư dân thành phố về việc xuất hiện mùi hôi thối phát tán ở khu Nam Sài Gòn, sau khi tổ chức các đoàn kiểm tra, ngày 29/9, thông tin từ UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã xác định được mùi hôi thối trên bắt nguồn từ khu vực chôn lấp rác và hồ xử lý nước rỉ rác của bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh.
Khi xác định bãi rác Đa Phước là thủ phạm gây ô nhiễm, Thành phố đã chỉ đạo Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) - chủ đầu tư bãi rác Đa Phước xử lý ngay 46 ha trồng cây xanh cách ly nằm trong nội khu của công ty. Đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư phải xây dựng một nhà máy nhỏ dùng công nghệ đốt để xử lý rác đã được phân loại và đẩy nhanh tiến độ khu xử lý rác Tân Thành. Và theo Chánh văn phòng UBND thành phố Võ Văn Hoan thì nhà đầu tư phải phủ bạt ở khu vực nước rỉ rác cũng như xử lý khí thải thu được. Những công việc đang đầu tư dở dang mà báo cáo tác động môi trường đưa ra thì phải làm cho hoàn chỉnh.
Theo tin trên VnExpress, bị yêu cầu thực hiện một số giải pháp để hạn chế mùi hôi, ngày 5/10, VWS gửi công văn đề nghị trả lại 2.000 tấn rác (trong số 5.400 tấn mỗi ngày) cho thành phố. Nguyên nhân được công ty đưa ra là gặp tình huống khó khăn, phức tạp "bởi những định kiến sai lệch của dư luận dẫn đến sự hiểu sai về bản chất sự việc, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, gây hoang mang về tinh thần cho đội ngũ chuyên gia, công nhân và ảnh hưởng tới uy tín của công ty, của thành phố...".
Đa Phước gửi công văn từ chối nhận thêm 2000 tấn rác mỗi ngày bắt đầu từ ngày 10/10/2016. Ảnh: báo Tuổi trẻ |
Trước đề nghị "từ chối nhận rác" của VWS, Chánh văn phòng UBND thành phố khẳng định, trong khi chưa có những thảo luận, thống nhất giữa hai bên trong hợp đồng hay quyết định từ cấp thẩm quyền của TP.HCM, VWS vẫn phải thực hiện việc tiếp nhận toàn bộ lượng rác của TP.HCM như đã cam kết.
Theo Chánh văn phòng UBND thành phố, để lãnh đạo TP có thể xem xét, đưa ra các quyết định có liên quan đến kiến nghị của VWS, TP.HCM sẽ mời các cơ quan chuyên môn trung ương và các cơ quan có chức năng đánh giá thực tế, sự cần thiết, những mặt thuận lợi, khó khăn... để lựa chọn giải pháp tốt nhất, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến môi trường chung của TP.HCM. Theo đó, trước mắt, VWS cùng với TP.HCM thực hiện nghiêm túc những giải pháp xử lý đã được xác định khi báo cáo với Thủ tướng, dứt khoát khắc phục bằng được tình trạng mùi hôi hiện nay, không để xảy ra sự cố môi trường.
Đánh giá việc VWS đòi trả lại cho TP HCM 2.000 tấn rác mỗi ngày, GS.TS Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp TP HCM) cho đây là hành vi "cố tình bắt bí, gây sức ép với chính quyền" và "nhà đầu tư tử tế người ta không làm như vậy" khi thành phố đang khó khăn về nơi xử lý.
Trong khi đó, nguyên Hiệu trưởng Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM Nguyễn Đinh Tuấn lại cho rằng, Đa Phước trả lại 2.000 tấn rác không ảnh hưởng đến an ninh rác của thành phố. Trước đây, lượng rác này được bãi Phước Hiệp xử lý nên giờ, thay vì đưa về Đa Phước thì xe chở rác quay đầu về Phước Hiệp.
Trao đổi với phóng viên về vấn để đang gây tranh cãi trên, luật sư Lê Văn Thiệp - Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhận định, trong trường hợp này, muốn biết đề Đa Phước có quyền từ chối nhận thêm 2000 tấn rác mỗi ngày hay vẫn phải đảm bảo thực hiện yêu cầu của thành phố thì cần phải dựa trên luận cứ kinh tế kỹ thuật (KTKT) và Dự án xử lý rác đã được ký kết của VWS thì mới biết được quyền và nghĩa vụ của phía VWS. Điều đó có nghĩa, cơ sở giải quyết đề nghị của VWS phải căn cứ theo hợp đồng.
Theo tìm hiểu, Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Xử Lý Chất Thải Việt Nam (VWS) là công ty thành viên 100% vốn của Công ty California Waste Solution (CWS), có trụ sở tại California, Hoa Kỳ. Công ty được thành lập nhằm cung cấp dịch vụ xử lý chất thải cho Việt Nam. Như vậy, đây không phải là công ty công ích vốn nhà nước. Trong khi đó, theo thông tin mà báo chí đã phản ánh thì trước đây, Đa Phước tiếp nhận 3.400 tấn rác/ngày. Sau đó, hồi tháng 3, bãi rác Phước Hiệp đóng cửa nên kể từ tháng 3/2015, toàn bộ lượng rác 2.000 tấn/ngày này được chuyển đến chôn lấp tại Đa Phước theo quyết định của UBND TP, nâng tổng lượng rác chôn lấp ở đây mỗi ngày lên hơn 5.000 tấn.
"Vậy thì Đa Phước đâu có trách nhiệm phải chôn thêm rác, vì công suất 3.400 tấn rác/ ngày của Đa Phước đã được đăng ký từ trước rồi, quy mô đã được phê duyệt" - Luật sư Lê Văn Thiệp nói.
Theo nội dung hợp đồng xử lý rác với TP HCM, VWS cam kết sẽ "tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, sau đó phân loại, tái chế sản xuất phân compost, tái sử dụng plastic, phần còn lại không sử dụng được sẽ chôn lấp", song nhiều năm qua, rác ở Đa Phước chủ yếu là chôn lấp. Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, khu xử lý rác Đa Phước rộng cả trăm hecta, cao 25 m và sẽ đạt được cao độ chuẩn 40 m. Nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Quan điểm của thành phố là sẽ cùng doanh nghiệp thực hiện cam kết để dự án thực sự mang lại hiệu quả. |
Vũ Đậu