Chị Phạm Thị Phương ở khối phố 3, thị trấn Nghi Xuân (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) mua 2kg cá bạc má về ăn. Đến sáng hôm sau, số cá ăn không hết chuyển sang màu đỏ hồng.
Những nội dung chính trong Bản tin số 16
• Chuyện chưa từng có: Cá biến thành màu đỏ sau 1 đêm
• 10 nguyên tắc chế biến - sử dụng thực phẩm an toàn mùa hè
• Con số kinh hoàng về ngộ độc thực phẩm ở Việt Nam
•Hàng loạt vụ vi phạm an toàn thực phẩm vẫn ngang nhiên diễn ra!
Cá, thịt sau 1 đêm đổi sang màu đỏ: Tìm ra thủ phạm!
Quá hoảng sợ trước chuyện lạ, gia đình chị Phương đã báo cho Trung tâm Y tế dự phòng Nghi Xuân đến kiểm tra. Sự việc cũng gây chú ý lớn của dư luận, nhiều cơ quan báo chí và y tế cùng vào cuộc tìm nguyên nhân.
Ngày 31/5, kết quả xét nghiệm của Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho thấy, mẫu cá này dương tính với dòng vi khuẩn Serratia marcescens, và xác định chủng gây màu hồng đỏ là Serratia sp.
Ảnh: Vietnamnet
Sự việc này gợi nhớ đến chuyện cách đây 3 năm cũng tại Hà Tĩnh. Đó là ngày 19/3/2014, gia đình bà Nguyễn Thị Sâm và ông Nguyễn Xuân Quế (tổ 3, phường Hà Huy Tập. TP. Hà Tĩnh) đi mua thịt và sườn lợn tại một cửa hàng về ăn. Số thịt lợn ăn không hết của gia đình ông Quế, bà Sâm tự nhiên chuyển sang màu đỏ lạ sau khi bỏ tủ lạnh.
Kết quả kiểm tra sau đó cũng cho thấy "thủ phạm" chính là vi khuẩn nhóm Serratia marcescens!
Mẫu thịt lợn thu được tại nhà bà Sâm năm 2014. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.
Vậy vi khuẩn Serratia marcescens là gì, mức độ nguy hiểm thế nào?
Đây là loại vi khuẩn có cả trong đất, nước, thực vât và động vật. Chúng xâm nhập vào thực ăn từ môi trường không khi, nước, đất, người bệnh. Phương thức lây truyền trực tiếp hoặc qua ống xông.
Chúng có thể gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm trùng tiết niệu… Ít có khả năng gây dịch.
10 lưu ý, 3 hướng dẫn của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm
Sự phát triển của vi khuẩn trong thức ăn thường có sự tác động không nhỏ của yếu tố môi trường, thời tiết, đặc biệt khi trời nắng nóng thực phẩm dễ ôi thiu, lên men... Chuyện cá đổi sang màu đỏ tuy không gây hậu quả nào nhưng lại khiến mỗi người dân phải đặc biệt cảnh giác, nhất là trong những ngày này nắng lên đỉnh điểm ở Bắc Bộ.
Mới đây, Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế cũng đã kịp thời đưa ra khuyến cáo để người dân lưu ý trong việc chế biến, lưu trữ thức ăn và xử trí kịp thời khi bị ngộ độc thực phẩm. Cụ thể:
Nguyên tắc chế biến thực phẩm phòng ngộ độc:
1. Chọn thực phẩm an toàn.
2. Nấu kỹ thức ăn.
3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.
4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.
5. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn.
6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín.
7. Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ.
8. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.
9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác.
10. Sử dụng nguồn nước sạch.
3 nguyên tắc xử lý khi có ngộ độc thực phẩm
1. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
2. Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.
3. Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.
Con số kinh hoàng về ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam
Theo kết quả giám sát từ năm 2011 đến tháng 5/2017 cho thấy, ngộ độc thực phẩm vẫn đang diễn ra khá phức tạp, là một thách thức lớn trong công tác ATTP, con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Dẫn chứng mới nhất là vụ việc 37 công nhân Công ty LG Display, Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương, TP.Hải Phòng phải đi cấp cứu sau bữa ăn ca đêm tại bếp ăn tập thể lúc 1 giờ sáng 30/5. Bữa ăn này gồm thịt gà, mực xào, cơm.
Tương tự, 6 công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn NT – VINA cũng phải nhập viện vì nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bữa tối tại bếp ăn công ty. Thực đơn gồm: Thịt chiên xù, cải thảo luộc, bí đỏ xào, đậu sốt, canh giá đỗ và dưa hấu.
Một vụ việc khác: Bệnh viện Bà Rịa tiếp nhận từ Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc 3 bệnh nhân gồm vào cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, tay chân co giật, nôn ói... do ăn nhộng ve sầu!
Mùa hè dân nhậu chật hàng bia, có "chùn miệng" nếu gặp các món này?
35% ca mắc bệnh ung thư trên thế giới có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn, con số này chắc chắn sẽ khiến những thực khách ham nhậu phải cân nhắc khi bước vào quán bia. Nó thực sự đáng để lưu tâm, vì đây là điều tra dịch tễ học của Hiệp hội Ung thư thế giới.
Họ cũng khuyến cáo rằng, loại ung thư gây bởi nguyên nhân thực phẩm không an toàn hoàn toàn có thể phòng được qua thay đổi lối sống.
Bạn nghĩ rằng những món "khoái khẩu" bên dưới sẽ "chảy" đi đâu nếu không được cơ quan chức năng bắt quả tang?
- Ngày 29/5, Công an Hà Tĩnh cho biết vừa bắt giữ lô hàng gồm 41 thùng xốp chứa gần 3 tấn nội tạng (nầm lợn) không có giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ… đang được chuyển từ các tỉnh phía bắc vào các tỉnh miền trung và phía nam tiêu thụ.
- Những con tôm béo mầm không còn là món ăn xa lạ với thực khách. Tuy nhiên, ít ai biết được, trước khi được chiên, hấp... để trở nên cực thơm ngon và được bày biện trên bàn tiệc, những con tôm này đã phải trải qua những công đoạn "vỗ béo" cực kỳ độc hại, mất vệ sinh.
Gần 3 tấn nội tạng heo đã bốc mùi hôi. (Ảnh: Zing.vn)
- 10 giờ ngày 31/5, tại kho lạnh ở thôn Bái Đô, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 1,1 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc và nhiều sản phẩm động vật gồm chân trâu bò đã mốc xanh, bốc mùi hôi thối mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vì vậy, để bảo vệ chính mình, tốt nhất bạn hãy hạn chế ăn nhậu ở quán xá mà không có đủ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm!