Tin mới

Thủ tướng: Cần phải mang tinh thần Park Hang-seo vào phát triển kinh tế

Thứ tư, 19/12/2018, 14:35 (GMT+7)

Thủ tướng cho rằng cần nêu cao tinh thần, tầm nhìn chiến lược như cách mà huấn luyện viên Park Hang-seo đã đưa Việt Nam dành những thành tích lớn trong bóng đá vào việc phát triển kinh tế.

Thủ tướng cho rằng cần nêu cao tinh thần, tầm nhìn chiến lược như cách mà huấn luyện viên Park Hang-seo đã đưa Việt Nam dành những thành tích lớn trong bóng đá vào việc phát triển kinh tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải hỏi hỏi tinh thần người Hàn Quốc, Nhật Bản... để phát triển đất nước. Ảnh: VGP.

Tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngày 19/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ khát vọng đưa nền tảng công nghiệp phụ trợ không chỉ dừng ở tham gia vào chuỗi sản xuất ô tô, xe máy mà cả ngành hàng không. Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu thực tế là Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nên phải làm sao để thành công xưởng thực sự trong sản xuất công nghiệp nói chung và đặc biệt công nghiệp hỗ trợ.

"Tinh thần là làm sao để Việt Nam thành một cứ điểm cho sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia. Đó là vấn đề mà bắt buộc Bộ Công Thương, các bộ liên quan, địa phương phải suy nghĩ trong định hướng phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng cần nêu cao tinh thần, tầm nhìn chiến lược như cách mà huấn luyện viên Park Hang-seo đã đưa Việt Nam dành những thành tích lớn trong bóng đá. Ngành công nghiệp hỗ trợ phải có tinh thần thể thao, tinh thần bóng đá để phát triển nhanh, không thể bình bình. 

"Phải có tầm nhìn bố trí đội hình, dành nguồn lực, thể lực, trí lực... để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đạt thành công như ông Park Hang-seo đã góp phần đưa bóng đá Việt Nam tiến lên. Tinh thần thể thao hay bóng đá cũng truyền vào được kinh tế thì mới thành công được. Các bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp có làm được theo tinh thần đó không", Thủ tướng đặt câu hỏi.

Để làm được điều này, Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư lớn, tập đoàn lớn, khi phát triển công nghiệp hỗ trợ cần phải nhớ đến việc “muốn đi nhanh phải đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”.

“Tinh thần ấy như một đội bóng. Không phải Anh Đức tự nhiên đá volley được vào đâu. Mà Quang Hải đặt vào thì Đức mới volley thành công được”, Thủ tướng ví von thì hội trường vang lên nhiều tiếng vỗ tay.

Cụ thể hóa mong muốn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại định hướng phát triển của Đảng, đến năm 2030 Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về công nghiệp. Năm 2045, Việt Nam là công nghiệp phát triển hiện đại.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý trong quá trình phát triển cần lưu ý lấy thị trường khu vực và thế giới để làm động lực cạnh tranh. Ông cho biết luôn ưu tiên Chính sách tiếp cận đất đai để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, không có đề nghị nào lấy đất phát triển công nghiệp hỗ trợ mà Chính phủ từ chối. Cùng với đó còn là sự chủ động xây dựng cơ chế của các địa phương để doanh nghiệp có sự thuận lợi trong quá trình đầu tư cho doanh nghiệp. 

"Vì sao một số doanh nghiệp ngồi đây có những thành công? Họ làm 3 tháng xong giải phóng mặt bằng, tôn nền và mọi thứ đều tốc độ. Chứ nếu làm 3 năm không xong mặt bằng thì làm công nghiệp hỗ trợ cái gì. Nếu địa phương cứ mơ màng thì sao phát triển được", Thủ tướng chỉ rõ và nhấn mạnh vai trò của các địa phương hết sức quan trọng. 

Khẳng định muốn làm được hay không đều do chính chúng ta, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc đầu tiên cần nghiên cứu là học tập cách Hàn Quốc, Nhật Bản, Séc, nhiều nước khác phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ông cũng nêu ra một số nhiệm vụ trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ hơn vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu, đặc biệt trong lắp ráp ôtô, máy tính, thiết bị di động, dệt may, giày da… có vai trò dẫn dắt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến nghiên cứu phát triển. Bộ Công Thương và các bộ chức năng chủ trì nghiên cứu thành các chủ trương cụ thể.

Cần phát triển doanh nghiệp hỗ trợ lấy thị trường khu vực và thế giới là mục tiêu phát triển và cạnh tranh.

Bộ Công Thương cần sớm trình Thủ tướng hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất là thuế, đất đai, vay ngân hàng. Cần thiết có thể đề xuất một gói tín dụng phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Đức Hoà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news