Tin mới

Thủ tướng chỉ đạo chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc

Thứ ba, 11/07/2017, 21:08 (GMT+7)

Trước tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, trong những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Bắc, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương bị ảnh hưởng chủ động ứng phó mưa lũ.

Trước tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, trong những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Bắc, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương bị ảnh hưởng chủ động ứng phó mưa lũ.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai sáng 11/7, báo cáo về số người thiệt mạng do mưa lũ từ ngày 6/7 đến ngày 11/7 đã có 12 người chết, tăng thêm 3 người so với báo cáo ngày 10/7. Ảnh: FB

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đưa tin, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 997/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ.

Công điện nêu rõ: Những ngày qua, tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng gây ngập lụt cục bộ, sạt lở đất, sập đổ nhà, tắc nghẽn, chia cắt giao thông tại một số khu vực, thiệt hại về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân, nhất là tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình.

Hiện nay, chuẩn bị bước vào thời kỳ mưa lũ chính vụ ở Bắc Bộ, thời gian tới mưa, lũ có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Để chủ động ứng phó mưa lũ diễn biến bất thường, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh:

- Tiếp tục chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, tập trung tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, không để người dân bị đói.

- Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất khi mưa lũ, cảnh báo cho chính quyền và các hộ dân biết, chủ động di dời đến nơi an toàn hoặc có phương án sơ tán khi xảy ra mưa lớn để bảo đảm an toàn tính mạng. 

- Chủ động bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi có mưa lũ, nhất là tại các ngầm, tràn.

- Huy động lực lượng hỗ trợ Nhân dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường, chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở sẵn sàng triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau khi lũ rút.

Công điện cũng yêu cầu các bộ, ban, ngành 

theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ:

 
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chức năng và các địa phương theo dõi chặt chẽ, vận hành an toàn hồ đập thủy lợi, đê điều; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp khi mưa lũ.

- Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động theo dõi, chỉ đạo vận hành an toàn các hồ đập thủy điện và hệ thống điện.

- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng và đơn vị trực thuộc chủ động bố trí vật tư, phương tiện tại các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở, chia cắt khi mưa lũ để kịp thời khắc phục các sự cố, bảo đảm giao thông trên các tuyến quốc lộ, hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng và địa phương biết để chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống mưa lũ, thiên tai.

Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai; chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện lớn trên hệ thống sông Hồng theo nhiệm vụ được giao tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, góp phần phòng, chống lũ cho hạ du.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến sáng 11/7, mưa lũ và sạt lở đất tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Hòa Bình, đã làm 12 người chết, 1 người mất tích.

Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính từ giữa tháng 6-2017 đến ngày 10-7 đã có 19 người chết. Trong đó, Hà Giang là địa phương có nhiều người thiệt mạng nhất với 8 người, Thái Nguyên 4 người, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình đều có người thiệt mạng.

Mưa lũ cũng làm 86 nhà bị thiệt hại; 40 nhà phải di dời; 489 ha lúa và 37 ha hoa màu bị thiệt hại; hơn 71.890 m3 đất, đá sạt lở; 3 cầu, 6 cống bị hư hỏng. Tổng thiệt hại sơ bộ ước tính trên 20,9 tỷ đồng.

Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, trên địa bàn xã Tân Hải, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, đã xảy ra mưa lớn kèm lốc xoáy làm 7 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 4 cây trồng lâu năm bị thiệt hại. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news