Sáng 20/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét loạt cơ chế đặc thù trong tình hình mới.
Thủ tướng cho rằng mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được. Ảnh: VGP
Theo Thủ tướng, những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19. Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái; các nước, đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hầu hết ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội (KTXH) ngưng trệ.
Tuy nhiên, chúng ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện 'mục tiêu kép' - vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động KTXH và bảo đảm đời sống của nhân dân.
So với cuối năm 2019 tình hình có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều do tác động bởi Covid-19. Do đó, ông đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu từ 1/7/2020 để "cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách".
Trước đó, theo nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 vào cuối năm 2019, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu sẽ tăng lên 1,6 triệu đồng một tháng từ 1/7. Mức này tăng khoảng 110.000 đồng so với năm 2018 (tương đương 7%).
Về tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng nhìn nhận, mục tiêu tăng GDP 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được. Vì thế Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP, thu - chi ngân sách, bội chi, nợ công... Các chỉ tiêu cụ thể sẽ được cơ quan này báo cáo Quốc hội sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Dù vậy, theo người đứng đầu Chính phủ, vẫn có những thời cơ mới mở ra sau đại dịch khi làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc đã bắt đầu. Trong đó, Việt Nam có thể là một trong những điểm đến tiếp theo của các nhà đầu tư, tập đoàn đa quốc gia.
"Thực tế này, đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư. Chính phủ sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia gắn với chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ tiên tiến, Thủ tướng nhấn mạnh.