Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017 diễn ra sáng nay (1/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh tinh thần quyết liệt "dẹp loạn" vỉa hè và kế hoạch thu hồi 2,5 triệu xe máy cũ nát.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017. Ảnh: VGP |
Theo thông tin trên VGP, VnEpress, Báo Giao thông, sáng nay (1/3), Chính phủ đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 2/2017 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Mở đầu phiên họp, Người đứng đầu Chính phủ đã bày tỏ sự hài lòng khi ngay sau Tết, các cơ quan Trung ương và địa phương bắt tay ngay vào công việc, phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, không có tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” như quan niệm trước đây. Thủ tướng đánh giá, 2 tháng sau Tết, tình hình kinh tế- xã hội nhìn chung tích cực và phát triển tốt; Đầu tư nước ngoài, khách du lịch đều tăng....
Đặc biệt, Thủ tướng nhắc đến nhiều tin vui khi vừa qua, TP.HCM ra quân quyết liệt tháo dỡ, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
"Chúng ta cũng nhận được tin vui Hà Nội có kế hoạch thu hồi, tiêu hủy 2,5 triệu xe gắn máy cũ nát và dẹp bỏ lấn chiếm vỉa hè ở một số khu vực nội đô. "Việc này không thể làm tất cả ngay, không thể làm "đầu voi đuôi chuột" nhưng thái độ lập lại trật tự đô thị ở các thành phố lớn là rất đáng hoan nghênh trong tháng sau Tết”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu lạc quan Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, yếu kém, vấn đề nổi cộm thời gian qua như Tai nạn giao thông, nhất là đường sắt, tăng liên tục (khiến 1.570 người chết trong 2 tháng), tình trạng ngộ độc rượu dẫn đến chết người như trường hợp ở Lai Châu hay một số vụ kinh doanh, quản lý khách du lịch vi phạm nghiêm trọng như kinh doanh dịch vụ du lịch mạo hiểm gây chết người....
“Việc trao giải thưởng văn học nghệ thuật của ngành văn hóa dư luận có nhiều ý kiến, tính chất kinh doanh Grab taxi và Uber taxi là giống nhau mà Grab được kinh doanh còn Uber thì còn nói qua nói lại chuyện này”, Thủ tướng nêu vấn đề.
Nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng nêu câu hỏi: "Tại sao nhiều doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kiến nghị về chi phí sản xuất gián tiếp tăng cao từ phí đường bộ, cảng biển cho đến chi phí thủ tục hành chính ngầm vẫn còn xảy ra trong khi Chính phủ thống nhất phải tạo mọi điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp?".
Thủ tướng nhất trí quan điểm chúng ta không bao cấp nhưng trong điều kiện còn khó khăn thì phải thực hiện lộ trình tính giá, phí, lệ phí phù hợp. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải có ý kiến về vấn đề này.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các thành viên góp ý kiến cụ thể các biện pháp thực hiện kỷ luật, kỷ cương này bởi “kỷ luật, kỷ cương kém cùng với chỉ đạo không sát với kinh tế thị trường ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước”.
Đức Hòa (tổng hợp)