Nhiều người Việt từng chi ra hơn 1 triệu đồng để mua1kg kiến gai đen. Song mới đây, nhiều chuyên gia lên tiếng khẳng định, tác dụng của trứng kiến gai đen chưa được kiểm nghiệm, thậm chí còn gây độc.
Khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 chính là thời gian trứng kiến gai đen được giao dịch rầm rộ nhất.
Chia sẻ trên báo Vietnamnet ở thời điểm đó, anh Nguyễn Văn Nh., một người bán cho biết, mặc dù có giá 700.000 đồng/kg nhưng vẫn rất đông người đặt mua trứng kiến gai đen. Có người mua một lúc cả 4-5kg trứng kiến về để tủ lạnh ăn dần.
Cũng trên báo này, chị Nhật Hương ở Chùa Láng (Đống Đa, HN) cho biết, trung bình nhà chị mỗi ngày bán khoảng 1 yến trứng kiến, kết thúc mùa cũng bán được vài tạ. Bánh trứng kiến bán được 50-70 chiếc/ngày, ngày nào nhiều lên tới 300-400 chiếc. Theo chia sẻ của chị Hương, thì có người còn mua một lúc 5-7kg ăn dần.
Trứng kiến gai đen từng được coi là "thần dược", bán với giá đắt đỏ. Ảnh: Internet |
Theo khảo sát của PV báo ĐS&PL, một cân trứng kiến gai đen loại thượng hạng mua tại nơi cung cấp (chủ yếu ở Cao Bằng, Phú Thọ, Bắc Giang) giá 800.000 – 1.000.000 đồng. Trong khi đó, tại Hà Nội, giá loại trứng kiến này dao động từ 600.000 – 1.200.000 đồng/kg, tùy theo chủng loại.
Liên hệ với một số điện thoại bán trứng kiến gai đen ở đường Hoàng Quốc Việt (Nam Từ Liêm, Hà Nội), PV báo ĐSPL được người bán hàng cho biết, giá 1kg là 600.000 đồng, chỉ bán từ 1kg trở lên.
“Mua nhanh không hết nhé! Hàng “chuẩn” ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Đang vào mùa mà, chỉ được 2 tháng thôi! Năm ngoái nhà tôi bán được hơn 1 tạ trứng kiến gai đen đấy”, chị này nói với PV báo ĐSPL.
Các chuyên gia khuyến cáo cần cẩn trọng khi dùng trứng kiến gai đen. Ảnh: Internet |
Theo lời quảng cáo của anh Nguyễn Văn Nh. trên báo Vietnamnet, thì trứng kiến gai đen loại ngon được lấy trứng từ loại kiến đen to làm tổ trên cây. Trứng kiến đặc biệt tốt cho trẻ em, người già, giúp giảm stress. Ăn vào, đàn ông ăn cải thiện khả năng sinh lý, phụ nữ đẹp da, tóc đen và mượt. Trong trứng kiến gai đen có tới 42-47% chất đạm với hơn 30 loại acid và 31 nguyên tố vi lượng. Ngoài ra, trứng kiến gai đen còn chứa hàm lượng vitamin như A, D, E, B1... , trong đó có 8 loại acid amin thiết yếu mà có những loại cơ thể người không tự tổng hợp được.
Mới đây nhất, trên Zing.vn, khi PV báo này đến một cửa hàng chuyên bán đặc sản miền núi tại đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân, TP HCM), mặc dù tại thời điểm này không đúng mùa thu hoạch nhưng trứng kiến được đóng trong hàng chục hộp nhựa (1 kg/hộp), đã được xếp kỹ vào thùng, chuẩn bị giao cho khách.
Một nam thanh niên tên L. cho biết với Zing : “Dù có giá 500.000 đồng/kg nhưng mỗi ngày đều giao cả chục ký cho các nhà hàng. Không chỉ các ông nhậu, cả các bà cũng mê vì ăn vào sẽ đẹp da”.
Dù đã và đang được bán với giá cả khá đắt đỏ, kèm theo nhiều lời quảng cáo về tác dụng, song kiến gai đen lại bị nhận nhiều khuyến cao không tích cực từ các chuyên gia.
Chia sẻ trên báo ĐSPL, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, bản chất trứng kiến là loại ấu trùng và cũng như trứng ong, nhộng tằm nên có giá trị dinh dưỡng rất tốt. Tuy nhiên, tính chất dược lý của trứng kiến đến đâu chưa có bất kỳ công trình khoa học nào nghiên cứu. Để đưa ra bất kỳ giá trị nào của trứng kiến cần phải nghiên cứu về mặt lâm sàng, dược lý. Vì vậy, các chuyên gia sẽ không thể đưa ra lời khuyên chúng ta dùng trứng kiến để chữa bệnh hoặc bồi bổ vì chưa có cơ sở khoa học.
“Phần lớn tác dụng của trứng kiến là do truyền tai nhau chứ chưa được kiểm chứng. Do đó, không thể khẳng định trứng kiến tốt cho trẻ em, người già hay bản lĩnh đàn ông ra sao. Mọi người không nên có niềm tin mù quáng vào những lời quảng cáo được thổi phồng mang tính thương mại như vậy”, PGS Thịnh khuyến cáo.
PGS.TS Thịnh cho biết thêm, chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nên cũng không thể khẳng định về tính độc hại (nếu có) của trứng kiến. Tuy nhiên, đây là loài động vật hoang dã, khi làm tổ chúng hay tiết ra độc tố để bảo vệ con non theo nguyên tắc bảo tồn giống loài. Do đó, axit có trong kiến thì cũng có thể có trong trứng. Người sử dụng không loại trừ khả năng ăn phải độc tố này. Ngoài ra, mặc dù trong trứng kiến có nhiều chất bổ, một số người dùng vẫn có thể bị dị ứng khi chưa có bất kỳ khuyến cáo, chỉ định về việc chế biến và sử dụng loại đặc sản này.
Khi đặt vấn đề về Công dụng bồi bổ sức khỏe của trứng kiến gai đen, lương y Đinh Công Bảy - Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM khẳng định trên Zing.vn, chỉ nghe trứng kiến vàng làm muối, chưa nghe trứng kiến gai đen.
Về công dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực, theo Zing, đó chỉ là lời đồn đại. Tờ báo này dẫn lời cảnh báo của BS CKII Trần Văn Năm – nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP HCM: “Đây có thể là bài thuốc gia truyền của một số người dân tộc vùng núi. Công dụng thực hư thế nào chưa rõ nhưng người dân nên thận trọng khi ăn loại trứng này. Trứng kiến cũng giống như trứng của nhiều loại động vật, chứa nhiều đạm, có thể hợp với người này nhưng gây độc với người khác. Ở một số cơ địa, chỉ cần ăn một ít trứng kiến cũng có thể gây dị ứng, ngộ độc. Chưa kể, nếu người săn kiến dùng thuốc xịt kiến để lấy trứng, trứng kiến cũng ảnh hưởng trực tiếp, khi ăn vào sẽ có hại”.
Nam Nam (tổng hợp)