Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó 10 ngày, bệnh nhân đã mổ lợn và 6 ngày sau bị sốt, nổi ban hoại tử trên da. Người đàn ông này phải nhập viện địa phương khẩn cấp và được chẩn đoán nhiễm liên cầu lợn chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Tin tức trên Dân Trí và VOV đăng tải, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị 2 bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn. Trong đó, một trường hợp bị nhiễm bệnh do giết mổ lợn.
Trường hợp bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn do giết mổ lợn là ông Vũ Đức Bổng (60 tuổi, quê ở Nam Định).
Những vết ban hoại tử trên da của bệnh nhân liên cầu lợn |
Ông Bổng nhập viện ngày 27/2 với biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau bụng. Trước đó, ông Bổng đã giết mổ lợn cho đám cưới mà không đeo găng tay bảo vệ.
Theo thông tin anh Nguyễn Đình Phường đang chăm sóc bố vợ là ông Vũ Đức Bổng (ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) bị liên cầu lợn cho biết: “Hỏi ông thì ông bảo không ăn tiết canh. Ông chỉ đi giúp mổ lợn cho nhà hàng xóm có đám cưới. Tay của ông trước đó có nhiều vết xước, do ông làm xây dựng bị dị ứng xi măng, ngứa, gãi gây vết xước. Có lẽ đây là lý do khiến ông bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn”.
Sau 6 ngày giết mổ lợn ông B. xuất hiện tình trạng sốt, điều trị ở nhà và tuyến dưới 4 ngày thì được chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng có ban hoại tử trên da, suy thận nặng.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 9 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn; trong đó, tháng 1 có 5 ca, tháng 2 có 4 ca. Tuy không có trường hợp nào tử vong nhưng thời gian điều trị kéo dài và mỗi ca bệnh tốn kém hàng trăm triệu đồng.
Điều tra các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn trên người cho thấy khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. |
Những bệnh nhân này hầu hết tham gia giết mổ, ăn thịt lợn ốm, ăn tiết canh, các sản phẩm sống từ lợn.
BS Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết cảnh báo tiết canh nguy hiểm là không thừa, bởi ngoài nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, tiết canh còn tiềm ẩn một loạt nguy cơ khác.
Như trong tiết canh gia cầm có nguy cơ nhiễm vi rút cúm gia cầm; ăn tiết canh có thể nhiễm giun xoắn, sán, các mầm bệnh gây tiêu chảy.
Vi khuẩn liên cầu lợn có thể xâm nhập vào con người qua tiếp xúc trực tiếp như chăm sóc, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh. Nhưng hay gặp nhất vẫn là ăn những sản phầm lợn chưa nấu chín mà có chứa liên cầu lợn như tiết canh, các món thịt sống, thịt tái.
Do đó, để phòng ngừa bệnh liên cầu lợn, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức tự giác phòng bằng cách không được giết mổ lợn ốm, chết; không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh; thực hiện ăn chín uống sôi.
Trang Vũ (Tổng hợp)