Tin mới

Tiết lộ cách viết kỹ năng trong CV để được gọi phỏng vấn

Thứ ba, 10/05/2022, 16:05 (GMT+7)

Tương tự như kinh nghiệm làm việc, cách viết kỹ năng trong CV cũng rất quan trọng. Mục kỹ năng là nơi để truyền đạt điểm mạnh, khả năng và kiến ​​thức chuyên môn của bạn cho các nhà tuyển dụng tiềm năng thấy rằng bạn có đủ kỹ năng để hoàn thành công việc.

Ngoài ra, bao gồm các kỹ năng phù hợp cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp CV vượt qua hệ thống tìm kiếm. Hệ thống này sẽ “quét” CV tìm kiếm các từ khóa từ tin tuyển dụng. Chỉ có những CV chứa các từ khóa này mới có thể đến được tay của nhà tuyển dụng. Phần kỹ năng là một kho lưu trữ nhiều từ khóa này, khiến nó trở thành một yếu tố quan trọng trong CV của bạn.

Ngày nay chỉ cần gõ “cv online free download” là sẽ xuất hiện hàng ngàn mẫu CV, bạn chỉ cần thêm thông tin vào các mục có sẵn và gửi đi. Nhưng với tầm quan trọng như đã nói ở trên, việc chăm chút cho CV, nhất là mục kỹ năng là điều cần được quan tâm đúng mực. Tham khảo các thông tin sau đây về cách viết kỹ năng trong CV sẽ không khiến bạn phí hoài thời gian đâu. 

Có bao nhiêu loại kỹ năng trong CV?

Nhìn chung, các kỹ năng trong bất kỳ CV nào đều thuộc hai loại chính:

Kỹ năng cứng: Kỹ năng cứng là những kỹ năng chuyên môn có được thông qua giáo dục, đào tạo và chứng nhận, mà nhà tuyển dụng có thể kiểm tra và đánh giá. 

Tiết lộ cách viết kỹ năng trong CV để được gọi phỏng vấn - Ảnh 1

Kỹ năng mềm: còn được gọi là kỹ năng con người, liên quan đến cách bạn tiến hành công việc của mình như quản lý thời gian, giao tiếp, tư duy phản biện, dịch vụ khách hàng và ra quyết định. Trong các cuộc phỏng vấn việc làm, nhà tuyển dụng thường sẽ kiểm tra các kỹ năng mềm của bạn bằng cách đưa ra một tình huống giả định để đánh giá phản ứng của bạn.

Cách viết kỹ năng trong CV để nhận được nhiều cuộc gọi phỏng vấn hơn 

Chỉ sử dụng các kỹ năng liên quan đến công việc

Mục tiêu của phần kỹ năng là thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn có thể hoàn thành công việc, chứ không phải tất cả mọi nhiệm vụ có thể tưởng tượng ra. Vì vậy, điều đầu tiên khi nói đến cách viết kỹ năng trong CV là chỉ liệt kê các kỹ năng chuyên môn phù hợp liên quan và được đánh giá cao ở vị trí ứng tuyển. Danh sách kỹ năng của bạn nên chứa 10-12 kỹ năng quan trọng, bao gồm càng nhiều kỹ năng được trích dẫn trong quảng cáo tuyển dụng càng tốt. Đây là những kỹ năng mà nhà tuyển dụng muốn thấy ngay. Đừng bận tâm đến việc bao gồm kỹ năng sử dụng các phần mềm hoặc máy móc cũ vì nó khiến bạn có vẻ lạc lõng với các xu hướng hiện tại.

 Để tăng mức độ thuyết phục, bạn cũng có thể đề cập mức độ thông thạo các kỹ năng đó. 

Bao gồm các từ đồng nghĩa có liên quan

Sử dụng các từ đồng nghĩa và các cụm từ khác nhau được sử dụng cho các kỹ năng của bạn. Ví dụ, tiếp thị truyền thông xã hội thường được viết tắt là SMM – Social Media Marketing và đôi khi có thể đề cập đến các nền tảng cụ thể, chẳng hạn như tiếp thị Facebook hoặc tiếp thị Pinterest. Dù nhà tuyển dụng có tìm kiếm hồ sơ bằng từ khóa nào thì CV của bạn cũng có nhiều cơ hội xuất hiện hơn. 

Tiết lộ cách viết kỹ năng trong CV để được gọi phỏng vấn - Ảnh 2

Lặp lại các kỹ năng quan trọng một vài lần 

Hệ thống tìm kiếm hồ sơ có thể đếm tần suất xuất hiện của một từ khóa, sau đó xếp hạng CV theo từ khóa. Tức là từ khóa xuất hiện nhiều lần thì CV được xếp hạng càng cao và càng dễ dàng được tìm thấy. Nói như vậy không đồng nghĩa với việc nhồi nhét quá nhiều từ khóa vào CV. Mỗi từ khóa quan trọng chỉ cần xuất hiện 2-3 lần là đủ. 

Bạn có thể tìm thấy ba vị trí để thêm vào đó các kỹ năng như mục tiêu nghề nghiệp, kinh nghiệm làm việc và mục kỹ năng.

Đừng nghĩ rằng nhà tuyển dụng tiềm năng sẽ đọc mọi chi tiết trong kinh nghiệm làm việc của bạn bởi họ không có nhiều thời gian. Nếu không muốn các kỹ năng quan trọng bị mất đi trong mục kinh nghiệm việc làm chung thì hãy đặt chúng ở đầu CV trong phần mục tiêu nghề nghiệp hoặc trong phần kỹ năng cụ thể - nơi chúng dễ nhìn thấy nhất. 

Đừng đưa vào các kỹ năng mà ai cũng có 

Không bao giờ nên liệt kê các kỹ năng như Microsoft Word, email hoặc tìm kiếm trên web. Bất kỳ ai nộp đơn xin việc ngày nay đều có những kỹ năng này. Đứng ở vai trò là nhà tuyển dụng, bạn có muốn tuyển một người coi khả năng tìm kiếm trên web là một thành tựu không?

Đảm bảo tính trung thực

Hãy xem lại danh sách các kỹ năng của bạn một lần nữa và tự hỏi bản thân xem bạn có phóng đại về bất kỳ kỹ năng nào không. Mặc dù bạn có thể muốn đưa vào một kỹ năng mới được yêu cầu hoặc nâng cao mức độ thành thạo trong việc sử dụng một công nghệ nào đó để khiến bản thân có vẻ hấp dẫn hơn nhưng hãy trung thực. Kiểm tra người tham chiếu là một phần phổ biến của quá trình tuyển dụng và hầu hết những lời nói dối cuối cùng sẽ bị vạch trần. Do đó, trung thực là cách viết kỹ năng trong CV bạn nên hướng đến. 

Trâm Nguyễn

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news