Sau khi hợp nhất các bộ lạc ở vùng đông bắc châu Á năm 1206, đại quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều quốc gia châu Á và châu Âu.
Không những tạo ra một Đế chế Mông Cổ hùng mạnh bằng việc thực hiện nhiều cuộc chinh phạt ở khắp châu Á, mà đội quân của nhà quân sự tài ba Thành Cát Tư Hãn còn mở rộng tầm ảnh hưởng và càn quét cả về những quốc gia ở khu vực phía tây xa xôi như Ba Lan, Hungary và một số quốc gia ở châu Âu.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Ars Technica, những chiến binh hung bạo trong đội quân "bách chiến bách thắng" của Thành Cát Tư Hãn lại có thể từng bị đe dọa bởi một mối hiểm họa ít ai ngờ tới. Đó chính là nhiễm virus viêm gan B (HBV).
Thành Cát Tư Hãn (1162-1227) là người sáng lập ra Đế chế Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc ở vùng đông bắc châu Á năm 1206.
Vị Khả hãn Mông Cổ này được coi là một trong những nhà lãnh đạo, nhà quân sự lỗi lạc và có vai trò rất quan trọng trong lịch sử thế giới.
Các bằng chứng cho thấy cách đây hàng ngàn năm, virus viêm gan B từng trở thành "nỗi ám ảnh" đáng sợ của người dân Mông Cổ.
Kết quả bất ngờ của nghiên cứu này mới được Eske Willerslev, nhà di truyền học tại ĐH Copenhagen (Đan Mạch) chia sẻ.
Theo đó, các chuyên gia tìm thấy bằng chứng về căn bệnh viêm gan B từ những DNA còn sót lại trong xương và răng của những bộ hài cốt được phát hiện ở các thảo nguyên châu Á, bao gồm: Nga, Kazakhstan, Trung Quốc, Turkmenistan và Uzbekistan.
Thành Cát Tư Hãn và đội quân hung bạo đã xây dựng nên Đế chế Mông Cổ hùng mạnh. Ảnh minh họa
Nhóm nghiên cứu của Eske Willerslev đã tiến hành giải mã 12 bộ gen lâu đời nhất bị nhiễm virus và kết hợp so sánh chúng với bộ gen hiện đại để phân tích xem HBV đã thay đổi như thế nào theo thời gian.
Theo các nhà nghiên cứu, virus HBV dễ dàng được tìm thấy trong các mẫu DNA cổ đại bởi vì những người bị nhiễm viêm gan B thường mang một lượng lớn virus trong máu trong nhiều năm.
Điều này làm tăng nguy cơ định lượng virus viêm gan B (HBV-DNA) sẽ được bảo tồn trong các tế bào xương.
Thành Cát Tư Hãn là một trong những nhà quân sự lỗi lạc trong lịch sử thế giới. Ảnh: Internet
Phát hiện này cho thấy virus viêm gan B (HBV) đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Mông Cổ trong suốt hàng ngàn năm qua.
Eske Willerslev và các cộng sự cũng phát hiện ra một trong chín chủng HBV chủ yếu ngày nay được tạo ra từ sự kết hợp của hai chủng HBV khác từ thời cổ xưa.
Đội quân hùng mạnh của Thành Cát Tư Hãn có thể từng bị nhiễm HBV. Ảnh: Shutterstock
Kết quả có nghĩa là HBV đã "tấn công" và trở nên phổ biến ở các thảo nguyên cách đây hàng ngàn năm, giống như là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của căn bệnh này trong thế giới hiện đại.
Viêm gan B: Căn bệnh đáng sợ từ quá khứ tới hiện đại
Viêm gan B thực sự trở thành một căn bệnh đáng sợ. Ngày nay, ở Nam Sudan có tới 22% người bị nhiễm bệnh này. Và ở những nơi có hơn 8% bị nhiễm virus HBV thì tới 70-90% người dân đã bị nhiễm viêm gan B ít nhất một lần trong cuộc đời.
Những người bị nhiễm HBV sẽ có nguy cơ cao bị các bệnh liên quan tới gan như xơ gan, ung thư gan. Ảnh: Internet
Theo báo cáo được đăng tải trên tạp chí The Lancet Gastroenterology & Hepatology (Anh) ngày 27/3, cho biết, khoảng 300 triệu người dân trên thế giới đang chung sống với virus viêm gan B, nhưng cứ 20 bệnh nhân thì chỉ có 1 trường hợp được điều trị.
Đây thực sự là một tình trạng đáng báo động vể căn bệnh "sát thủ thầm lặng" này.
Nếu không được chữa trị, những người bị nhiễm HBV sẽ có nguy cơ cao bị các bệnh liên quan tới gan, trong đó có xơ gan và ung thư gan.
Các nhà nghiên cứu hy vọng kết quả nghiên cứu trên sẽ giúp chúng ta tìm hiểu thêm về cách thức mà virus viêm gan B đã thay đổi ra sao trong suốt hàng nghìn năm qua và từ đó có thể dự đoán, tìm ra hướng điều trị ưu việt cho những người nhiễm HBV trong tương lai.
Tham khảo nguồn: Dailymail, Theguardian
Nguyễn Hằng
Theo Helino/Trí thức trẻ