Theo chuyên gia tâm lý, khi bị chồng cằn nhằn việc chi tiêu, chị em phụ nữ cũng nên chia sẻ để chồng hiểu và thông cảm với những cái khó của mình thay vì im lặng rồi lại hậm hực.
Mới đây, một người vợ trẻ đăng tải nhật kí chi tiêu khá tiết kiệm nhưng vẫn bị chồng cằn nhằn "tiêu cái gì mà tiền anh đưa không đủ?” đã gây sự chú ý của Cộng đồng mạng.
Nhật kí chi tiêu cho gia đình 5 người trong một tháng của bà mẹ trẻ Thu Thủy. Ảnh: FBNV |
Theo nhiều ý kiến từ cư dân mạng, người vợ chi tiêu các khoản cho gia đình 5 người trong một tháng chỉ với 4.351.000 đồng là rất khéo chi, "đáng ngưỡng mộ" trong thời buổi vật giá lên cao như hiện nay. Trong khi đó, người chồng thì nhận được nhiều chỉ trích rằng chỉ biết đưa tiền mà không quan tâm và chia sẻ với những loay hoay của người vợ khi đi chợ mà lại còn làm tổn thương vợ.
"Chị cho ông chồng này cầm quỹ tự chi tiêu xem với số tiền đó có đủ không?", nhiều chị em bức xúc , "xúi" người vợ.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, chi tiêu không có công thức chung, không ai dạy ai cả, mà vốn phụ nữ phải tự cân đo đong đếm để phù hợp với ví nhà mình. Phụ nữ Việt Nam đa phần là người biết vun vén cho gia đình nhưng vì thiếu kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là truyền thông điệp đến với chồng. Sự thiếu khéo léo này khiến người chồng không thấu hiểu hết được những vất vả của người vợ.
"Nhiều phụ nữ cất quỹ đen để phòng những khi gia đình có việc như con ốm đau, biếu gia đình hai bên hay lo cho chồng khi có công việc, nhưng lại không nói cho chồng như vậy là thiếu minh bạch, dễ gây hiểu nhầm cho chồng dẫn đến mâu thuẫn", chuyên gia Nguyễn An Chất nói.
Trong cuộc sống gia đình thời hiện đại, vì thiếu sự bình tĩnh, thiếu sự truyền thông lẫn nhau nên mỗi người đặc biệt là vợ chồng ai cũng cho mình là đúng, nhất là trong chuyện chi tiêu. Người vợ thì cho rằng mình đã phục vụ chồng con mà vẫn không nhận được sự thông cảm, còn chồng thì muốn rằng tiêu xài thì cần phải có tích lũy, khi hỏi lại không có thì thường thuận miệng họ cũng nói rằng vợ không biết tiêu xài.
Một số người chồng khi ra ngoài kiếm tiền vất vả nhưng vẫn mang nỗi lo vợ vung tay quá trán, không biết tiết kiệm, vì vậy chị em cũng nên hiểu tính cách của chồng để hài hòa trong cuộc sống.
"Ví dụ trong việc tiêu xài, ở miền Bắc thì tính cách họ thích trong nhà lúc nào cũng có tiền dự trữ, ăn uống chừng mực, còn miền Trung, vì quanh năm bão tố nên họ muốn tiết kiệm nhiều hơn, nhưng dân người Nam bộ lại thích phóng khoáng, tiêu xài nhiều hơn có lẽ là do thiên nhiên ưu đãi hơn", ông Chất dẫn dụ.
Ngoài ra, theo ông Chất cho rằng, phụ nữ cũng nên từ bỏ tâm lý khinh thường, mất tin tưởng ở chồng mà hãy nên nghĩ họ là người đàn ông của mình, là chỗ dựa an toàn cho mình thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn.
Chia sẻ thêm về việc người chồng có nên cầm tiền chi tiêu trong gia đình hay không, chuyên gia An Chất cho biết: "Khi người phụ nữ tạo cho chồng cảm giác không yên tâm nhất là trong việc chi tiêu như thích mua sắm, dễ tin người, hay bị lừa gạt bởi những chiêu trò dụ mua đồ không tin cậy thì người chồng cầm tiền cũng là điều dễ hiểu. Vì vậy cũng không trách được người chồng chi li. Quan trọng là cả hai phải biết tin tưởng lẫn nhau, điều chỉnh mình trong cuộc sống vợ chồng".
Dã Quỳ