Tin mới

''Phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn di sản văn hóa"

Thứ tư, 23/11/2022, 17:33 (GMT+7)

Theo chuyên gia, trong quá trình khai thác du lịch, các DN phải đồng hành với bảo tồn di sản văn hoá cho thế hệ tương lai nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Tại diễn đàn "Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa" sáng 23/11, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch Việt Nam cho biết, với du lịch, văn hóa là nền tảng để phát triển, Việt Nam với tài nguyên văn hóa phong phú qua ngàn đời, di sản văn hóa không chỉ là di sản đơn thuần mà là nguồn lực để phát triển du lịch.

Ông Tuấn nhìn nhận, trong quá trình phát triển du lịch, nhiều đơn vị chưa chú trọng giá trị bảo tồn mà chỉ mới đang khai thác kinh tế. Một số doanh nghiệp đầu tư phát triển nhưng không chú trọng đến việc bảo tồn, một số khác nôn nóng khai thác lợi nhuận, xây dựng công trình làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến di sản.

Hay một số công trình sử dụng nguồn lực của nhà nước, việc đầu tư nhưng không đặt ra kế hoạch khai thác như thế nào gây lãng phí nguồn lực.

TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch Việt Nam.
TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch Việt Nam.

TS Nguyễn Anh Tuấn đưa ra thông điệp về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Việt Nam: “Chúng ta phải có trách nhiệm trong quá trình khai thác để phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp thể hiện được vai trò của mình trong quá trình khai thác đồng hành với bảo tồn cho thế hệ tương lai để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn di sản văn hóa".

Chia sẻ tại diễn đàn, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng, bảo tồn và gìn giữ di sản văn hoá là vấn đề rất lớn và rất khó. Ông đã dẫn chứng một số câu chuyện cụ thể, từ đó gợi ra một vài suy nghĩ, quyết định về thái độ mà ở đây đối tượng là các doanh nghiệp doanh nhân. Về phía nhà nước, mới đây, Hà Nội vừa có một quyết định bỏ ra 4.000 tỷ đồng để cấp cứu cho 5.000 di tích, di sản, kiến trúc văn hóa, tâm linh.

"Tôi xin kể câu chuyện về di sản văn hóa kiến trúc tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng mà Hà Nội vừa bỏ ra 4.000 tỷ đồng, chia đều cho các đối tượng thụ hưởng, mỗi đình mỗi chùa, mỗi nhà thờ họ, mộ địa,... được khoảng trên dưới 1 tỷ đồng, vì không biết phải cho như thế nào, cho ai và họ sẽ làm gì với số tiền đó. Cho nên việc chia đều này nghĩa là chúng ta bỏ một giọt nước vào trong cả đại dương thì không có tác dụng.

Các di tích văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh đang trông chờ rất nhiều ở việc Nhà nước xã hội hóa, còn ở đây, trên phương diện là các doanh nhân doanh nghiệp đối với việc bảo tồn gin giữ di sản văn hóa thì như thế nào? Có thể nói, vai trò của các doanh nhân doanh nghiệp cực kỳ quan trọng”, GS sử học Lê Văn Lan nhấn mạnh. 

Giáo sư sử học Lê Văn Lan.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan.

Theo giáo sư Lan, vai trò của doanh nhân doanh nghiệp trong việc bảo tồn gìn giữ văn hóa là rất lớn, đồng thời ở các nơi đều có nhu cầu lớn. Nhờ sự giúp đỡ, tài trợ bằng tiền của các doanh nghiệp để làm lại thì đang có vấn đề. Đó là sự hiểu biết về các giá trị văn hóa đích thực và truyền thống của di sản đối với những người đứng ra để bảo tồn gìn giữ.

Cũng tại Diễn đàn, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam cũng chia sẻ câu chuyện thiết kế những chiếc áo dài cho các chính khách, lãnh đạo và cả những doanh nhân, anh luôn đưa câu chuyện về văn hóa, họa tiết đặc trưng của đất nước để có thể truyền tải những câu chuyện về văn hóa Việt Nam.

"Tôi cho rằng, việc sử dụng văn hóa truyền thống để gắn kết, mở đầu cho những câu chuyện đã thúc đẩy cho những cuộc đối ngoại, làm việc được tốt đẹp hơn. Có rất nhiều doanh nhân đến nhờ tôi thiết kế áo dài để đi công tác, ký kết hợp đồng ở nước ngoài, tôi đã dùng nhiều họa tiết văn hóa của các nước đó sáng tạo vào trang phục áo dài. Đối tác nước bạn rất thích, qua đó, công việc cũng được giải quyết tốt hơn", NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho hay.

Các khách mời tại Diễn đàn Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa.
Các khách mời tại Diễn đàn Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa.

Nói về phát huy di sản văn hóa, ông Trần Đình Thành - Cục phó Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH,TT&DL) cho hay, cách đây 17 năm, Chính phủ đã chọn ngày 23/11 là ngày Di sản văn hóa, do đó để nâng cao nhận thức về di sản, cần có cái nhìn toàn diện động bộ.

"Việc bảo tồn, giữ gìn di sản là cần thiết để cho thế hệ mai sau biết các giá trị văn hóa. Việc bảo tồn là phải có các công việc cụ thể, không phải là tính hình thức. Yếu tố khoa học là quan trọng nhất trong việc bảo tồn di sản, khi luật Di sản văn hóa được ban hành và có hiệu lực từ năm 2021 đến nay, chúng ta đang tập trung giữ gìn những gì cha ông ta truyền lại. 

Việc phát triển kinh tế đi kèm với bảo tồn văn hóa sẽ được đưa vào luật di sản sắp tới. Chúng tôi thấy rằng, doanh nhân có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử", ông Thành thông tin.

Ông Thành cho biết thêm, thời gian qua, doanh nghiệp đã góp vài nghìn tỉ để tu bổ, xây dựng di sản, di tích. Đây là con số đáng mừng khi doanh nghiệp cùng cộng đồng chung tay xây dựng văn hóa, phát triển đất nước.

Để phát huy truyền thống và truyền tải văn hóa Việt, giới thiệu đến bạn bè quốc tế, ông Thành hi vọng rằng cộng đồng doanh nhân cùng nhau xây dựng, đóng góp, bảo tồn di sản trong cả nước.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: lê văn lam