Giá vàng trong nước tăng mạnh
Giá vàng trong nước sáng nay có diễn biến trái ngược so với thế giới. Trong khi giá giao dịch trên thị trường quốc tế giảm thì Giá vàng SJC lại tăng. Đồng thời, khoảng cách giữa giá mua - bán cũng được thu hẹp khá nhiều so với những phiên trước.
Lúc 11h, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 56,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,75 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 150.000 đồng/lượng (mua vào) và 100.000 đồng/lượng (bán ra). Mức chênh giữa giá mua và bán là 850.000 đồng/lượng.
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 56,78 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,93 triệu đồng/lượng (bán ra), không thay đổi nhiều so với phiên trước đó, tuy nhiên, chênh lệch giá mua - bán là hơn 1 triệu đồng/lượng. Trong nhiều phiên giao dịch trước, khoảng cách này từng ghi nhận mức 1,5 triệu đồng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 150.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 54,21 – 55,16 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng nhẹ tỷ giá trung tâm
Ngân hàng Nhà nước ngày 4/8 công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức 23.214 VND/USD, tăng 7 đồng so với hôm qua.
Hiện tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN đang ở mức 23.175 VND/USD (mua vào) và 23.860 VND/USD (bán ra), giữ nguyên chiều mua vào nhưng tăng 7 đồng ở chiều bán ra so với phiên liền trước.
Các ngân hàng thương mại trong nước sáng 4/8 niêm yết tỷ giá VND/USD phổ biến ở quanh mức 23.060 VND/USD (mua vào) và 23.270 VND/USD (bán ra), giảm nhẹ so với phiên trước.
Cụ thể, Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức: 23.090 đồng/USD và 23.270 đồng/USD. Vietinbank và BIDV: 23.085 đồng/USD và 23.265 đồng/USD. ACB: 23.100 đồng/USD và 23.250 đồng/USD.
Trên thị trường thế giới, sáng 4/8 (theo giờ Việt Nam), chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - đứng ở mức 93,493 điểm.
USD hiện đứng ở mức: 1 Euro đổi 1.1760 USD; 1 bảng Anh đổi 1.3077 USD; 1 USD đổi 106.03 Yên.
Có thể dùng điện một giá từ đầu năm sau
Chiều ngày 3/8, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong các tháng 5, tháng 6 và nửa đầu tháng 7 năm 2020, thời tiết nắng nóng cả nước, đặc biệt đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua, nhiệt độ trung bình cả nước cao hơn 1-1,5 độ C so với năm 2019.
Do vậy, đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện và tiền điện của nhiều hộ dân tăng cao do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh.
Theo số liệu báo cáo thống kê của EVN cho thấy đã có hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.
Trong tháng 6/2020 số khách hàng có điện tiêu thụ tăng từ 30% trở lên là 7,63 triệu khách hàng so với cả tháng 5/2020. Tỉ lệ tăng cao nhất ở Hà Nội, miền Bắc và miền Trung do yếu tố nắng nóng.
Số khách hàng theo các mức tăng đều cao hơn của cả tháng 5/2020. Cũng trong thời gian qua đã có nhiều thắc mắc của các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt về hoá đơn tiền điện tăng cao.
Xuất khẩu gạo của Campuchia tăng vọt sau 7 tháng đầu năm
Theo số liệu mới công bố của Liên đoàn Gạo Campuchia, trong 7 tháng đầu năm nay, Campuchia đã xuất khẩu được 426.073 tấn gạo, tăng hơn 118.000 tấn, tương đương 38,33% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, riêng tháng 7 vừa qua, Campuchia xuất khẩu được hơn 28.400 tấn gạo, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia Veng Sakhon cho biết, từ đầu năm đến nay có tổng cộng 57 quốc gia đã mua gạo của Campuchia.
Các thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Campuchia đều tăng mạnh nhập khẩu trong 7 tháng qua so với cùng kỳ 2019 gồm EU tăng 37,7% tương đương 144.200 tấn, Trung Quốc tăng 25,9% tương đương 155.300 tấn, khu vực ASEAN tăng 44% tương đương 57.000 tấn, trong đó Malaysia và Việt Nam là 02 nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Campuchia trong khu vực.
Chính phủ Campuchia đang có chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, khuyến khích người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chuyển đổi nghề nghiệp, tham gia canh tác tại địa phương. Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp, trong đó lúa gạo là mặt hàng chủ lực, luôn là một trong những trụ cột kinh tế giúp đất nước Campuchia phát triển nhanh chóng và bền vững