Lần thứ 3 liên tiếp, giá xăng dầu tăng mạnh
Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 955 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 988 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 13.390 đồng/lít và xăng RON 95 là 14.080 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng giá trong chu kỳ lần này. Dầu diesel tăng 766 đồng/lít, giá bán không quá 11.515 đồng/lít; dầu hỏa tăng 853 đồng/lít lên mức 9.610 đồng/lít và dầu mazut tăng 830 đồng/kg lên mức 10.322 đồng/kg.
Cùng với đó, Liên bộ quyết định trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON92 là 100 đồng/lít, xăng RON 95 là 200 đồng/lít, dầu diesel 800 đồng/lít, dầu hỏa là 400 đồng/lít và dầu mazut là 100 đồng/kg.
Mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON92 là 800 đồng/lít, xăng RON 95 là 500 đồng/lít và dầu mazut là 200 đồng/kg.
Giá vàng, Giá vàng mới nhất hôm nay 12/6: Vọt lên đỉnh mới
Giá vàng, Giá vàng hôm nay, giá vàng thế giới tính đến 8h30 phút sáng ngày 12/6 giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.725 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.733 USD/ounce.
Giá vàng thế giới giao ngay đã vượt ngưỡng 1.743 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 năm 2020 trên sàn Comex New York ở mức 1.748 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay, giá vàng thế giới tăng vọt và đang hướng đến đỉnh cao mới trong bối cảnh kinh tế Mỹ và thế giới gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Giá vàng, giá vàng trong nước, giá vàng mới nhất hôm nay, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 48,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,68 triệu đồng/lượng (bán ra), không đổi ở chiều mua vào nhưng giảm 20 ngàn đồng chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.
Giá vàng SJC được công ty vàng bạc Sài Gòn niêm yết ở mức 48,42 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,79 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 30 ngàn đồng ở cả 2 chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch 11/6.
Giá vàng trong nước chốt phiên ngày 11/6 được đa số các cửa hàng vàng tăng giá 9999 lên khoảng 50 ngàn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Chứng khoán chiều 11/6: Chốt lời ồ ạt, VN-Index mất hơn 32 điểm
Sau chuỗi phiên tăng mạnh, trong đó nhiều cổ phiếu có mức tăng tới hàng trăm phần trăm trong 2 tháng qua, áp lực chốt lời đã bắt đầu xuất hiện trong 2 phiên gần đây, nhưng do dòng tiền vẫn chảy mạnh nên thị trường vẫn đứng vững.
Trong phiên sáng nay, VN-Index giằng co khi các nhóm có sự phân hóa. Trong khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục nổi sóng, thì nhiều mã bluechip chịu áp lực bán gia tăng nên giảm giá, kéo VN-Index đóng cửa giảm nhẹ.
Bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực bán xuất hiện ồ ạt và lan rộng trên bảng điện tử đã kéo hàng trăm mã giảm giá, đẩy VN-Index lao dốc với mức giảm hơn 20 điểm, xuyên thủng ngưỡng 880 điểm.
Đóng cửa, trên sàn HOSE có 312 mã giảm, gấp gần 4 lần lượng mã tăng là 82 mã, chỉ số VN-Index giảm 32,63 điểm (-3,63%) về 867,37 điểm. Về thanh khoản, dòng tiền ào ạt bắt đáy giúp thanh khoản tăng vọt, đạt gần 10.000 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch của sàn HOSE đạt 707,5 triệu đơn vị, giá trị 9.997,9 tỷ đồng, tăng 30% về khối lượng và 40% về giá trị so với phiên 10/6. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 41,8 triệu đơn vị, giá trị 1.129,4 tỷ đồng. Trong nhóm VN30, không còn một sắc xanh nào, ngay cả STB trong phiên sáng còn ở mức trần 12.300 đồng, cũng đảo quay đầu giảm tới 3,91% xuống 11.050 đồng khi chốt phiên, khớp 38 triệu đơn vị.
Chỉ còn 2 mã may mắn giữ được tham chiếu là SBT và NVL, trong khi có tới 10 mã giảm sàn. ROS bị đẩy xuống mức sàn 3.230 đồng với hơn 43 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn hơn 2,37 triệu đơn vị.
Sau ROS, mã có thanh khoản lớn tiếp theo là là ITA với 39,7 triệu đơn vị. Dù lúc đầu còn dư mua giá trần hàng triệu đơn vị, nhưng lực chốt lời gia tăng mạnh trong phiên chiều đã hấp thụ hết lượng dư mua này, kéo ITA đóng cửa đảo chiều giảm -1,2% về 5.600 đồng.
Trên HNX, diễn biến cũng tương tự khi chỉ số HNX-Index chỉ cầm cự được ít phút đầu phiên trước khi lao dốc theo phương thẳng đứng, mất tới hơn 3,8%, xuống sát ngưỡng 116 điểm. Sắc đỏ tràn ngập bảng điển từ, trong đó có nhiều mã lớn giảm.
Không nằm sàn, nhưng PVS, PVC, TNG, DGC, PVB, BVS… đều giảm từ 7-9%. Hai 2 mã chiếm trọng số lớn nhất là ACB và SHB cùng giảm 4,3%.
Về thanh khoản, HUT, PVS và SHB khớp lệnh mạnh nhất với cùng trên 11 triệu đơn vị. ACB khớp 9,16 triệu đơn vị.
Vải tươi được “đặc cách” khi xuất qua cửa khẩu Lào Cai
Cùng nằm trong nhóm mặt hàng nông sản được ưu tiên xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai, nhưng với nhiều đặc thù, nhất là thời điểm thu hoạch chính vụ đang bắt đầu nên mặt hàng quả vải tươi được thêm một số "đặc cách" để rút ngắn thời gian thông quan, duy trì chất lượng hàng hóa tốt nhất.
Khoảng 1 tháng nay, vải chín sớm từ các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đã tấp nập theo xe ngược lên Lào Cai xuất qua biên giới. Thống kê của ngành Hải quan Lào Cai cho thấy, đã có khoảng 16.000 tấn vải tươi được xuất khẩu qua Trung Quốc, tổng kim ngạch trên 9 triệu USD. Hiện, bình quân mỗi ngày có khoảng 70 – 80 xe tải lớn nhỏ chở vải được giải quyết thông quan.
Theo ông Hà Đức Thuận, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai, nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu mặt hàng vải, tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành có bố trí một phương án phân luồng riêng. Theo đó, xe hàng quả vải tươi tới Lào Cai không cần phải xếp hàng ở bãi ngoài chờ điều tiết, mà được đặc cách vào thẳng sân bãi nhà liên ngành tại cửa khẩu để làm thủ tục.
Mỗi ngày, ngay từ 7h sáng cửa khẩu bắt đầu hoạt động, các xe chở vải được giải quyết thông quan trước, sau đó mới tới các mặt hàng khác. Kể từ đầu vụ đến giờ, thông thường tới 9h sáng là toàn bộ mặt hàng vải đã được xuất đi hết, đảm bảo giữ chất lượng tươi nguyên.
“Ban cũng thường xuyên trao đổi với phía Ban Quản lý Cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc), đề nghị họ giúp ưu tiên thông quan quả vải tươi thì phía bạn cũng tạo điều kiện hết sức thuận lợi, cũng có phân luồng riêng, giải quyết rất nhanh chóng. Và trong quá trình hàng ngày có vấn đề gì phát sinh đều kịp thời thông tin trao đổi” - ông Thuận cho biết.
Hậu cách ly xã hội, doanh số ô tô lập tức tăng 62%
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 5/2020, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 19.081 xe, tăng 62% so với tháng 4/2020 nhưng giảm 30% so với tháng 5/2019.
Doanh số này bao gồm 13.009 xe du lịch; 5.810 xe thương mại và 262 xe chuyên dụng. So với tháng trước đó, doanh số xe du lịch tăng 67%; xe thương mại tăng 59% và xe chuyên dụng giảm 16%.
Báo cáo bán hàng của VAMA cũng cho biết, trong tháng 5/2020, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 11.095 xe, tăng 50% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.986 xe, tăng 83% so với tháng trước.
Sở dĩ lượng sản lượng xe lắp ráp và nhập khẩu đều tăng mạnh là do tháng 4 là giai đoạn giãn cách xã hội dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, bước sang tháng 5, nhiều nhà máy sản xuất ô tô đã mở cửa trở lại, hoạt động xuất nhập khẩu cũng sôi động hơn nhiều so với tháng trước đó.
Luỹ kế đến hết tháng 5/2020, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 83.181 xe, giảm 34% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch đạt 59.098 xe giảm 36%; xe thương mại đạt 22.579 xe, giảm 28% và xe chuyên dụng đạt 1.504 xe, giảm 39% so với cùng kì năm ngoái.
Báo cáo từ VAMA cũng cho biết, tính đến hết Tháng 5/2020, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 32% trong khi xe nhập khẩu giảm 38% so với cùng kì năm ngoái.
Cụ thể, trong tháng 5/2020, Thaco tiếp tục là nhà sản xuất có doanh số cao nhất thị trường với 5.829 xe được bán ra, tiếp sau đó là TC Motor với 4.833 xe và Toyota với 4.167 xe.
Ở nhóm tiếp theo, Honda là nhà sản xuất có doanh số đứng thứ 4 thị trường khi bán được 2.710 xe trong tháng 5/2020, tiếp sau đó là VinFast với 2.161 xe và Ford bán được 1.858 xe, Mitsubishi 1.536 xe.
Đáng chú ý, đây là tháng đầu tiên VinFast chủ động công bố doanh số bán xe và đạt kết quả rất ấn tượng khi chỉ sở hữu 3 mẫu xe, trong khi các nhà sản xuất khác đều sở hữu từ 5-10 mẫu xe.