Chỉ số VN-Index tăng vọt, vượt qua đỉnh
Phiên giao dịch chiều 10/6, chỉ số VN-Index tăng vọt, vượt qua đỉnh của phiên sáng chỉ sau ít phút giao dịch. Tuy nhiên, lên nhanh và xuống cũng nhanh. Nỗ lực chinh phục thử thách mới bất thành đã phải trả giá khi VN-Index bị kéo tụt về sát mốc tham chiếu sau khoảng 45 phút giao dịch.
Đóng cửa, sàn HOSE với 158 mã tăng và 132 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 4,62 điểm (+0,48%) lên 962,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 154,9 triệu đơn vị, giá trị 3.834,41 tỷ đồng, tăng 4,66% về lượng và 16,12% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có đóng góp tích cực với 36,13 triệu đơn vị, giá trị 1.076,28 tỷ đồng, trong đó trái phiếu MSN11718 thỏa thuận 3 triệu đơn vị, giá trị 307,62 tỷ đồng.
Trong khi VIC và VRE vẫn duy trì đà tăng nhẹ, thì người anh em khác là VHM lại đảo chiều giảm 0,24% xuống 82.000 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, bên cạnh TCB đảo chiều giảm, BID quay về mốc tham chiếu, mã đầu ngành VCB cũng thu hẹp biên độ khi tăng 1,7% lên 66.700 đồng/CP, còn lại vẫn biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu.
Nhóm dầu khí cũng kém khởi sắc với GAS chỉ còn tăng 0,5% và kết phiên tại 103.500 đồng/CP, còn PLX, PVD đều đóng cửa tại mốc tham chiếu. Thêm vào đó, một số mã lớn khác hạ độ cao như MSN, VNM, MWG, HVN…
Trái lại, cặp đôi cổ phiếu bia tăng khá tốt với SAB tăng 2% lên mức cao nhất ngày 281.800 đồng/CP, BHN tăng 1% lên 98.000 đồng/CP.
Cổ phiếu ROS cũng có màn đảo chiều ấn tượng nhờ lực cầu tăng mạnh. Với mức tăng 3,3%, cổ phiếu ROS đóng cửa tại mức cao nhất ngày 31.000 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường đạt 8,81 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Tâm điểm đáng chú ý là nhóm hạ tầng khu công nghiệp thu hút dòng tiền khá mạnh và các cổ phiếu như NTC, SZL, SZC, SNZ, D2D, BCM…đồng loạt tăng vọt.
Kết phiên, UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,41%) lên 54,83 điểm với tổng hối lượng giao dịch hơn 7,5 triệu đơn vị, giá trị 183,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 5,73 triệu đơn vị, giá trị 90,35 tỷ đồng.
Cổ phiếu VEA vẫn tăng khá tốt 3,3% lên 53.100 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất, với gần 1,13 triệu đơn vị được giao dịch thành công.
Lãi suất huy động VND "vọt" lên gần 9%/năm
Khảo sát thị trường ngân hàng hiện có thể thấy, mặt bằng lãi suất huy động VND lãi suất hiện nay được chia làm 3 nhóm. Nhóm ngân hàng thứ nhất chiếm hơn một nửa tổng nguồn huy động vốn từ thị trường (đó là 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV) và Techcombank (ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân) có mức lãi suất huy động cao nhất chỉ quanh mức 7%/năm.
Ở nhóm thứ 2 là các ngân hàng cổ phần tư nhân lớn, có hệ thống mạng lưới giao dịch rộng rãi như Sacombank, HDBank, ACB, MB hoặc các ngân hàng nhỏ hiếm khi gia nhập cuộc đua lãi suất cao như Kienlongbank, MSB và nhóm "0 đồng" là OceanBank, GPBank, CBBank thì lãi suất cao nhất cũng chỉ tới 7,7 - 7,8%/năm.
Nhóm thứ ba là các ngân hàng lớn thường xuất hiện trong cuộc đua lãi suất cao như Eximbank, VPBank, SCB, Nam A Bank, VIB, TPBank... và các ngân hàng nhỏ khác có lãi suất cao hơn cả, hiện cao nhất phổ biến trên 8%/năm, có trường hợp tới 8,7%/năm.
Tuy nhiên, đối với nhóm có mức lãi suất huy động VND cao nhất thị trường hiện nay, để được hưởng mức lãi suất huy động VND gần 9%/năm người gửi tiền phải đáp ứng được điều kiện không dễ dàng, tức là phải gửi từ 24-36 tháng hoặc với số tiền gửi rất lớn, tới 500 tỷ đồng.
Bốn “ông lớn” là Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank tiếp tục duy trì lãi suất thấp nhất trên thị trường. Trước đó, mức chênh lệch lãi suất từ 1-1,5%/năm, tuy nhiên, đến tháng 6/2019, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng thương mại Nhà nước với các ngân hàng thương mại cổ phần lên tới 2-3%. Trong khi đó "big 4" niêm yết mức lãi suất ở mức thấp 4,5%. Thấp nhất thị trường là Agribank với mức lãi suất niêm yết 4,3%.
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 11/6/2019: USD suy yếu khi vàng treo cao
Đầu phiên giao dịch ngày 11/6 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, Tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 96,90 điểm.
USD đứng ở mức: 1 euro đổi 1,1300 USD; 108,58 yen đổi 1 USD và 1,2676 USD đổi 1 bảng Anh.
So với rổ sáu đồng tiền chính, chỉ số đồng USD tăng 0,3% lên 96.871, phục hồi nhẹ sau khi kết thúc với mức lỗ 1,2% vào tuần trước, tuần giảm mạnh nhất kể từ 16/2/2018.
Trên thị trường trong nước, Tỷ giá USD/VND ở một số ngân hàng phổ biến ở mức: 23.310 đồng/USD và 23.430 đồng/USD (mua vào và bán ra).
Vietcombank và BIDV: 23.310 đồng/USD và 23.430 đồng/USD (mua vào và bán ra).
Vietinbank: 23.306 đồng/USD và 23.426 đồng/USD (mua vào và bán ra).
ACB: 23.315 đồng/USD và 23.415 đồng/USD (mua vào và bán ra).
Tỷ giá Euro đứng ở mức: 26.196 đồng (mua) và 26.806 (bán).
Tỷ giá Bảng Anh: 29.336 đồng (mua) và 29.806 (bán).
Tỷ giá yên Nhật ở mức 207,8 đồng và bán ra ở mức 216,0 đồng.
Vietlott xác định 'tỷ phú' mới trúng xổ số hơn 34 tỷ đồng ở Cần Thơ
Trong kỳ quay số mở thưởng 451 của sản phẩm Mega 6/45, Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) đã xác định được một tấm vé trúng giải độc đắc trị giá hơn 34,3 tỷ đồng.
Dãy số may mắn được hội đồng thở thưởng xác định là 02 – 06 - 22 – 25 – 35 – 36.
Được biết, tấm vé trúng giải độc đắcđược phát hành tại một điểm bán hàng nằm trên đường Hồ Thị Thưởng (ấp Thới Thuận A, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ).
Sau khi nhận giải, chủ nhân giải thưởng khủng sẽ phải hoàn thành các nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân 10% giá trị giải thưởng theo quy định. Theo đó, chủ nhân giải độc đắc sẽ còn lại số tiền khoảng hơn 30,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, kỳ quay này còn ghi nhận có 13 tấm vé trúng giải nhất với trị giá mỗi giải là 10 triệu đồng, 906 vé trúng giải nhì với trị giá mỗi giải là 300.000 đồng.
Thời hạn lĩnh thưởng là 60 ngày kể từ ngày quay số trúng thưởng. Quá hạn, số tiền sẽ được bổ sung vào các hạng mục khác của Vietlott.
Bitcoin vọt lên 8.000 USD rồi bất ngờ ‘đổ đèo’
Theo thống kê của CoinMarketCap, tiền ảo này tăng 3,8% so với một ngày trước. Khối lượng giao dịch trong 24 giờ gần nhất đạt 18,6 tỷ USD, tăng 2,3 tỷ USD. Vốn hóa thị trường được đẩy lên 141,3 tỷ USD.
Dữ liệu cho thấy Bitcoin giảm 6,6% trong tuần qua, nhưng bắt đầu "cưỡi sóng" tăng trong ngày giao dịch đầu tuần và đang hướng đến ngưỡng trên 8.000 USD.
Ethereum – tiền ảo vốn hóa lớn thứ hai thị trường tăng 5,6% so một ngày trước, đưa vốn hóa vọt lên 26,1 tỷ USD - cao hơn vốn hóa tiền ảo thứ 3 – Ripple hơn 10 tỷ USD.
Đồng Ripple sáng nay tăng 3,1% lên 0,397 USD. Khối lượng giao dịch tiền ảo này trong 24 giờ gần nhất đạt 1,4 tỷ USD.
Trong nhóm 10 tiền ảo hàng đầu, Litecoin tăng mạnh nhất với 10,6% lên 126,4 USD, với mức vốn hóa thị trường là 7,8 tỷ USD. Khối lượng giao dịch 24 giờ của đồng tiền được ghi nhận là 5,3 tỷ USD. Tính chung trong tuần, tiền ảo này tăng 10,51%.
EOS tăng trưởng thấp hơn nhưng cũng khá cao với 4,04%. Hiện được giao dịch ở mức 6,3 USD. Vốn hóa thị trường là 5,9 tỷ USD, trong khi khối lượng giao dịch 24 giờ được ghi nhận là 2,3 tỷ USD. 7 ngày qua, EOS đã giảm 13,04%, nhưng đã phục hồi trong ngày giao dịch đầu tuần.
Tổng vốn hóa thị trường sáng nay tăng thêm gần 12 tỷ USD nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của Bitcoin và các tiền ảo hàng đầu.
Trong nước, giá Bitcoin giao dịch mức 185,3 triệu đồng, tăng 4%, khối lượng giao dịch 24 giờ qua là hơn 27 tỷ đồng.