Nhóm Vingroup dẫn dắt thị trường, Vn-Index tăng gần 7 điểm sau phiên giảm sốc
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số Vn-Index tăng 6,93 điểm (0,71%) lên 988,71 điểm; Hnx-Index tăng 0,28 điểm (0,26%) lên 108,09 điểm và Upcom-Index tăng 0,37 điểm (0,65%) lên 57,26 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức khá với giá trị giao dịch gần 5.000 tỷ đồng.
Khối ngoại có phiên mua ròng khá mạnh trên cả 3 sàn với giá trị 627 tỷ đồng. Nếu loại đi giao dịch thỏa thuận gần 360 tỷ CDN thì thực chất lượng mua ròng chỉ còn 267 tỷ đồng, đây vẫn là con số khá ấn tượng trong giai đoạn gần đây.
Trong phiên hôm nay, nhóm Vingroup gồm VIC, VHM, VRE đóng vai trò không nhỏ giúp thị trường hồi phục sau phiên giảm sốc. Bên cạnh đó, các Bluechips như PNJ, VJC, VNM, BHN, SAB, GAS, BVH, DHG…cũng tăng khá tích cực.
Tỷ giá USD hôm nay 22/3: Khôi phục trở lại
Đầu phiên giao dịch ngày 22/3 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, Tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 96,21 điểm.
USD đứng ở mức: 1 euro đổi 1,1390 USD; 110,63 yen đổi 1 USD và 1,3136 USD đổi 1 bảng Anh.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay giá USD biến động nhẹ. Lúc 8 giờ 15 phút, Tỷ giá USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 23.155 - 23.255 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với hôm qua.
Tương tự, tại BIDV, giá USD cũng được niêm yết ở mức 23.155 - 23.255 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với hôm qua.
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 22/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.957 VND, tăng 4 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.645 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.269 VND/USD.
10 đồng tiền mã hóa giá trị hàng đầu lao dốc
Crypto Thies - một nhà phân tích kỹ thuật khá nổi tiếng trên thị trường tiền mã hóa đã nói với 24.000 người theo dõi trên Twitter của mình rằng Bitcoin chuẩn bị có một lần tăng giá lịch sử. Crypto Thies tự tin giá BTC sẽ tăng, nhưng cảnh báo các nhà giao dịch chuyên nghiệp luôn cần chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Ngược với dự đoán của Crypto Thies, giá Bitcoin cùng hoạt loạt đồng tiền kỹ thuật giá trị hàng đầu bất ngờ quay đầu giảm mạnh. Theo dữ liệu trên CoinMarketCap, Bitcoin – đồng tiền mã hóa giá trị lớn nhất đã mất 1,39% trong 24 giờ qua, xuống 4.028 USD/BTC. Dù vẫn giữ giá trị giao dịch hơn 10 tỷ USD và vốn hóa trên 70 tỷ USD nhưng sự suy giảm cho thấy sự thiếu ổn định của Bitcoin.
Tại sàn giao dịch Bitstamp, lúc 7h00 sáng nay, Bitcoin đã bị tuột khỏi mốc 4.000 USD, mất 57,53 USD mỗi coin, tương ứng giảm 1,44%.
Tương tự Bitcoin, Ethereum (ETH) – đồng coin giá trị thứ hai trên thị trường giảm 2,75%, xuống 136,75 USD. ETH là một trong số đồng tiền mã hóa tăng mạnh trong thời gian qua tuy nhiên đà tăng này đang vấp phải nhiều phản đối từ giới đầu tư. Nhiều người cho rằng giá Ethereum đang cao hơn giá trị thực.
Điều đáng nói là top 10 đồng coin giá trị lớn nhất sáng nay không đồng nào giữ được sự tăng trưởng. Ripple giảm 2,19%, Litecoin giảm 2,31%, EOS giảm 2,21%... các đồng coin còn lại giảm từ 0,2% đến 5%.
Nhóm 20 sáng nay chứng kiến điểm sáng Tezos khi đồng tiền mã hóa này bất ngờ tăng tới 29,8%, giá trị giao dịch trong 24 giờ qua đạt 11 triệu USD.
PVN phải thoái vốn khỏi lĩnh vực nhạy cảm theo đúng lộ trình
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về công tác tái cơ cấu, thoái vốn, cổ phần hoá. Trước đó, PVN cho rằng, phải thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 với khối lượng lớn sẽ khó thực hiện khi phải đảm bảo lợi ích tối ưu cho Nhà nước.
Trong văn bản phản hồi, Bộ Tài chính cho biết, Thủ tướng đã có công văn từ năm 2017 về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thuộc PVN sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020. Bởi vậy, Bộ đề nghị PVN thực hiện theo chỉ đạo này, trong đó, tập trung đẩy nhanh thoái vốn tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực nhạy cảm gồm bất động sản, quỹ đầu tư, chứng khoán, bảo hiểm.
Nhóm các doanh nghiệp trong lĩnh vực này bao gồm: Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính công đoàn dầu khí VN (PVFI), Công ty cổ phần Đông Dương xanh, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI)...
Trước đó, Chính phủ yêu cầu đến cuối năm 2018, PVN phải thoái vốn tại Công ty cổ phần PVI; Công ty cổ phần Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An; Công ty cổ phần phát triển Đông Dương Xanh; Công ty cổ phần Bất động sản dầu khí SSG.
Nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc tìm kiếm đối tác tại Việt Nam
Hội nghị có sự tham gia của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; đại diện các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học công nghệ, Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang ngày càng mạnh mẽ, khiến việc trao đổi nhân lực được mở rộng không chỉ trong ngành du lịch, mà còn trong các lĩnh vực tài chính và doanh nghiệp.
Vừa qua, Hàn Quốc đã cho phép các chuyên gia Việt Nam sử dụng nhiều thị thực với thời hạn 10 năm nhằm thúc đẩy trao đổi nguồn nhân lực. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc mong muốn tìm kiếm những phương thức thúc đẩy sự trao đổi nhân lực giữa 2 quốc gia nhằm tăng cường hợp tác kinh tế.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong năm nay sẽ có hơn 8.000 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc. Riêng công ty Samsung Electronics đang đầu tư vào Việt Nam với tỷ trọng xuất khẩu chiếm đến 25% tổng lượng xuất khẩu quốc gia. Một số doanh nghiệp khác đang có nhà máy tại Việt Nam tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, bao gồm LG, POSCO, CJ và Hyosung cũng đã có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.