(Tinmoi.vn) Hầu hết các chuyên gia không đồng tình với cả ba phương án làm mới cầu Long Biên của Bộ GTVT. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, làm mới cầu Long Biên là phá hủy di tích lịch sử, sẽ bị lịch sử trừng phạt.
Video cầu Long Biên ở Hà Nội như một biểu tượng của lịch sử
Mới đây, Bộ GTVT đưa ra 3 phương án xây mới, bảo tồn cầu Long Biên, gồm phương án 1 sẽ xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn. Phương án 2: xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự cầu cũ như thiết kế ban đầu. Phương án 3: xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, 3 phương án về cầu Long Biên mới đưa ra được xây dựng theo đề nghị của Hà Nội. Bộ đã nhiều lần kiến nghị xây dựng cầu mới song song với cầu cũ để hài hòa giữa bảo tồn và đảm bảo giao thông.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật không đồng tình với cả ba phương án Bộ GTVT đề xuất. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, làm mới cầu Long Biên là phá hủy di tích lịch sử, sẽ bị lịch sử trừng phạt.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, thành phố cần bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên bởi cây cầu này là một chứng tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.
Ông Nghiêm cho rằng các giá trị tiêu biểu của cầu Long Biên là di sản về kiến trúc độc đáo do người Pháp xây dựng, thế giới có rất ít công trình như vậy. Giá trị di sản của cầu Long Biên là không có gì so sánh được nên cần giữ gìn, bảo tồn.
"Chúng ta phải chấp nhận giải tỏa dân để làm cầu mới, không được đặt vấn đề kinh tế khi bảo tồn vì di sản là vô giá", ông Nghiêm nói.
GS Ngô Đức Thịnh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cầu Long Biên có ý nghĩa lịch sử, văn hóa rất lớn. Nó là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với phương Tây mà đại diện là nước Pháp.
"3 phương án mà Bộ Giao thông vận tải đưa ra thực chất đều phá hủy cầu, như vậy là xâm phạm di sản. Những ký ức đẹp của cây cầu trong lòng người Hà Nội cũng vì thế bị tan vỡ", GS Thịnh bức xúc nói.
Các chuyên gia không đồng tình với ba phương án làm mới cầu Long Biên
TS. Trần Hữu Minh (Đại học GTVT) cho rằng, xét trên bình diện tổng thể, khi đứng trước xu thế chung, yêu cầu phát triển và yêu cầu bảo tồn thường có mâu thuẫn với nhau. Theo đó, Mâu thuẫn này luôn là đòi hỏi bất cứ đô thị nào, quốc gia nào cũng đều phải giải quyết.
Các phương án của Bộ GTVT vừa đưa ra cho cầu Long Biên, sẽ là hợp lý trên phương diện chỉ là đề xuất mà không định hướng lựa chọn. Do đó, Bộ GTVT cũng nên đưa thêm những phương án khác như làm thêm một cây cầu mới, độc lập không có liên quan gì đến cầu Long Biên. Hơn nữa, dự án nào cũng là do người dân trả tiền nên cần có thêm phương án cho người dân tìm hiểu và lựa chọn.
“Với những dự án lớn như thế này, trước khi công bố phương án nên có các tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà bảo tồn, các nhà khảo cổ, cùng các chuyên gia về giao thông. Hơn nữa cần phải có những cuộc hội thảo có tầm cỡ hoặc tổ chức hẳn những cuộc thi thiết kế mới cho cầu Long Biên”, TS. Minh nêu ý kiến.
Đồng ý kiến, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cả ba phương án bảo tồn và xây mới mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra đều không ổn. “Phương án 1 không ổn vì không thể bứng cây cầu ra khỏi địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học để làm một cây cầu giả cổ. Phương án 2 nếu thực hiện thì sẽ làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích lịch sử-văn hóa. Phương án 3 càng không nên vì phần làm mới không giống như bản gốc về hình dáng, kích thước, chất liệu, màu sắc, trang trí và những đặc điểm khác,” Kiến trúc sư Trần Huy Ánh phân tích.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng nhận xét: Cả ba phương án của Bộ Giao thông Vận tải đều đụng chạm tới những vấn đề làm hỏng đi toàn bộ giá trị của cây cầu, khi đòi hỏi nó nguyên dạng với thực tại mà vẫn trở thành một giá trị nhằm khai thác tầng sâu của văn hóa Hà Nội, phục vụ khai thác du lịch cho thành phố. Cây cầu, ngày mỗi ngày, lở loét và mục nát, thậm chí bẩn thỉu. Cho nên trong hiện tại, để tiết kiệm tiền bạc cho nhân dân, khi không mang lại hiệu quả kinh tế ở việc khai thác du lịch, nhà nước cần đầu tư sơn sửa, giữ nguyên hiện trạng như chúng ta đã từng bảo quản cây cầu khi nó chưa vỡ nhịp trước 1965.
Hai phương án còn lại cắt nhịp hay di chuyển nó tức là phá dỡ cây cầu nguyên thủy, tức là chôn vùi một cơ thể sống đang ngắc ngoải, cũng tức là về mặt kiến trúc nó phá vỡ nhịp điệu từ Hà Nội 36 phố phường vươn sang bờ sông bên kia. Điều này rất quan trọng bởi vì người Pháp đã tính toán rất kỹ. Kể cả chúng ta đặt trên cây cầu cũ một cây cầu hiện đại, cao hơn và lớn hơn, nhằm thỏa mãn về giá trị sử dụng của đường sắt, đường bộ hiện đại mà lờ đi một giá trị thuộc về văn hóa của tổng thể Hà Nội. Mà một giá trị thuộc về Hà Nội, tức là thuộc về nhân dân cả nước ta.
Các phương án của Bộ giao thông vận tải đưa ra đều tiêu tốn rất nhiều tiền của nhân dân không cần thiết trong giai đoạn còn khó khăn này.
GS Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cũng đồng quan điểm. Ông cho rằng cả ba phương án đều không ổn. Bởi, cây cầu gắn bó với lịch sử Hà Nội là thế, nếu chỉ là một công trình giao thông bình thường thì việc xây dựng lại cũng cần xem xét trong tổng thể phát triển đường sắt, đường thủy không chỉ nội đô mà phải xét cả yêu cầu liên kết với các tỉnh. Còn cầu Long Biên, khi đã là một là di tích lịch sử văn hóa cần được bảo vệ thì cả 3 phương án Bộ GTVT đưa ra mới đây xem chừng đều chưa thỏa đáng.
Theo ông, phương án 1- phục chế cầu và đặt ra vị trí khác không ổn vì không thể bứng cây cầu ra khỏi địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học để “làm đồ giả cổ”. Phương án 2 - làm cầu mới theo mẫu cũ, đặt tại vị trí cũ để đáp ứng chức năng mới cũng không ổn vì sẽ làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích lịch sử - văn hóa. Cuối cùng, phương án 3 - cấy phép cầu mới vào cầu cũ, đặt tại vị trí cũ càng không ổn vì phần làm mới không giống như bản gốc về hình dáng, kích thước, chất liệu, màu sắc, trang trí và những đặc điểm khác.
"Ngoài việc đổ lên đầu cây cầu quá nhiều nhiệm vụ vận tải, tôi còn thấy buồn cười vì ý tưởng xây cầu mới giống hệt cũ (phương án 2)", “Như thế khác gì phá cũ đi để xây một mô hình khác, rồi lại đi tôn vinh mô hình mới”, ông Kính nói.
Cũng theo ông Kính, nếu việc chắp vá xảy ra, nguy cơ Hà Nội mất cầu Long Biên với đầy đủ ý nghĩa di sản là có thật. Cầu Long Biên là một hiện vật khổng lồ trong bộ sư tập lịch sử - văn hóa đô thị Hà Nội, có thể và cần thiết trở thành cây cầu kết nối quá khứ và tương lai.
Họa sĩ, tiến sĩ mỹ học Nguyễn Thế Hùng cho rằng, cầu Long Biên là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, sở hữu trí tuệ lớn, mang dấu ấn lịch sử trong lòng Hà Nội, không gì thay thế được.
Cầu Long Biên không chỉ đơn thuần là một cây cầu bằng thép, hoen gỉ, gãy đứt nó là một tác phẩm nghệ thuật, mang dấu ấn lịch sử, nó đã đi vào tiềm thức bao đời của người dân Hà Nội. Nếu thay cầu Long Biên thì nên thay nhà hát lớn, thay cả vườn hoa con cóc, ngân hàng trung ương nữa.
Giải pháp tốt nhất cho bảo tồn cầu Long Biên là gia cố, phục dựng nguyên vẹn giá trị, thiết kế, hình dạng cũ đó là cách tôn trọng lịch sử, trân trọng nghệ thuật và cái đẹp. Đó mới là bảo tồn tốt nhất.
“Nếu phá bỏ cây cầu, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, và trước nhân dân thủ đô. Lịch sử sẽ trừng phạt họ. Sẽ phải hối hận” TS Hùng gay gắt.
Nhiếp ảnh gia Cao Phong ví chuyện di dời cầu Long Biên cũng giống như anh đang bắn đại bác vào lịch sử.
“Đó là ý tưởng xúc phạm tới lịch sử, nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước. Cây cầu Long Biên đã gắn với lịch sử, với đời sống bao đời người dân Thủ đô. Nó là giá trị lịch sử, văn hóa đi vào tiềm thức của con người mà giờ lại phá nó đi xây cây cầu mới là điều phỉ báng lịch sử thô bạo nhất”, ông nói.
H.Minh tổng hợp