Tin mới

Tốt nghiệp cấp 2 cũng có thể tư vấn du học Nhật Bản

Thứ tư, 04/03/2015, 07:41 (GMT+7)

Khó ai có thể tưởng tượng, người điều hành dịch vụ tư vấn du học Nhật Bản mới học hết cấp 2 và từng làm việc trong một xưởng sản xuất găng tay y tế tại Nhật.

Khó ai có thể tưởng tượng, người điều hành dịch vụ tư vấn du học Nhật Bản mới học hết cấp 2 và từng làm việc trong một xưởng sản xuất găng tay y tế tại Nhật.

 

 

Không chỉ tiếp thị trên các trang web mà không ít công ty tư vấn du học Nhật Bản còn tìm về tận nông thôn để quảng bá và tiếp thị chương trình du học của mình. Với lời giới thiệu, chỉ từ 180-230 triệu đồng là học sinh có thể bước chân vào một trường đại học nào đó ở xứ sở hoa anh đào, cộng với lời quảng cáo về công việc làm thêm thu nhập “khủng”, nhiều gia đình đã chấp nhận đi vay nặng lãi để thực hiện giấc mơ đổi đời cho con em mình.

Theo dòng trào lưu

Hiện nay, chưa có một thống kê chính thức nào về số lượng các công ty tư vấn du học Nhật Bản tại Việt Nam. Nhưng, nhìn các biển quảng cáo xuất hiện rộng khắp ở những vùng nông thôn, đủ biết sự phổ biến của nó như thế nào. Không quá ngạc nhiên khi các công ty tư vấn “đánh” vào yếu tố thu nhập “khủng” để hút học sinh, đặc biệt là học sinh vùng nông thôn nộp hồ sơ xin đi du học.

Nhiều gia đình vùng nông thôn coi việc cho con đi du học Nhật Bản như là một cơ hội thoát nghèo, mặc cho số tiền “đầu tư” không hề nhỏ và cũng không quan tâm đến việc con, em mình sang đó học gì, làm gì?

Tốt nghiệp cấp 2 cũng có thể tư vấn du học Nhật Bản

Các công ty tư vấn du học Nhật Bản được mở nhan nhản ở khu vực nông thôn với dòng chữ nhấn mạnh vừa học vừa làm.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Phương T., người đã có 5 năm làm tư vấn du học Nhật Bản, mở công ty tư vấn du học Nhật Bản vô cùng đơn giản. Quan trọng nhất là người mở công ty hoạt động loại hình dịch vụ này phải biết tiếng Nhật và từng có thời gian sống, làm việc tại Nhật.

Kể lại kinh nghiệm mở công ty của mình, chị T. cho biết: “Tôi cũng từng đi tu nghiệp tại Nhật Bản 3 năm, từ năm 2006. Ngày đó, các trường học tại Nhật Bản vẫn còn khá xa lạ với học sinh Việt Nam nhưng tôi nhận thấy, tương lai, Nhật Bản sẽ là địa chỉ mà nhiều học sinh lựa chọn đến học tập. Đơn giản, vì sự “lây lan” của trào lưu xuất khẩu lao động khiến nhiều người biết nhiều hơn đến đất nước này. Đặc biệt là mức thu nhập hấp dẫn mà học sinh có thể làm thêm được ở đây. Vì thế, tôi đã tranh thủ tìm hiểu, liên hệ với các nhà trường, các nghiệp đoàn lao động để tạo cơ sở khi về nước mở công ty du học”.

Tuy nhiên, khi các công ty tư vấn du học ở thành phố trăm hoa đua nở, chị T. chuyển hướng hoạt động về các vùng quê là phù hợp với thời cuộc, thay vì, chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Theo tìm hiểu của PV, phần lớn, ông chủ của các công ty mở dịch vụ du học Nhật Bản ở nông thôn đều đi lao động xuất khẩu về hoặc ít nhất cũng hợp tác, liên kết với ông chủ công ty tư vấn du học ở thành phố.

Tuy nhiên, chị T. cho hay, với việc siết cấp visa của Nhật, hồ sơ đi du học của học sinh ngày càng bị kiểm tra gắt gao. Một chiêu lách hồ sơ của học sinh được chị T. chia sẻ là thay đổi phần công việc của bố mẹ thí sinh ứng tuyển thay vì nghề nghiệp không có hoặc làm nông nghiệp. Bố mẹ các em sẽ là công nhân. Tuy nhiên, đa số học sinh đều lười đọc lại hồ sơ, phó thác cho công ty tư vấn du học. Vì thế, khi cơ quan thẩm định hồ sơ gọi điện kiểm tra, nhiều em không hề biết các chi tiết đã được công ty biến tấu, thay đổi, thành ra, hồ sơ bị loại rất nhiều.

Theo khảo sát nhanh của PV với 3 gia đình đến công ty tư vấn du học M.L. (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì, điều họ quan tâm nhất là thu nhập từ việc làm thêm, chứ không phải ngành học khi đến nước Nhật. Vì thế, chuyện học sinh không biết bố mẹ mình được thay đổi công việc, hoặc không biết học gì và làm gì bên Nhật cũng là điều dễ hiểu.

Ông chủ công ty môi giới mới tốt nghiệp cấp 2(!)

Chị Nguyễn Thanh T. (Bắc Giang) có em trai chuẩn bị nộp hồ sơ du học Nhật Bản chia sẻ: “Ở quê tôi, 10 người cho con em đi Nhật thì cả 10 người đều nghĩ đến việc thoát nghèo. Em trai tôi đã đỗ đại học Hàng hải (Hải Phòng). Tuy nhiên, suy đi tính lại, gia đình tôi quyết định cho nó du học Nhật Bản thay vì theo học đại học trong nước”.

Lý giải việc không chọn xuất khẩu lao động mà lại chọn hệ vừa học, vừa làm, chị T. cho biết: “Tôi cũng đã tìm hiểu sơ qua và được các công ty tư vấn cho biết, đi theo diện xuất khẩu lao động, thời gian lưu trú ở Nhật chỉ từ 2, 3 năm. Còn, nếu đi theo diện du học sinh, em trai tôi có thể ở lại Nhật thêm 3 đến 6 năm sau khi tốt nghiệp. Thêm một năm là thêm cơ hội em tôi có thể đi làm kiếm thêm giúp gia đình”.

Không giấu giếm khó khăn, chị T. phân trần, nhà chị đang phải đi vay nặng lãi với mức 2%/tháng để có tiền cho em du học. “Gia đình thuần nông, cả năm trông chờ vào vài sào ruộng với đàn gà. Em bảo làm gì có một lúc 200 triệu đồng cho con du học”, chị T. ngậm ngùi cho biết.

Tuy nhiên, theo như tính toán của công ty, chỉ trong vòng một năm là em chị T. có thể kiếm đủ số tiền gia đình đi vay lãi. Chị và gia đình cũng chỉ biết, em trai mình học tập và làm việc tại thành phố Kanagawa với mức thu nhập hứa hẹn của công ty là khoảng 30 triệu đồng/tháng, còn ngành học thì chẳng biết là sẽ học gì.

Câu chuyện của gia đình chị T. khiến chúng tôi đặt câu hỏi, điều gì thu hút học sinh, gia đình các em sẵn sàng đi vay nặng lãi cho con em mình du học Nhật Bản như vậy? Nhà nhà mở công ty, người người du học, thậm chí việc mở công ty tư vấn du học dễ đến độ, bất cứ ai đã từng đi lao động tại Nhật là có thể hoạt động được thì cũng là điều đáng để cơ quan chức năng quan tâm, xem xét. Theo tìm hiểu của PV, có chủ công ty môi giới du học chỉ mới tốt nghiệp cấp 2 cũng đã có thể làm du học một cách “ngon lành”.

Chúng tôi tìm đến công ty tư vấn du học H.A.Đ (Thanh Sơn, Phú Thọ). Khó ai có thể tưởng tượng, người điều hành dịch vụ tư vấn du học ở đây mới học hết cấp 2 và từng làm việc trong một xưởng sản xuất găng tay y tế tại Nhật. Theo như lời giới thiệu của vị giám đốc này, tùy theo trình độ tiếng Nhật mà có thể lựa chọn hình thức vừa đi học vừa đi làm. Chúng tôi cũng có thể nhận được mức lương từ 170 nghìn Yên (tương đương gần 35 triệu đồng) đến 300 nghìn Yên (60 triệu đồng)/tháng. Kèm theo mức thu nhập “khủng” này, chị chủ công ty H.A.Đ lôi ra một đống ảnh nào là núi Phú Sỹ, những con đường phủ đầy tuyết trắng, những hàng cây như minh chứng cho việc chị đã có một thời gian rất ổn ở Nhật.

Chị này khẳng định: “Em có thể đi hỏi thăm một vài gia đình có con đang đi du học tại Nhật mà công ty chị đưa đi. Nhà nào cũng đang rục rịch xây lại nhà. Chúng nó còn gửi điện thoại, iPad xịn về cho bố mẹ, anh chị liên tục”. Minh chứng cho mối quan hệ vững chắc tại xứ sở hoa anh đào, chị kể: “Các công ty khác không có mức thu nhập này đâu em ạ. Chẳng qua, chị có bố nuôi tại Nhật nên chắc chắn đảm bảo việc làm thêm với thu nhập khủng cho bất cứ ai sang đó”.

Quả thật, với các gia đình thu nhập mỗi tháng chỉ vài triệu đồng thì việc con em họ được xuất ngoại du học và đảm bảo thu nhập 30 triệu đồng/tháng đến 60 triệu đồng/tháng là điều tuyệt vời... Không những vậy, các công ty này còn “vẽ” cho họ viễn cảnh tươi đẹp sau khi con em họ ra trường sẽ có việc làm và thu nhập khủng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đất nước mặt trời mọc có thật sự là xứ sở thần tiên của học sinh từ các miền quê nghèo không? Con em mình xoay xở ra sao ở nơi đất khách quê người, bậc cha mẹ có nghĩ đến?

Theo thống kê của Tổ chức hỗ trợ Sinh viên Nhật Bản (JASSO), có khoảng 10.000 du học sinh đến Nhật Bản mỗi tháng, trong đó, số lượng du học sinh đến từ Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây. Cũng theo báo cáo của cục Quản lý Lao động ngoài nước, trong vòng 17 năm qua, Việt Nam đã đưa trên 30.000 tu nghiệp sinh sang Nhật Bản.

Theo P.Mai-P.Văn/Đời sống và Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news