Mức chi dành cho việc xử lý rác thải tại bãi rác Đa Phước cao gấp nhiều lần so với các công ty xử lý rác thải trong nước. Mặc dù vậy, tình hình ở đây vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân xung quanh.
Thông tin ghi nhận trển báo Tuổi trẻ, VTC News cho biết, suốt thời gian qua, người dân sinh sống tại quận 7, TP.HCM liên tục phản ánh việc môi trường bị ô nhiễm, luôn phải chịu đựng mùi hôi. Họ nghi ngờ mùi hôi xuất phát từ Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
Liên quan đến vấn đề này, trong buổi họp báo Chính phủ chiều 31/8, ông Trần Hồng Hà - Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã xác nhận hiện tượng mùi hôi gây khó chịu không chỉ cho dân cư quận 7 mà còn ở huyện Nhà Bè, Bình Chánh. Sở TN&MT đã phối hợp cùng UBND TP.HCM tiến hàng khảo sát và kiểm tra. Ý kiến ban đầu nhận định nguyên nhân chính có thể do toàn bộ hoạt động của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
Một số chuyên gia cũng đồng quan điểm và cho rằng, công nghệ xử lý rác thải của khu Đa Phước chưa tiên tiến, trong khi đó giá thành lại quá cao.
Mỗi năm TP.HCM chi 3 triệu USD cho việc xử lý rác thải tại bãi rác Đa Phước. Ảnh: Tuổi trẻ |
Được biết, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước) nằm biệt lập như một cù lao tại huyện Bình Chánh, cách trung tâm TP.HCM gần 20km, do CT TNHH xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions-VWS) làm chủ đầu tư, theo VnExpress.
Đa Phước ra đời với mục đích làm khu dự trữ chiến lược, tập trung xử lý rác cho vùng Nam Sài Gòn với công suất nhỏ. Tuy nhiên, đến nay Đa Phước đã trở thành địa điểm xử lý lên đến 5.000 tấn rác mỗi ngày, chiếm 70% lượng rác thành phố.
Ban đầu, TP.HCM chi trả 16,4 USD cho công ty VWS xử lý một tấn rác, càng về sau con số này càng tăng lên, từ hơn 19 USD đến cuối năm 2014 là 20,166 USD và tại thời điểm hiện tại đã là 21,1 USD/1 tấn rác. Trước thời điểm thực hiện dự án, Bộ Kế hoạch-đầu tư đã cho biết mức trả phí xử lý rác này của thành phố còn cao hơn giá một tập đoàn của Mỹ, mức chênh lệch lên đến 9 USD/tấn.
Thanh tra TP.HCM cũng đưa ra kết luận giá xử lý rác tại Đa Phước cao hơn tất cả các đơn vị khác. Cụ thể, đều sử dụng công nghệ chôn lấp nhưng giá xử lý một tấn rác do thành phố áp dụng với VWS cao hơn 67.384 đồng (khoảng 3 USD) so với CT TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố. Như vậy, chỉ tính mỗi việc chuyển 2.000 tấn rác mỗi ngày từ khu xử lý rác Phước hiệp về Đa Phước cũng đã khiến ngân sách thành phố bội chi thêm khoảng 48 tỷ đồng mỗi năm.
Và với mức xử lý 5.000 tấn rác mỗi ngày tại Đa Phước thì mỗi năm thành phố sẽ phải chi nhiều hơn cho công ty VWS 3 triệu USD, kéo dài gần chục năm. Đây là một điều vô lý.
Tuy nhiên, khi ông Lê Mạnh Hà – Phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ gửi văn bản khẩn giao Sở Tài nguyên-Môi trường đề xuất phương án đấu thầu, xử lý rác nhằm điều chỉnh giá của Đa Phước về mức hợp lý, nhằm tiết kiệm ngân sách cho thành phố và đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, thì chánh văn phòng UBND TP.HCM – ông Võ Văn Hoan lại lý giải, các mức giá tính như trên là hợp lý. Nguyên nhân chính đến từ việc Đa Phước là dự án của doanh nghiệp tư nhân, vì thế giá được tính đầy đủ các chi phí. Còn đối với doanh nghiệp Nhà nước xử lý rác thì các chi phí có thể tính ở mức chưa đầy đủ hoặc có thể thiếu.
Mặc dù, mức giá xử lý rác lớn như vậy nhưng bãi rác Đa Phước vẫn chưa đưa lại hiệu quả thực sự, thậm chí còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân các vùng lân cận. Hiện vụ việc đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP.HCM làm rõ nguyên nhân và đưa ra phương án giải quyết hợp lý.
Lê Khánh (tổng hợp)