Tin mới

Việt Nam có thể trở thành bãi rác của thế giới

Chủ nhật, 01/06/2014, 14:31 (GMT+7)

Việc thu mua tàu cũ về để phá dỡ gây ô nhiễm môi trường và có thể biến Việt Nam thành bãi rác của thế giới.

 

 

Việc thu mua tàu cũ về để phá dỡ gây ô nhiễm môi trường và có thể biến Việt Nam thành bãi rác của thế giới.

Trong khi đó vẫn có những Đại biểu tán thành việc giao Chính phủ cho phép nhập khẩu 1 số loại tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ vì mục đích kinh tế và giải quyết việc làm.

Trên đây là những ý kiến của các Đại biểu Quốc hội khi bàn về Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) cụ thể là là việc nhập khẩu phế liệu tàu biển đã qua sử dụng.

Bỏ quy định ra khỏi luật

Dẫn chứng hiện nay còn hàng ngàn container nhập khẩu phế liệu không có chủ đang nằm ở bến cảng gây ô nhiễm, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng, nhập khẩu phế liệu lợi ít, hại nhiều.

Việc phá dỡ tàu cũ từ các nước phát triển đến nay đã dịch chuyển sang các nước đang phát triển. “Phế thải từ việc phá dỡ có nhiều chất độc hại, thậm chí có thể gây ung thư.

Vì vậy cần bỏ quy định này ra khỏi Luật” - ĐB Hoàng kiến nghị.

ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Bình Định) đề nghị cần phải có chế tài mạnh mẽ đối với những hành vi vi phạm để răn đe.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường Phan Xuân Dũng, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài phải đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ quy định,

Đồng thời, cần đề cao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý phế liệu nhập khẩu trên địa bàn.

Bãi rác nghìn tỷ trên biển đông

Không chỉ vậy, việc nhập những con tàu cũ, có "tuổi cao" từng diễn ra, tình trạng kỹ thuật kém không thể nhổ neo đã được đại diện ngành vận tải hàng hải Việt Nam thừa nhận.

Cụ thể từ năm 2006, Vinashin đã để Tổng Cty CNTT Nam Triệu nhận bàn giao tàu Bạch Đằng Giang từ Cty TNHH 1 thành viên Vận tải Viễn Dương với giá trị khoảng 155 tỷ đồng nhưng tàu vẫn không thể nhổ neo do đã hư hỏng.

Việt Nam có thể trở thành bãi rác của thế giới

Việc phá dỡ tàu cũ có thể gây ô nhiễm môi trường không nhỏ, biến Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới.

Trong năm 2006 và 2007, Cty TNHH một thành viên Vận tải Viễn Dương thuộc Vinashin mua 10 tàu vận tải biển số tiền 3.136 tỷ đồng (gần 200 triệu đô la). Số tàu này đều có tuổi đời trên 15 năm.

Chính vì lô tàu hàng trăm triệu đô la này “quá tuổi” nên chúng không được đăng kiểm tại Việt Nam. Hiện chúng đang được treo cờ nước ngoài (Panama, Tuvalu, Liberia) để tham gia hoạt động vận tải.

Với Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam Vinalines, giai đoạn 2005-2010, Vinalines đầu tư mua 73 tàu, đa số các tàu mua là của nước ngoài, đã qua sử dụng, với năng lực vận tải 2.005 DWT với tổng số vốn đầu tư là 22.853 tỷ đồng.

Số tàu mua của Vinalines có tuổi tàu cao, thậm chí có tàu 33 tuổi, 17/73 tàu (chiếm 23,3%) quá tuổi quy định, không được phép đăng ký tại Việt Nam. Thậm chí tàu Lively Falcon 30 tuổi vẫn mua, được Bộ Giao thông vận tải cho phép đăng ký và treo cờ nước ngoài.

Đầu năm 2013, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng cho phép phá dỡ những con tàu thuộc sở hữu Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài nhưng không còn khả năng khai thác, xuống cấp và nằm ụ quá lâu tại các cảng.

Trước đó khi bàn về câu chuyện này, Đại biểu QH Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) đã chia sẻ với Đất Việt: rằng chúng ta có thể trở thành một bãi rác công nghệ lạc hậu của thế giới.

Điều đáng nói hơn “bãi rác” này được bỏ tiền ra mua bằng chính tiền thuế của dân. Trong khi nguồn lực ngày càng hạn hẹp thì “bãi rác” nghìn tỉ đã không phát huy được tác dụng đồng vốn lại còn có nguy cơ tốn thêm tiền để xử lý nó.

Máy móc cho nhiệt điện - hàng phế thải từ Trung Quốc

Thậm chí, công nghệ, máy móc cho nhiệt điện cũng là hàng phế thải khi ở Việt Nam có đến khoảng 90% dự án nhiệt điện đang do nhà thầu Trung Quốc thi công.

Cụ thể, theo số liệu của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) vừa công bố, Việt Nam hiện có 20 dự án năng lượng thì có 15 công trình do tổng thầu Trung Quốc thực hiện với tỉ lệ nội địa hóa bằng 0%.

Các dự án có thể kể tên như nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ, Pleikrông, Bản Vẽ...; các nhà máy nhiệt điện: Uông Bí (mở rộng 1), Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Vũng Áng 1, Sơn Động, Mạo Khê, Nông Sơn, ô Môn 1.

Các dự án điện do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận như: Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Mạo Khê, Thái Nguyên, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc như Kiên Lương...

Việt Nam có thể trở thành bãi rác của thế giới

Có đến 90% nhà máy Nhiệt điện ở VN do TQ thi công

Theo phản ánh của báo PLĐS, một số nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc làm tổng thầu xây lắp xong vừa đi vào vận hành thì đã gặp trục trặc. Sau thời gian chạy thử, vận hành thử, người ta thấy sự trục trặc xuất hiện ở nồi hơi, hệ thống điều khiển và phải điều chỉnh rất nhiều lần.

Trong tương lai không xa, việc xử lý những thiết bị, máy móc từ những nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc bị hỏng hóc không sử dụng được sẽ tốn kém mà chi phí là do Việt Nam phải bỏ ra, đáng lo ngại hơn là chính điều này khiến Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc thiếu điện trên diện rộng.

"Trước mắt, nếu các nhà thầu Trung Quốc rút về không thi công, hàng chục dự án điện tiền tỉ đô la Mỹ sẽ nằm “đắp chiếu”. Điều này có thể làm gia tăng chi phí công trình. Việt Nam cũng khó có thể mời các nhà thầu khác tham gia hoàn thiện bởi lẽ toàn bộ máy móc, thiết bị và công nghệ dùng để xây dựng vận hành các nhà máy điện này đều là công nghệ Trung Quốc.

Về lâu dài, nếu các dự án này không được hoàn thiện, Việt Nam sẽ thiếu điện trên diện rộng. Doanh nghiệp có thể đa dạng hóa nguồn cung đầu vào, thậm chí chấp nhận bị đội giá trong thời điểm bất thường, nhưng rõ ràng doanh nghiệp không thể hoạt động nếu thiếu điện", TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cảnh báo.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news