Sau vụ việc Công an quận Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) bắt quả tang 2 nam, 9 nữ chỉ từ 15 đến 22 tuổi, rủ nhau vào khách sạn nhậu nhẹt, chơi ma túy đá và quan hệ “bầy đàn” thì hồi chuông cảnh báo về lối sống buông thả của giới trẻ hiện nay tiếp tục vang lên.
Các đối tượng tại cơ quan điều tra
Đáng chú ý là có 5 trong 9 đối tượng nữ đều khai do buồn chuyện gia đình, như bố mẹ ly dị, người sống với nội, người sống ở nhà ngoại... dẫn đến sa lầy vào các tệ nạn như trên.
Từ sự việc này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội tâm lý học xã hội Việt Nam, Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để tìm hiểu rõ hơn về tâm sinh lý của thanh thiếu niên ở độ tuổi dậy thì, cũng như tác động của gia đình, xã hội đối với nhân phẩm và cách sống của nhóm đối tượng này.
Ông đánh giá thế nào về lối sống của thanh thiếu niên ngày nay?
Có thể nói lối sống của thanh niên trẻ ngày nay có những sự thay đổi khá lớn so với trước kia. Một số thanh niên sống chỉ biết ngày hôm nay chứ chưa nghĩ nhiều đến ngày mai sẽ ra sao. Bên cạnh đó, những giá trị truyền thống trong định hướng lối sống trở nên dễ bị buông lơi. Đó là chưa kể một số thanh niên trẻ rất vô tư trong những mối quan hệ của cá nhân.
Đâu là nguyên nhân của sự buông thả đó? Và những hệ lụy có thể xảy ra?
Nguyên nhân của sự buông thả này xuất phát từ nhiều tác động. Ở gia đình, đó là thay đổi quá mức của sự gắn kết: nhiều gia đình xem sự gắn kết giữa các thành viên không còn quan trọng, thay vào đó nó trở nên vắng lặng hơn xưa. Đó là lối sống hiện tại và mặt trái của những hành vi thiếu chuẩn hay lệch chuẩn trở thành định hướng thụ động của một số bạn trẻ. Ngoài ra, chính sự hưởng thụ, lười biếng và nhút nhát của một số bạn trẻ đã dẫn đến sự buông thả trong nhận thức và hành vi.
Những hệ lụy đáng buồn đó là sự thương tổn của mỗi cá nhân, sự xót xa của mỗi gia đình và đặc biệt là những rối nhiễu trên bình diện xã hội. Ở đây, cần nhìn nhận hệ lụy dễ thấy nhất đối với mỗi cá nhân, chính là sự trượt dài để hành vi của con người xấu dần trong mắt nhau cũng như trong định hướng cuộc sống.
Như vụ việc 2 nam, 9 nữ tuổi từ 15 - 22 quan hệ “bầy đàn” vừa qua, có thể thấy một trong những lý do chính của sự buông lơi là rạn nứt trong hạnh phúc gia đình. Ông có thể phân tích rõ hơn về tác động của yếu tố gia đình đối với tâm lý con trẻ?
Trường học đầu tiên của lòng nhân ái chính là gia đình. Trường học đầu tiên của sự tự trọng cũng là gia đình. Trường học đặc biệt của hạnh phúc cũng là gia đình. Chính gia đình là trường học dạy người ta biết sống, biết cư xử, biết chọn lựa, biết hướng đến hạnh phúc như là nhu cầu cơ bản. Nếu trường học ấy dạy chưa đúng, chưa đủ, chưa sâu thì chắc chắn người ta khó có thể học biết, học hiểu và học làm.
Nói thế để thấy sự tác động của gia đình đối với trẻ con rất quan trọng. Chính định hướng, hành vi, nhận thức, kiểu ứng xử,… đều trở thành hành trang và thậm chí là kim chỉ nam sống của con cái. Kiểu sống quên mình, sống bầy dàn, sống vô tư sẽ dễ dẫn người ta đến những hành vi thác loạn, thiếu kiểm soát và quên thân mình.
Thực tế, việc giáo dục, tuyên truyền về tâm sinh lý cho trẻ mới lớn đã được đẩy mạnh lâu nay, nhưng hình như vẫn còn một bộ phận giới trẻ thờ ơ với những thông tin bổ ích đó? Liệu có giải pháp nào khác hiệu quả hơn không, thưa ông?
Tôi cho rằng rất khó đánh giá hiệu quả của việc tuyên truyền thành công hay chưa, nhưng cần nhận thức rằng, chúng ta có thể cải thiện và hoàn thiện hơn. Đối diện sự thật, giáo dục thẳng thắn song hành giữa giá trị và kỹ năng là lựa chọn cần thiết trong trường hợp này. Làm được điều này, nhân lực phải đủ mạnh, đủ nhiều và cách làm việc phải được định lượng hiệu quả.
Ngoài sự bất mãn với gia đình, xã hội khiến các em sống buông mình thì theo ông có sự liên quan tới vấn đề sinh lý, cụ thể là giới tính của trẻ dậy thì hay không?
Những định hướng lệch chuẩn về quan hệ gia đình, quan hệ giới tính và cả quan hệ bản thể sẽ làm người ta có những nhận thức, thái độ và hành vi rất sai lầm. Điều này đồng nghĩa với chuyện người ta có thể sống quá bản năng. Tuổi dậy thì là tuổi khiến người ta có thể sống cho mình, sống bơ vơ, sống chủ quan, sống vì cái tôi vĩ đại, sống vì “chữ con” trong người. Do đó, sự bất mãn cuộc sống, sự chán ghét gia đình hay sự buồn bã với người thân có thể làm cho người ta quên mình là ai để kiểm soát ngay trong hành vi, ứng xử.
Tâm sinh lý của trẻ dậy thì là một vấn đề hết sức phức tạp. Nếu gia đình phát hiện có điều bất thường nhưng không thể xử lý được thì họ nên làm gì, thưa ông?
Hãy tinh tế nhận ra những đổi thay đặc biệt liên quan đến giới tính của con để có cách ứng xử sao cho phù hợp. Cách đơn giản nhất là hãy thẳng thắn chia sẻ và định hướng hành vi. Thay vì giảng giải, thay vì điều chỉnh nhận thức thì hãy bắt đầu từ những giá trị thực tế để có sự tác động mang tính cụ thể hơn. Song song đó là sự gợi ý mang tính lựa chọn hành vi để người trẻ biết tiến hay lùi trong chuyện tình cảm.
Cuối cùng, ông có lời khuyên gì cho các bậc phụ huynh để bảo vệ con cái của mình, tránh vô tình đẩy chúng xa gia đình và bị các thành phần xấu trong xã hội lôi kéo?
Hãy sát cánh với con và làm bạn với con. Đặc biệt, hãy trao cho con một niềm tin về sự hoàn thiện bản thân. Mặt khác, cần giúp con nhận thức rằng, cuộc sống cần mỗi người có bản lĩnh dù đám đông có lôi kéo. Bản lĩnh được hình thành từ sự kiên định, từ nhận thức và hành vi chuẩn mực chứ không phải là sự đua đòi hay bắt chước. Làm được điều này thì con người sẽ sống vì mình trong cái nhìn tương tác tích cực với cuộc sống. Tâm lý bầy đàn sẽ không có cơ hội làm chủ chúng ta mà chính chúng ta là những chủ thế tích cực và mạnh mẽ nhất.
Video bạn có thể quan tâm: