“Nếu có cơ sở xác định rằng các cá nhân trong Doanh nghiệp biết việc bán Salbutamol cho người chăn nuôi là để sử dụng vào việc mục đích cho heo ăn thì hoàn toàn có cở sở pháp lý để xử lý hình sự cá nhân trực tiếp bán salbutamol, chỉ đạo bán salbutamol…” – luật sư Quách Thành Lực cho biết.
[mecloud]UBiM4n9Vgh[/mecloud]
Video: VTV
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết salbutamol, một trong những chất bị cấm sử dụng trong ngành chăn nuôi, đã được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu với số lượng lớn để sản xuất thuốc cho người, nhưng tỉ lệ sử dụng chất này trong y tế hầu như không đáng kể.
Với lợi nhuận lớn, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý để xin nhập khẩu về sản xuất thuốc nhưng lại bán ra ngoài cho người chăn nuôi, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng.
Cùng với đó, báo chí đồng loạt đưa tin trên 6 triệu con heo ăn phải loại thức ăn được trộn với chất salbutamol đã được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Điều này dấy lên những lo ngại về sức khỏe của người tiêu dùng khi ăn phải thịt heo có chứa “chất độc” này.
Dù cơ quan chức năng các địa phương tăng cường kiểm tra việc sử dụng “chất cấm” trong chăn nuôi, nhưng chuyện xử lý các trường hợp vi phạm thời gian qua còn chưa triệt để.
Cán bộ Chi cục Thú y TP HCM lấy mẫu nước tiểu heo tại một lò mổ để xét nghiệm tồn dư chất cấm. Nhiều lô heo từ các tỉnh nhập về TP HCM được phát hiện chứa chất cấm với hàm lượng tồn dư rất cao - Ảnh: Tuổi trẻ |
Liên quan đến những vấn đề pháp lý, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Quách Thành Lực Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa - Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Lực cho biết, việc các Doanh nghiệp nhập khẩu salbutamol về sản xuất thuốc nhưng lại bán ra ngoài cho người chăn nuôi sử dụng là việc làm vi phạm pháp luật. Tuy nhiên salbutamol là hoạt chất được sử dụng làm thuốc điều trị một số bệnh hô hấp được phép nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam. Theo PHỤ LỤC I DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ CẤM KINH DOANH Ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ thì salbutamol không phải là hàng hóa cấm kinh doanh.
Nên không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo điều 155 Bộ Luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 đối với hoạt động của các Doanh nghiệp trên.
Ngoài ra salbutamol không phải là chất phải kiểm soát đặc biệt nên cũng không đủ căn cứ pháp lý xử lý hình sự đối với các Doanh nghiệp nhập khẩu thuốc này với tội danh theo Điều 239. Tội vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc của bộ luật hình sự quy định
“Tuy nhiên nếu có cơ sở xác định rằng các cá nhân trong Doanh nghiệp biết việc bán salbutamol cho người chăn nuôi là để sử dụng vào việc mục đích cho heo ăn thì hoàn toàn có cở sở pháp lý để xử lý hình sự cá nhân trực tiếp bán salbutamol, chỉ đạo bán salbutamol về tội danh Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo điều 244 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 với vai trò đồng phạm
“Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.”
Việc chứng minh được thiệt hại về tính mạng hay sức khỏe của người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh của các cơ quan chức năng, người dân là rất hạn chế. Gần như không thể chứng minh được nên từ trước đến nay hầu như chưa xử lý hình sự được hành vi Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm nào trong phạm vi cả nước” – luật sư Lực nói.
Luật sư phân tích thêm, ngoài chế tài hình sự thì hành vi vi phạm hành chính này có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 176/2013/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế, tại Điều 45. Vi phạm quy định về thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc.
“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở bán lẻ hoặc phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cơ sở bán buôn thực hiện hành vi bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc không đúng đối tượng sử dụng hoặc cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc theo quy định của pháp luật.”
Luật sư Quách Thành Lực, công ty luật Hà Nội Tinh Hoa - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội |
Ngoài hình phạt chính thì hành vi vi phạm này có thể áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung. Các biện pháp xử phạt bổ sung gồm: đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, ngừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ xuất nhập khẩu thuốc; thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các đơn vị vi phạm;
Luật đã đủ sức răn đe?
Luật sư Lực cho biết, trong khi chưa thể xử lý hành vi buôn bán salbutamol để sử dụng trong chăn nuôi thì các cơ quan chức năng phải áp dụng đầy đủ các quy định về xử phạt hành chính để xử lý hành vi sai phạm của Doanh nghiệp mới tạo ra sức răn đe và làm chùn tay hành vi vi phạm.
Quốc hội cần bổ sung tội danh liên quan đến việc cung cấp, buôn bán,sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vào Bộ luật hình sự để có chế tài đủ mạnh với các Doanh nghiệp có sai phạm.
“Thực trạng đáng buồn hiện nay liên quan đến việc quản lý hoạt động sử dụng chất cấm trong chăn nuôi liên quan đến nhiều Bộ trong đó hai cơ quan chủ yếu là Bộ y tế và Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn. Hai cơ quan này thực tế không xây dựng được các quy định để quản lý, xử phạt đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm. Khi cần quy trách nhiệm thì hai cơ quan quản lý đều không nhận trách nhiệm trực tiếp mà thường đá bóng trách nhiệm qua lại. Theo tôi cả hai bộ này cần phải trực tiếp nhận trách nhiệm của mình trước người tiêu dùng và Chính phủ. Họ cần nói thẳng, nói thật về những lỗ hổng, yếu kém trong quản lý, điều hành để rút kinh nghiệm đồng thời phải đề xuất với chính phủ những giải pháp, cơ chế để quản lý tố hơn…” luật sư Lực nêu quan điểm.
Tiểu Phương (ghi)