Thời gian gần đây, tốc độ thâu tóm các công ty nước ngoài, đặc biệt tại thị trường Mỹ, của các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng tăng mạnh.
Theo trang Business Insider, xu hướng hiện nay là các công ty Trung Quốc dần mở rộng và thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm các công ty Mỹ. Đặc biệt trong những tháng cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, tốc độ thâu tóm ngày càng tăng.
Một số thương vụ nổi bật như vụ Tập đoàn General Electric (GE) bán lại mảng sản xuất thiết bị gia dụng cho Tập đoàn Haier, công ty Zoomlion – Trung Quốc muốn mua lại công ty sản xuất thiết bị nâng vật nặng Terex Corp, hay điển hình là vụ Tổng công ty hóa chất Trung Quốc (ChemChina) thâu tóm hãng sản xuất hạt giống và thuốc trừ sâu Thụy Sỹ Syngenta với mức giá 48 tỷ USD.
Tổng công ty hóa chất ChemChina chi 48 tỷ USD mua lại hãng Syngenta của Thụy Sỹ. Ảnh: Internet |
Mới đây nhất là một CT con thuộc tập đoàn HNA của Trung Quốc tuyên bố sẽ mua lại CT phân phối công nghệ Ingram Micro với mức giá 6 tỷ USD.
Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, đã có tới 102 thương vụ mua bán và sáp nhập của các công ty Trung Quốc với doanh nghiệp nước ngoài, tổng trị giá thương vụ lên tới 81,6 tỷ USD, theo thông tin từ Dealogic. Con số này trước đó chỉ là 72 thương vụ và 11 tỷ USD vào cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà phân tích Trung Quốc còn dự đoán tốc độ thâu tóm công ty nước ngoài sẽ còn được đẩy nhanh hơn nữa vào thời gian tới. Dự đoán này dựa vào sự chậm lại của tăng trường kinh tế Trung Quốc, cùng với mức giá rẻ của các doanh nghiệp nước ngoài đến từ sự sụt giảm của thị trường chứng khoán.
Ông Vikas Seth – trưởng bộ phận các thị trường mới nổi của ngân hàng Credit Suisse cho biết, để đảm bảo sự tăng trưởng của mình, các công ty Trung Quốc sẽ ngày càng tìm đến các thị trường mới.
Bên cạnh đó, sau cuộc khảo sát của công ty luật O’Melveny & Myers cho thấy Mỹ chính là điểm đầu tư hấp dẫn nhất trong mắt các công ty Trung Quốc, do đây là nơi có tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao.
Hoài An (tổng hợp)