Theo thông tin từ Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, bệnh nhân 348, nam, 39 tuổi, ở phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, sinh sống tại Rumani, từ Thụy Điển nhập cảnh về sân bay Nội Bài ngày 6-6 sau khi được công bố khỏi bệnh ngày 8-8 đã về cách ly tại nhà. Ngày 13-8, bệnh nhân được Trung tâm Y tế Bắc Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm sau ra viện, kết quả âm tính. Đến ngày 23-8 (xét nghiệm lần 2) thì bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân đã được chuyển trở lại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 trong đêm 23-8 để tiếp tục theo dõi.
Trước đó, TP HCM, Quảng Nam, Bắc Giang, Thái Bình… cũng thông báo ghi nhận các trường hợp tái dương tính sau khi được công bố chữa khỏi Covid-19.
Ảnh minh họa
PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: Vấn đề các ca “tái nhiễm” và “tái dương tính” đang được thông tin nhầm lẫn. Đây là hai khái niệm khác nhau, tái dương tính là trường hợp đã dương tính sau đó xét nghiệm là âm tính và không phải là trường hợp mắc mới. Còn tái nhiễm là khi đã mắc lần đầu khỏi bệnh và sau mắc lại. Trường hợp dương tính lại sẽ không lây lan cho người khác.
Thông tin cụ thể hơn về vấn đề này, GS-TS. Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, thực tế, các ca bệnh tái dương tính với SARS-CoV-2 không phải vấn đề mới tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tại Việt Nam cũng có những trường hợp tái dương tính sau khi công bố khỏi bệnh.
Những trường hợp này thường không có dấu hiệu lâm sàng nào. Bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, ăn ngủ bình thường. Việc này do đáp ứng miễn dịch của từng người, không phải là ca bệnh. Khi theo dõi dịch tễ trên thế giới như tại Nhật Bản, Trung Quốc..., những ca tái dương tính trở lại không lây nhiễm cho bất kỳ trường hợp nào dù họ đã về cộng đồng cách ly. Những người tiếp xúc với những ca này (F1) hoàn toàn âm tính.
Bản chất của xét nghiệm hiện nay là làm RT-PCR tức là lấy một đoạn mồi để phát hiện một đoạn gen của virus. Độ nhạy của RT-PCR rất cao, lên tới 98%. Đây chỉ là xét nghiệm mật mã di truyền của virus, không phải phát hiện toàn virus. Với các bệnh nhân tái dương tính ở Việt Nam, khi nuôi cấy mẫu bệnh phẩm thì virus không hoạt động. Như vậy, đây có thể chỉ là các phần mảnh ARN của virus (xác virus) thải loại. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng tiến hành nuôi cấy các mẫu bệnh phẩm này của một số ca bệnh tái dương tính và cũng cho kết quả tương tự.
Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương thời gian qua, trong quá trình điều trị các bác sĩ cũng gặp tình huống xét nghiệm 2 lần cách nhau 24 giờ, sau đó giữ lại BV cách ly chuẩn bị cho ra viện thì bệnh nhân tái dương tính. “Chúng tôi nuôi cấy phân lập những trường hợp này thì thấy virus không phát triển, xét nghiệm những trường hợp F1 thì không có ai bị nhiễm”, TS. Nguyễn Văn Kính nói.
Theo TS. Kính, từ thực tế đó, trong bản cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 mới đây có đưa ra tiêu chuẩn xuất viện mới. Cụ thể, các cơ sở y tế nên xét nghiệm lại 3 lần (thay vì 2 lần như trước đó), mỗi lần cách nhau 24 giờ, bệnh nhân hết sốt tối thiểu 3 ngày, hết các triệu chứng lâm sàng. Sau đó cho bệnh nhân về nhà theo dõi tiếp tại cộng đồng 14 ngày, tự cách ly tại nhà, khi có bất cứ dấu hiệu gì thì đến cơ sở y tế gần nhất.
PGS-TS. Trần Đắc Phu cũng cho rằng, Hà Nội “tạm thời yên tâm” vì các trường hợp Đà Nẵng đã được xét nghiệm hết. Bên cạnh đó, TP cũng đẩy mạnh giám sát các BV, các cơ sở y tế và chưa phát hiện ca nào lây nhiễm. Hà Nội vẫn tiếp tục làm tốt, kịp thời công tác khoanh vùng dập dịch.