Liên quan đến vụ trường học Việt Anh ở TPHCM không nhận học sinh đồng tính, theo ý kiến luật sư, nhà trường quy định như vậy là hoàn toàn trái pháp luật và học sinh bị cấm học hoàn toàn có quyền khiếu nại.
Cụ thể, trong thông báo tuyển sinh, nhà trường đưa ra 5 đối tượng không được trường nhận học, trong đó có quy định không nhận học sinh đồng tính hoặc bệnh nguy hiểm, lây nhiễm không nhận ở nội trú.
Quy định của trường đang vấp phải sự phản đối của nhiều người khi cho rằng quy định như vậy là kì thị người đồng tính.
Theo PGS Văn Như Cương: "Nhà trường có quyền tự chủ và đưa ra mọi quyết định nhưng phải đúng quy định của pháp luật. Việc trường học này không nhận học sinh đồng tính là không hợp lý và không phù hợp với quy định của pháp luật".
Từ thực tế câu chuyện của ngôi trường chính mình làm Hiệu trưởng, PGS Văn Như Cương cho biết, mới đây Nhà trường cũng nhận được trường hợp của một phụ huynh đến phản ảnh về việc học sinh 3 năm được học sinh giỏi, đủ điều kiện và điểm vào trường nhưng trường đó không nhận với lý do là học sinh này học trường dân lập. Từ câu chuyện của trường mình, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh cho biết: "Luật pháp của nhà nước đã quy định các trường dân lập cũng được bình đẳng như các trường công lập. Nếu thực sự có trường hợp đó, chúng tôi sẽ phải làm rõ vụ việc này. Nhìn lại vụ học sinh đồng tính không được nhận vào trường cũng vậy, luật pháp đã công nhận quyền bình đẳng của con người và các em có quyền làm rõ để bảo vệ quyền lợi của mình".
Về phía nhà trường đưa ra quy định, PGS Văn Như Cương cho rằng: "Nhà trường cần xem xét lại quy định này và Bộ GD-ĐT khi phát hiện ra sự việc cũng nên có ý kiến góp ý, mọi trường có quyền tự chủ nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật".
Cũng liên quan đến vấn để này, theo Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, trước đây, ở Việt Nam, việc kết hôn giữa những người cùng giới tính không được cho phép. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2015, Luật Hôn nhân và gia đình thay thế Luật Hôn nhân và gia đình 2000, cho phép người đồng tính có cơ hội được kết hôn mặc dù không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Theo luật sư Cường: "Tuy hôn nhân đồng tính không được thừa nhận nhưng đứng ở góc độ quyền con người thì người đồng tính cũng có quyền sống, quyền ăn, ở, mặc, quyền được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc. Đứng ở góc độ quyền công dân, họ được lao động, học tập, khám bệnh, chữa bệnh, khai sinh, khai tử, kết hôn…. có quyền và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội".
"Luật Giáo dục lại không có quy định nào cấm trẻ em đồng tính không được học tập, quyền cơ bản con người không có phân biệt đối xử những người có nhu cầu muốn nhập học. Nếu như trường học nào có quy định cấm học sinh đồng tính vào nhập học thì việc đó hoàn toàn trái pháp luật", luật sư Cường nhấn mạnh.
Cũng theo Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp: "Dù Việt Nam chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới nhưng những người đồng tính trước tiên họ vẫn là một con người, họ có quyền thực hiện quyền công dân của mình và không ai được pháp vi phạm quyền công dân ấy. Cấm học sinh đồng giới vi phạm chính quyền con người".
Hiến pháp quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Điều này đồng nghĩa với việc pháp luật không thừa nhận cũng như không cho phép có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào vì lý do giới tính hay xu hướng tính dục của cá nhân.
Về trường hợp trường học được phản ánh có quy định về việc cấm học sinh đồng tính nhập học. Theo luật sư Cường: "Nhà trường cần xem xét lại quy định này. Quy chế tuyển sinh từ trước tới nay của Bộ Giáo dục cũng không có nội dung nào phân biệt đối xử với người đồng tính và những người mắc bệnh truyền nhiễm trong việc tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học cũng như các cấp học phổ thông khác. Theo đó, nếu học sinh nào bị cấm nhập học thì hoàn toàn có quyền khiếu kiện về việc từ chối đó theo quy định pháp luật".
Lê Vy