Trong nhiều năm trở lại đây, lịch sử đã thể hiện sự thất thế rõ rệt trong các kỳ thi, khi mà các em học sinh ngày càng tỏ ra không mặn mà với môn học này.
Tại kỳ thi THPT Quốc gia 2015, môn Lịch sử lại trở thành môn thi gây chú ý nhất trong dư luận xã hội và báo chí khi tiếp tục giữ vị trí đứng đầu là môn thi có ít thí sinh nhất.
Ngoài việc "kiểm tra" kiến thức Sử qua một số câu hỏi về vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, chương trình Chuyển động 24h còn khảo sát một số học sinh về việc học môn Lịch Sử, thông tin thật đáng buồn khi các em đều cho rằng học môn Sử rất chán và tẻ nhạt.
"Đa phần thì gục xuống bàn, còn một số bạn siêng hơn thì lấy môn khác ra học", là ý kiến của một nữ sinh. Một ý kiến khác cũng không mấy khả quan: "Cả lớp thì gục xuống, em thì rã rời chân tay".
Theo một số học sinh, các em chán học Sử là do sách biên soạn chưa hấp dẫn.
"Em thấy Lịch sử học rất là nản, không thể hiện được tình yêu của những người biên soạn sách đối với những nhân vật lịch sử", một học sinh chia sẻ.
Lý do đáng buồn cho sự thất thế của môn học Lịch sử là gì? Phải chăng môn học lịch sử quá khó khiến các học sinh không mặn mà, hay do các bài giảng đã không thể tạo hứng thú để các em theo đuổi?
Vì đâu học sinh chán Sử? |
Trao đổi trên chương trình Chuyển động 24h trưa ngày 13/7, Tiến sĩ Khoa học Đoàn Hương cho rằng bà không lấy làm ngạc nhiên khi biết học sinh cho rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là anh em, bố con, bạn chiến đấu...Theo Tiến sĩ thế hệ trẻ không nắm được lịch sử của dân tộc thì đó là một nỗi nhục của Quốc gia. Nhưng không phải hôm nay vấn đề này mới trở nên báo động mà nó đã tồn tại rất lâu rồi, có thể đã hơn chục năm về trước.
Tiên sĩ Đoàn Hương cho biết, nguyên tắc viết sách giáo khoa là phải cổ điển, có tính classic, tính khoa học, tính chuẩn mực, rồi mới đến tính phát triển nhưng ở trong sách giáo khoa của chúng ta phần chuẩn mực thì bảo đảm nhưng phần chuẩn mực có lúc cũng không chuẩn mực lắm. Ví dụ như truyện về Thánh Gióng khi thắng giặc Ân chuẩn bị về trời, Ngài đã cởi áo giáp xuống hồ Tây tắm và ăn một mâm cỗ do nhân dân ở đó dâng.
Theo Tiến sĩ Đoàn Hương: “Việc sách giáo khoa hay sách tham khảo sai thông tin là rất nguy hiểm. Vì trí tuệ, tư duy của trẻ em như tờ giấy trắng khi mình vẽ điều gì đó thì nó rất khó phai. Trong tư duy của con người có phần vô thức và phần ý thức nhưng đối với trẻ con phần vô thức sẽ nhiều hơn và những dấu vết hằn sâu trong phần vô thức không phải dễ tẩy.Những sai lầm như truyện con dái cá và mẹ Đinh Bộ Lĩnh không chỉ phản cảm về câu văn và hình ảnh, nó làm cho tâm hồn trẻ con bị hoen ố mà khi trẻ con đã bị hoen ố về tâm hồn thì cái hoen ố đó các em sẽ mang suốt đời và sẽ soi vào các sự kiện lịch sử khác một cách rất hài hước. Những người làm sách có quyền phản biện họ làm theo những dị bản, giai thoại nhưng nên nhớ rằng những người viết sách cho trẻ con khác với sách viết cho người lớn. Chúng ta phải biết chọn lọc, những gì phù hợp với các em về văn hóa, thẩm mĩ..thì mới được đưa vào như chúng ta chọn lọc thong tin để dạy con vậy”.
Một so sánh cụ thể để thấy vì sao việc học Sử của ta không hấp dẫn. Sách Lịch sử Việt Nam từ cấp 1, cấp 2 hay cấp 3, những cuốn sách chỉ toàn chữ, toàn năm, toàn những sự kiện. Nếu có hình vẽ thì cũng chỉ là những lược đồ kém hấp dẫn. Lịch sử Việt Nam từ thời nguyên thủy đến thế kỷ thứ XIX đồn hết trong 67 trang sách. Một phép so sánh nhỏ giữa việc học Lịch sử ta và sử Mỹ để thấy sự khác biệt rõ rệt. Nếu như ở nước ta, vẫn bài ca cũ, vẫn phấn trắng bản đen trong khi ở Mỹ là trực quan đồ họa sinh động. Trong khi phương pháp của ta là nghe, đọc và chép còn Mỹ là hóa thân thành những nhân vật lịch sử. Và kỳ thi sử của ta là 66 thí sinh một cán bộ còn Mỹ là 66 cán bộ coi thi một thí sinh.
Trước việc học sinh ngày càng chán học môn Sử cũng như những sai lầm còn mắc phải trong quá trình biên soạn sách, Tiến sĩ Đoàn Hương yêu cầu trách nhiêm của những người làm sách cho thiếu nhi và trách nhiệm cao đối với những người làm sách giáo khoa, đừng để những sai sót như vết sẹo trẻ thơ ấy để chúng phải mang suốt đời và từ đó nó nhìn lịch sử một cách khủng khiếp.
Lê Vy (Tổng hợp)