Tin mới

Từ 1/1/2024, hàng loạt chính sách mới quan trọng có hiệu lực, người dân cần nắm rõ kẻo thiệt

Thứ tư, 20/12/2023, 18:45 (GMT+7)

Chính sách mới nhất về đăng ký thường trú, tạm trú; thực hiện quy định mới về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; Luật khám chữa bệnh,... có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024.

Áp dụng Chính sách mới nhất về đăng ký thường trú, tạm trú từ 1/1/2024

Ảnh minh họa. Ảnh Internet.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet.

Thông tư 66/2023/TT-BCA có hiệu lực từ 1/1/2024 sửa đổi hồ sơ phải nộp khi giải quyết các thủ tục về cư trú, trong đó có đăng ký thường trú như sau:

Với trường hợp tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tiếp, người dân có thể nộp bản sao giấy tờ được chứng thực từ bản chính hoặc được cấp từ sổ gốc hoặc bản chụp, bản quét kèm theo bản chính để đối chiếu.

Ngoài ra, người dân có thể khai báo thông tin theo biểu mẫu điện tử được cung cấp sẵn, đăng tải bản quét/bản chụp giấy tờ hợp lệ (không yêu cầu công chứng/chứng thực)/dẫn nguồn tài liệu từ kho quản lý dữ liệu điện tử) và nộp lệ phí.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, khi đăng ký cư trú online, người dân khai báo thông tin, đính kèm bản quét/bản chụp giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, công dân phải xuất trình bản chính đã cung cấp khi người làm công tác đăng ký cư trú yêu cầu.

Ngoài ra, Thông tư 66 cũng đưa ra yêu cầu cụ thể với giấy tờ đính kèm khi đăng ký cư trú online, đó là bản quét/bản chụp giấy tờ được cấp hợp lệ, còn giá trị sử dụng bằng điện thoại, máy ảnh… phải rõ nét, đầy đủ, toàn vẹn về nội dung. Nếu là giấy tờ do cơ quan nước ngoài cấp thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt theo quy định trừ trường hợp được miễn.

Thông tin giấy tờ chứng minh điều kiện đăng ký thường trú/tạm trú đã được chi sẻ và khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc chuyên ngành thì không được yêu cầu nộp, xuất trình giấy tờ đó để giải quyết đăng ký cư trú.

Về việc thông báo kết quả, Thông tư 66/2023 quy định, kết quả giải quyết thủ tục sẽ được thực hiện dưới dạng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử, tin nhắn SMS.

Ngoài nội dung trên, khoản 9 Điều 1 Thông tư 66/2023 còn bổ sung quy định về thời hạn giải quyết của một số thủ tục xác nhận thông tin về cư trú khi được công dân yêu cầu. Cụ thể, khi thông tin cư trú cần xác nhận đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì thời hạn giải quyết không quá ½ ngày làm việc.

Khi thông tin cư trú cần xác nhận không có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú: Thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc.

Để đơn giản thủ tục và thống nhất với các quy định liên quan, khoản 7 Điều 1 Thông tư 66/2023/TT-BCA đã bổ sung quy định, trường hợp giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân, tổ chức thì văn bản đó không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực.

Từ ngày 1/1/2024, thực hiện quy định mới về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Ảnh minh họa. Ảnh Internet.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet.

Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 105/2023/TT-BQP ngày 06/12/2023, quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, trong đó quy định khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Về tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, Điều 4, Thông tư 105/2023/TT-BQP nêu rõ, tiêu chuẩn chung là phải đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 theo quy định tại Điều 5, Điều 6 thông tư này.

Cụ thể, tiêu chuẩn phân loại theo thể lực thực hiện theo quy định, tại Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Tiêu chuẩn phân loại theo bệnh tật và các vấn đề sức khỏe thực hiện theo quy định tại Mục II, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Về tiêu chuẩn sức khỏe tuyển sinh quân sự đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp hệ chính quy; tuyển sinh quân sự đào tạo trình độ đại học, cao đẳng ngành quân sự cơ sở, tiêu chuẩn chung là đạt sức khỏe loại 1, loại 2 theo quy định. Tiêu chuẩn riêng sẽ thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng về công tác tuyển sinh vào các trường trong Quân đội.

Về điều khoản chuyển tiếp, kết quả sơ tuyển sức khỏe, khám sức khỏe, khám phúc tra sức khỏe và giám định sức khỏe trước ngày 1-1-2024 thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP về việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Theo Thông tư số 105/2023/TT-BQP, không gọi nhập ngũ đối với công dân nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy được quy định tại Nghị định số 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Từ 1/1/2024, không tuyển được lao động Việt mới được phép tuyển người nước ngoài

Theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP của Chính phủ, người sử dụng lao động chỉ tuyển người nước ngoài nếu không tuyển được người lao động Việt Nam.

Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định mới này nêu rõ từ ngày 1/1/2024, sau khi không tuyển được người lao động Việt Nam vào các vị trí tuyển dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc người sử dụng lao động chỉ tuyển người nước ngoài nếu không tuyển được người lao động Việt Nam.

Về thời hạn xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Nghị định này bãi bỏ nội dung "cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và xác nhận lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế" tại nghị định 35/2022 ngày 28/5/2022.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024

Ảnh minh họa. Ảnh Internet.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 được Quốc hội thông qua vào ngày 09/01/2023 tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 khóa XV.

Cụ thể, đối với người bệnh, Luật mới sửa đổi, bổ sung đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh: Người từ đủ 75 tuổi (trước đây phải từ đủ 80 tuổi) và người khuyết tật đặc biệt nặng sẽ được ưu tiên khám, chữa bệnh.

Đồng thời bổ sung quy định ưu tiên Ngân sách Nhà nước khám, chữa bệnh cho: Người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật; Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đang sống ở biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; Người bị các bệnh: Tâm thần, phong, truyền nhiễm nhóm A, nhóm B.

Đối với người hành nghề y, Luật đã mở rộng đối tượng hành nghề bằng việc thay đổi từ cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn.

Nâng cao kỹ năng của người hành nghề, Luật thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề.

Riêng đối với lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp dựa vào hồ sơ. Quy định giấy phép hành nghề có giá trị 05 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề.

Về chất lượng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, quy định mới bắt buộc cơ sở phải tự đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành hàng năm.

Kết quả tự đánh giá phải cập nhật lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cùng đó, thay đổi từ 04 tuyến chuyên môn thành 03 cấp chuyên môn; Cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua ngày 09/01/2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: chính sách