"Với hình thức thi mới, học sinh sẽ không còn quan niệm môn chính và môn phụ, phải tập trung học đều các môn. Đồng thời, học sinh cũng không thể né tránh được việc phải học tốt môn ngoại ngữ."
Theo phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 mà Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố, thí sinh sẽ phải thi 3 bài là Toán, Ngữ văn và tổ hợp.
Tổ hợp 1 gồm các môn Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân. Tổ hợp 2 gồm các môn Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ bốc thăm và công bố chọn bài thi tổ hợp vào cuối tháng 3 hàng năm.
Môn Toán, Văn thi theo hình thức tự luận. Bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm với nhiều mã đề khác nhau. Tháng 9/2018 sẽ có đề thi minh họa cụ thể.
Thông tin này được công bố đã gây nên nhiều ý kiến tranh cãi trái nhiều trong dư luận. Nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng và cho rằng sẽ gây áp lực, khiến học sinh phải học thêm nhiều hơn.
Ông Phạm Quốc Toản, phó trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: "Việc thi tuyển 2 môn Toán, Ngữ văn tạo nên hiện tượng học lệch các môn, chưa đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc THCS. Bên cạnh đó, khâu xét tuyển dựa vào kết quả học tập 4 năm THCS không khách quan, phụ thuộc chủ quan vào từng giáo viên. Việc đánh giá giữa các nhà trường là khác nhau.
Bài thi này sẽ tránh sự học lệch của học sinh, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở các cấp học dưới. Đồng thời, nội dung thi sẽ tiếp cận dần chương trình sách giáo khoa mới theo hướng tích hợp ở các lớp, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp, cấp học trên."
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - Phạm Ngọc Quang cho biết toàn bộ nội dung kiến thức thi sẽ nằm trong chương trình bậc trung học cơ sở: "Trước khi đưa ra phương án này, chúng tôi cũng đã xin ý kiến người dân, cha mẹ học sinh, tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các hiệu trưởng trường trung học phổ thông, trưởng các phòng giáo dục đào tạo, hiệu trưởng các trường trung học cơ sở. Có hơn 700 phiếu khảo sát đã được phát ra. Hầu hết lãnh đạo các trường, sở đều đồng tình."
Trả lời câu hỏi "Việc thi nhiều môn như vậy liệu có tạo ra áp lực lớn với thí sinh, đồng thời có thể dẫn tới dạy học thêm tràn lan" , Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng: "Áp lực dạy học thêm bắt đầu từ cách thức thi và định dạng đề thi. Trước đây, các trường ĐH tự ra đề thi, thi theo bộ đề dẫn đến học sinh các tỉnh thành dồn về Hà Nội ôn thi. Nhưng mấy năm gần đây, cách thức thi thay đổi, hiện tượng luyện thi đã giảm đi rất nhiều. Nhiều thí sinh thủ khoa đạt điểm tuyệt đối xuất phát từ các vùng nông thôn chứ không phải ở thành phố, nơi có điều kiện học tập hơn.
Do đó, trong phương án đề thi, chúng tôi cũng tính đến việc giảm tải, ma trận, mức độ đề thi phù hợp hơn, không có câu hỏi đánh đố, học sinh chỉ cần ý thức học tập tốt, học chuyên cần, chăm chỉ, nắm chắc chuẩn kiến thức kỹ năng là có thể làm được bài, do đó không cần phải học thêm. Hiện nay, đề thi Toán vào lớp 10 năm nào cũng có câu hỏi khó (thường là câu số 5 – hình học), tạo sức ép với học sinh, phụ huynh."
Bà Lê Kim Anh - hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: "Với hình thức thi mới, học sinh sẽ không còn quan niệm môn chính và môn phụ, phải tập trung học đều các môn. Đồng thời, học sinh cũng không thể né tránh được việc phải học tốt môn ngoại ngữ (xuất hiện ở cả 2 tổ hợp thi)."