Việc bịa một câu chuyện sốc để tăng lượng theo dõi, PR cho mặt hàng kinh doanh đã không còn lạ trên mạng xã hội. Thế nhưng, dường như Cộng đồng mạng vẫn luôn bị "sập bẫy" một cách dễ dàng.
Những ngày gần đây, cư dân mạng đang lan truyền một câu chuyện về bà mẹ mua bán ve chai nghèo khó vét hết tiền bạc mua điện thoại iPhone cho cậu con trai.
Tóm tắt nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội thì câu chuyện bắt đầu khi một người đàn bà ăn mặc rách rưới bước vào cửa hàng mua điện thoại Iphone. Trước sự ngạc nhiên của nhân viên, người phụ nữ này cho biết do cậu con trai nay lên lớp 10 nhưng nhất quyết không chịu đi học nếu không có xe đạp điện với điện thoại đẹp nên bà đành bấm bụng vét tài sản mua cho con.
Hình ảnh câu chuyện được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. |
Bên canh status chia sẻ là hình ảnh một người phụ nữ mặc áo lao động, vai vắt khăn trắng, tay đang cầm điện thoại iphone. Câu chuyện cùng hình ảnh đó đã tác động mạnh vào ý thức của cộng đồng mạng. Ai đọc câu chuyện cũng cảm thấy thương bà mẹ và lên án người con bất hiếu, ăn chơi đua đòi, không thấu hiểu cho sự vất vả của bố mẹ.
Tuy nhiên, khi câu chuyện được lan truyền rộng rãi cũng là lúc sự thật được phơi bày. Hóa ra sự việc trên không hề có thật mà chỉ là câu chuyện "hư cấu" do một người làm ở cửa hàng trên bịa ra để PR. Còn hình ảnh người phụ nữ thì đã được ghi là ảnh minh họa nhưng người viết lại chưa xin phép chủ nhân. Bởi vậy, sự việc đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến bản thân cũng như gia đình của người trong ảnh.
Và tất nhiên, góp phần đưa vụ việc ngày càng "nổi", lan truyền rộng rãi ra tận các trang web nước ngoài không ai khác chính là cộng đồng mạng với những lượt chia sẻ liên tục. Khi phát hiện sự việc thì dường như đã quá khó để khắc phục hậu quả.
Cư dân mạng thi nhau ném đá người con. |
Câu chuyện trên như một minh chứng rõ ràng cho việc a dua theo đám đông của cộng đồng mạng. Chưa biết đúng sai, phải trái nhưng đã có rất nhiều sự bình luận, phán xét. Bởi vậy, người có mục đích không tốt cứ mặc sức "sáng tạo" trong niềm tin ngây thơ vô bờ bến của cư dân mạng để làm lợi cho bản thân.
Đành rằng đây là một câu chuyện hay, có ý nghĩa thức tỉnh mọi người nhưng giữa một chuyện bịa và chuyện thật sự tác động của nó vẫn khác nhau. Đó là chưa kể đến sự bất cẩn của người đăng status, vì muốn quảng bá cửa hàng mà sẵn sàng đưa hình ảnh một con người lan truyền trên mạng internet. Dẫu người này đã nhận sai lầm và xin lỗi nhưng hậu quả về mặt truyền thông vẫn khó có thể khắc phục.
Một status "hối hận" được cho là của người "bịa" ra câu chuyện. |
Điều dễ thấy là trong thời đại internet bùng nổ như hiện nay, câu chuyện những chủ shop hàng online, những người kinh doanh buôn bán lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo, tăng lượng theo dõi, chia sẻ người dùng không còn hiếm. Còn nhớ cách đây không lâu, một chủ bán quần áo online đã tự nghĩ ra những câu chuyện giật gân như cướp tiền tại cây ATM, tên cướp khét tiếng "Hương mắt lồi" trở lại... để thu hút sự chú ý từ cộng đồng mạng. Và gần như ngay lập tức, những câu chuyện này được chia sẻ rầm rồ gây hoang mang dư luận và sự sợ hãi cho dân chúng.
Thế nhưng có vẻ như cộng đồng mạng khá "hay quên". Bằng chứng là sau đó một sự việc gì xảy ra họ cũng lại ồn ào, nhốn nháo, cùng hùa vào hoặc là tung hô, hoặc là chửi bới mà chưa biết thực hư thế nào. Và tất nhiên, mục đích PR của những người bịa chuyện đã đạt được, việc "dắt mũi" cưa dân mạng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khi có hội chứng đám đông.
Hiển nhiên, sự thật sau đó cũng được phơi bày nhưng cho đến lúc này thì chỉ còn cư dân mạng "ngã ngửa" cùng nhau. Đối mặt với sự "lật tẩy đó, có người "bịa" chuyện lên tiếng xin lỗi cũng có người "đánh bài chuồn" trong lặng lẽ. Còn những hậu quả sau câu chuyện tất nhiên chỉ có cộng đồng mạng và những nạn nhân bị đưa vào gánh chịu.
Bởi vậy, đã đến lúc, cộng đồng mạng cần phải tỉnh táo hơn trước những thông tin trên internet, đừng làm "anh hùng bàn phím" khi chưa nắm rõ câu chuyện, đừng chia sẻ khi không rõ thông tin. Bởi trong thế giới mạng này, lời nói có thể là ảo nhưng hậu quả sẽ là thật.
Thiên Tú