|
Câu chuyện kinh hoàng xảy ra vào ngày 8/1/1996 ở thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên tại gia đình anh Nguyễn Dưỡng. Người thực hiện ca mổ đẻ bằng dao phay “có một không hai” này không ai khác chính là anh Nguyễn Dưỡng. Sau những giây phút kinh hoàng ấy, người mẹ đã vĩnh viễn ra đi. May thay đứa bé được cứu sống. Người chồng hóa điên, đứa bé sinh ra trong ca đỡ đẻ đặc biệt đó được một người phụ nữ ở cùng xã xin về làm con nuôi. Đã hơn 17 năm trôi qua nhưng câu chuyện về cô bé sinh ra trong một ca “phẫu thuật” có một không hai này đến nay vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Dưỡng (53 tuổi, người huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) và bà Nguyễn Thị Mủn (người Bình Định) đi làm thuê ở xã Xuân Phước, họ gặp nhau và ăn ở với nhau có 2 mặt con, nhà nghèo không có chỗ ở, được người dân địa phương cho đất, vợ chồng ông dựng một căn nhà tranh, vách đất sống tạm qua ngày tháng. Hàng ngày hai vợ chồng phải làm thuê để kiếm sống. Hình như trời thương, sinh 2 đứa con liên tiếp, chị Mủn đều sinh một cách dễ dàng. Vậy mà khi chị có thai đứa thứ ba, đến ngày trở dạ, chị không thể sinh bình thường như trước được. Chị trở dạ nhưng mãi đến hơn 1 ngày sau vẫn chưa sinh được và đau vật vã từng cơn, càng lúc càng đuối sức. Nhưng nhà không có tiền để đi viện hay thuê y tá đến đỡ đẻ.
Vợ càng lúc càng lên cơn đau đòi sống đòi chết, ông Dưỡng lấy 500 đồng sai con chạy ra quán mua lưỡi dao lam về để anh rạch bụng vợ kéo con ra, nếu không con sẽ chết ngạt. Đứa con đầu tất tả chạy đi rồi tất tả chạy về báo rằng là thiếu tiền nên người ta không bán vì dao lam bán 800 đồng. Chị vợ đau đớn, la khóc dữ dội, hai đứa con thấy mẹ đau như thế cũng khóc và la toáng lên. Trong lúc vợ con đều la khóc thảm thiết, ông Dưỡng nghĩ phải làm gì đó giúp vợ, trong cơn quẫn trí, ông chạy xuống bếp lấy con dao phay lên rạch bụng vợ lấy con ra. Vì dao thái rau cho lợn đã quá cùn, nên ông phải cứa đi cứa lại nhiều lần mới đứt và mổ được bụng vợ, lôi được đứa con ra. Điều đó cũng đồng nghĩa là ruột gan của chị Mủn cũng bị ra ngoài, máu chảy quá nhiều, lại kiệt sức vì cơn đau vật vã hành hạ suốt cả ngày trời. Đến khi ông Dưỡng bỏ lại ruột gan vào bụng, lấy chỉ may quần áo khâu lại thì chưa kịp khâu người vợ đã trút hơi thở cuối cùng, nằm bê bết trên một vũng máu, bên cạnh một đứa bé sơ sinh đang gào khóc. Vợ chết, quá hoảng sợ, ông Dưỡng chợt nhận ra sự dại dột của mình nên đã đến ngay cơ quan chức năng để thuật lại sự tình.
Sau ca đỡ đẻ bất thành, vợ mất, 2 đứa con trai cũng đi ở cho người ta, người cha Nguyễn Dưỡng hóa điên, anh không còn là một người bình thường nữa, anh tìm đến rượu để làm bạn. Đứa bé may mắn được cứu sống. Nhưng rất yếu ớt, có lẽ do người mẹ nghèo phải lao động vất vả, ăn uống thiếu chất khi mang thai cộng với sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt bất thường nên bé Xuyến (Trần Thị Mỹ Xuyến là cái tên do người mẹ nuôi Trần Thị Mâu đặt) mới như vậy.
Chúng tôi đã tìm về nhà người mẹ nuôi của Xuyến vào một ngày mùa đông, căn nhà lụp xụp, vắng vẻ và hiu hắt. Vòng quanh nhà chị, gọi mãi mới thấy một bà cụ tuổi ngoài 80 bước ra, bà cho biết bà là mẹ của chị Trần Thị Mâu. Tôi hỏi cụ, gia đình chị Mâu đâu mà không thấy ai ở nhà thì mới được bà cho biết vợ chồng chị đi làm rẫy ở cách nhà gần 20km, làm trên rẫy cả tháng mới về thăm nhà một lần hoặc về để mua gạo và thức ăn đem lên. Bà bảo thằng em con Xuyến trưa nay sau khi đi học về đã đem gạo lên cho bố mẹ nó ở trên rẫy, chắc nó sắp về rồi. Trò chuyện với cụ Nguyễn Thị Sáu (mẹ chị Mâu) thì chúng tôi thấy ngoài ngõ có một người phụ nữ đang gánh củi và một cậu bé đang tất tả vác trên vai một bao tải trông rất nặng bước vào sân. Người phụ nữ vừa bước vào đó là chị Trần Thị Mâu - mẹ nuôi của Xuyến (may cho chúng tôi là được gặp trực tiếp chị, chị về để sáng sớm hôm sau đi khám bệnh) và chú bé Trần Đức Nghĩa con của chị Mâu (sau khi xin Xuyến về nuôi được một thời gian thì chị Mâu sinh Nghĩa). Trần Đức Nghĩa hiện đang học lớp 11 ở trường THPT Nguyễn Thái Bình, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Theo lời bà Trần Thị Mâu, mẹ nuôi của Xuyến kể lại thì từ khi chị xin con về nuôi, ông Dưỡng cũng có vài lần về thăm con nhưng lần nào đến thăm cũng đều say rượu, lảm nhảm chửi bới, thậm chí có lúc còn đòi bé Xuyến lại… Đã mười mấy năm rồi, người cha đẻ của cô bé Trần Thị Mỹ Xuyến đã không còn về thăm con nữa. Cả hai người anh trai của Xuyến cũng không thấy lui tới thăm em nữa.
Ông Nguyễn Dư, Trưởng thôn Phước Hòa cho biết: “Hoàn cảnh và số phận của gia đình chị Trần Thị Mâu cũng vô cùng đáng thương. Chị sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em. Chị đã từng có một đời chồng, hai người sống với nhau mấy năm nhưng không hạnh phúc, người chồng cờ bạc, rượu chè, không lo tu chí làm ăn. Thế là hai người chia tay nhau”. Ở nông thôn, người đàn bà lấy chồng rồi ly dị chồng là điều rất nhiều tai tiếng, hàng xóm gièm pha. Sau đổ vỡ ấy, số phận đưa đẩy bà lấy tiếp người chồng thứ hai. Biết được hoàn cảnh của bé Xuyến, bà đã xin về nuôi, coi đó là niềm vui, là chỗ dựa tinh thần của mình sau bao ngày sóng gió. Nhưng vì thể trạng bé Xuyến quá yếu, bà phải vô cùng vất vả trong việc chăm sóc em. Nhà nghèo, nhưng phải ở nhà để chăm sóc đứa con nuôi, phần lớn nhờ vào những đồng tiền Từ thiện người ta giúp đỡ, ủng hộ bé Xuyến.
Cô bé lớn lên trong sự yêu thương và chăm sóc của bà Trần Thị Mâu và ông bà ngoại nuôi. Tưởng rằng mọi điều tốt đẹp sẽ đến với bé nhưng có lẽ sinh ra trong hoàn cảnh quá đặc biệt nên cô bé lớn lên không bình thường, lên 3-4 tuổi thì mắt em đã không còn nhìn thấy. Vì vậy mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học của em, phải mất 4 năm em mới học xong lớp 1. Mất mấy năm nữa Xuyến mới qua được lớp 2 và lớp 3. Vào học lớp 4 được một thời gian vì bệnh tình về mắt ngày càng nặng nên Xuyến phải nghỉ học. Dù mắt yếu như vậy nhưng cô bé vẫn ngày ngày theo bố mẹ lên rẫy để trỉa ngô, trồng sắn, đốn củi… Bà Trần Thị Mâu buồn bã kể lại: “Biết là thương con lắm, nhưng do hoàn cảnh đói nghèo không thể làm gì hơn…”. Cứ như thế cô bé Xuyến lớn lên trong sự yêu thương của gia đình người mẹ nuôi, của hàng xóm và sự chung tay giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm.
Mới đó mà đã 17 năm trôi qua, cô bé Xuyến ngày nào giờ đã trở thành một thiếu nữ. Có lẽ cô sẽ không bao giờ quên công ơn người mẹ đã nuôi nấng mình. Thương bố mẹ, thương đứa em trai đang tuổi đến trường bé Xuyến xin bố mẹ lên thành phố Tuy Hòa (cách nhà Xuyến hơn 70 km) làm thuê để phụ giúp tiền cho bố mẹ nuôi em. Chị Trần Thị Mâu cho biết: “Lúc đầu nghĩ thương Xuyến vì mắt quá yếu, từ nhỏ đến giờ lại chưa bao giờ đi xa nhà nữa nên tôi lo lắm. Nhưng bản thân tôi lại thường xuyên đau ốm, gia đình ngày càng khó khăn, Xuyến không đi làm thì chắc thằng Nghĩa em nó phải bỏ học giữa chừng. May mà Xuyến vào làm thuê ở một quán ăn, bà chủ biết được hoàn cảnh của nó nên bà thương. Nó đi làm đã mấy tháng rồi. Lương tháng hiện giờ là một triệu hai”. Gia đình bà Mâu thuộc diện hộ nghèo trong xã, cuộc sống vô cùng bấp bênh. Ngoài thời gian đi làm thuê làm mướn trong địa bàn xã để kiếm sống, những lúc mùa màng thu hoạch xong lại dắt díu nhau lên thành phố bán xổ số để kiếm tiền nuôi 2 đứa con.
Hoàn cảnh đưa đẩy, sống trong lam lũ, đói nghèo thê thảm nhiều lúc đã làm cho con người quẫn trí. Đường cùng họ phải tìm cách giải quyết theo cách nghĩ của họ. Anh nông dân Nguyễn Dưỡng cũng đã làm như thế để cứu vợ cứu con trong lúc nguy cấp. Vừa buồn vừa thương cho một câu chuyện có kết cục thương tâm vì quá đói nghèo mà người nông dân ấy đã lấy dao phay mổ bụng vợ để cứu con trong lúc vợ đau đớn vật vã vì không có tiền để đi bệnh viện. Gia đình ông Nguyễn Dưỡng giờ đây đã ly tán. Ông Nguyễn Dưỡng thì lang thang hết này đến nơi khác. Lúc thì ở huyện Đồng Xuân, khi thì lên Sơn Hòa, Sông Hinh… Còn 2 đứa con trai của ông giờ cũng chẳng biết nó làm gì và ở đâu. Gia đình nội, ngoại vì quá nghèo nên cũng chẳng ai quan tâm và họ cũng chẳng biết con cháu mình giờ ra sao.
Bây giờ, trong ngôi nhà cấp 4 bé tẻo teo, mái tôn đã hoen rỉ nằm lọt thỏm bên một góc đường, bên cạnh những ngôi nhà khang trang vẫn có tình thương, sự bao dung của một con người đã giúp bé Xuyến được sống trong tình mẹ con ấm áp, dù người đàn bà ấy không dứt ruột đẻ ra