Theo trang Oilprice, trong phiên giao dịch ngày 17/3, giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc. Trong khi giá dầu Brent còn 98,9 USD/thùng thì Giá dầu WTI cũng rời mốc 100USD/thùng xuống còn 96 USD/thùng.
Việc giá dầu đã có dấu hiệu giảm xuống do thông tin lạc quan về cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine đã có tiến triển. Hơn nữa, việc OPEC tăng sản lượng và Iran sẽ tiến hành xuất khẩu số lượng lớn dầu ra toàn cầu cũng tạo tín hiệu tốt về nguồn cung khiến giá dầu hạ nhiệt.
Với việc giá dầu thế giới leo thang đã đẩy giá xăng dầu ở Việt Nam lên mức cao. Trong đó giá xăng leo lên kỷ lục gần 30.000 đồng/lít.
Theo tin tức từ báo Lao Động, một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội cho biết sau ngày 11/3, giá dầu thế giới cũng đã có dấu hiệu giảm.
Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 14/3 giảm khoảng 8 - 27 USD/thùng so với ngày 10/3. Theo đó, giá xăng RON 92 là 125,41 USD/thùng , xăng RON 95 là 129,34 USD/thùng...
So với 4 ngày trước thì giá xăng bán lẻ trong nước đang cao hơn giá thành phẩm tại Singapore khoảng 1.000 đồng/lít đối với xăng và 3.000 đồng/lít đối với dầu diesel.
Nếu những ngày tới, giá dầu thô trên thế giới bật tăng lại vượt ngưỡng 100 USD/thùng thì các mặt hàng xăng dầu vẫn sẽ tiếp tục tăng. Theo giá xăng RON 95 có thể tăng từ 1.000 - 1.200 đồng mỗi lít còn xăng E5 RON 92 tăng khoảng 1.000 đồng/lít. Đối với mặt hàng dầu D0 có thể tăng mạnh từ 3.000 - 3.500 đồng mỗi lít.
Tuy nhiên, nếu giá dầu thô trên thế giới giảm xuống 93-95 USD/thùng thì giá xăng trong nước cũng có thể giảm khoảng 1.500 đồng mỗi lít còn giá dầu giảm quanh mức 2.000 đồng/lít.
Trong một diễn biến liên quan đến giá xăng dầu, báo Quân đội nhân dân đưa tin, tại cuộc họp dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định hết Quý I năm 2022 vẫn bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu trong nước.
Đặc biệt về giá xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã điều hành theo đúng quy định của pháp luật, tức là 10 ngày/lần và bám sát giá trên thế giới.
Vị lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng giá xăng dầu trong nước đã được điều hành linh hoạt và phù hợp, mức hỗ trợ hiện tại đang ở mức dao động từ 500 đến 1500 đồng/lít xăng dầu. Hơn nữa, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan đã tham mưu Chính phủ kiến nghị Quốc hội giảm thuế môi trường khi giá đang tăng cao thời gian gần đây.
Cũng tại cuộc họp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói rõ việc giá xăng dầu có thể giảm hay không phụ thuộc vào thị trường trên thế giới. Bộ cũng cam kết nếu trong biên độ tăng cao của thế giới thì cơ quan này sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền điều chỉnh tăng trong mức chấp nhận được.
Trao đổi với Tri thức trực tuyến về đà tăng của giá xăng dầu trong 6 kỳ điều hành vừa qua, chủ doanh nghiệp phân phối xăng dầu đánh giá rằng cơ quan điều hành cụ thể là Bộ Công Thương chưa chủ động linh hoạt khi giá xăng dầu vượt dự đoán. Người này cho rằng Bộ Công Thương điều chỉnh giá xăng dầu 'lạc nhịp' so với thị trường, nghĩa là giá thế giới tăng rất mạnh nhưng giá trong nước điều hành chậm. Vị này cũng bày tỏ quan điểm Bộ Công Thương có thể chủ động 5 ngày điều chỉnh/lần, tránh tình trạng tăng giá "sốc" như vừa qua.
"Điều này sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Bởi giá dầu thô thế giới thì tăng hàng ngày trong khi giá trong nước vẫn điều hành theo quy định 10 ngày/lần", ông nói với Tri thức trực tuyến.