Tin mới

Tự thú của "kẻ phá hoại giáo dục" với những lần thoát hiểm hi hữu

Thứ bảy, 27/12/2014, 10:52 (GMT+7)

L. biết rõ, chỉ cần sơ suất một giây trong lúc thi thuê là có thể gây ra hậu quả khôn lường. Thế nhưng, vì siêu lợi nhuận từ loại hình dịch vụ này, những kẻ học hộ - thi thuê vẫn hành nghề như con thiêu thân.

L. biết rõ, chỉ cần sơ suất một giây trong lúc thi thuê là có thể gây ra hậu quả khôn lường. Thế nhưng, vì siêu lợi nhuận từ loại hình dịch vụ này, những kẻ học hộ - thi thuê vẫn hành nghề như con thiêu thân.

 

Cách “điều trị” đối tượng này của các trường đại học có phần lỏng lẻo càng làm "con bệnh" thêm "nhờn thuốc". 

Bế cả con đi thi thuê 

Chúng tôi gặp N.P.M., một trong những người thi thuê vào dạng có thâm niên và chuyên nghiệp nhất nhì trong các nhóm Học hộ - Thi thuê. Không giấu giếm nghề, M. tâm sự: "Sau hơn một năm "công tác", tôi tự hào vì chưa một lần "bị tóm". Tuy nhiên, mỗi lần thi thuê là mỗi lần đối mặt với vô vàn bất trắc, không thể đoán trước được. Chỉ cần sơ suất, bị phát hiện, hậu quả sẽ rất khó lường, có thể tương lai sẽ bị hủy hoại". 

Tự thú của

Mỗi lần vào phòng thi là mỗi lần người thi thuê đối mặt với vô vàn bất trắc không thể đoán trước được.

Hồi mới “vào nghề”, M. nghe giám thị nhà G. đại học Ngoại thương tuyên bố, sẽ đuổi học vĩnh viễn đối với trường hợp thi hộ hoặc nhờ thi hộ nên chị rất sợ. Rồi khoa Luật (đại học Quốc gia) thông báo phát hiện học hộ, thi thuê sẽ "treo" bằng tốt nghiệp của sinh viên; hay đại học Kinh doanh và công nghệ tuyên bố sẽ đình chỉ một năm học với sinh viên "sử dụng dịch vụ" đó làm M. rất sợ.

Thế nhưng, đại học Công nghiệp kiểm tra gắt gao nhưng bị bắt cũng chỉ hủy kết quả thi... Những hình thức răn đe kiểu "giơ cao đánh khẽ" đó, ít nhiều làm những người như chị M. ban đầu có chút sợ hãi. Để rồi, trước mỗi lần thi chị cũng như nhiều người khác luôn phải tập trung cao độ và đặt ra tất cả các tình huống để lên kế hoạch ứng phó. 

Chị M. chia sẻ: "Một phần do may mắn, một phần do có khả năng ứng biến linh hoạt, nên mình hầu như thoát nạn tất cả các tình huống khó xử nhất". 

Chị M. kể, trong đời thi thuê của chị, có hai lần chị nhớ như in. Đó là những lần đích thân chị phải bế cả cô con gái mới sinh được vài tháng đến trường đại học để thi thuê cho "khách". Lần đầu là vào đầu năm 2013 tại trường KD&CN. 

Tự thú của

Đại học KD&CN là ngôi trường có nhiều “kỷ niệm khó quên” với chị M..

Thông thường, người thuê chị thường hẹn trước ít nhất 2-3 ngày, nhưng hôm đó "khách hàng" báo gấp quá, không kịp gửi được con cho người thân, chị đành bắt xe bus, bế cả con đến trường nhờ người trông hộ và vào thi. May mắn lần đó, người nhờ chị thi cũng có con nhỏ, nên chị nhờ luôn trông phía ngoài, còn chị thì "đội lốt" người đó vào phòng làm bài. Rất may, đề thi hôm đó khá dễ, chỉ nửa tiếng là chị hoàn thiện, nộp bài và ra... cho con bú. 

Lần thứ hai M. thi thuê cho "khách" là tại Học viện Ngân hàng vào tháng cuối năm 2013. Buổi sáng, khi M. đang lúi húi thay tã cho con thì "khách hàng" gọi phải đến ngay cổng trường để thi thuê. M. vội vàng bế cả con đến đó, gửi trực tiếp người thuê và vào phòng thi. "Hôm đó trời rất lạnh, ngồi trong phòng vừa thi vừa lo cho con. Tôi sợ người thuê mình còn trẻ, không có kinh nghiệm chăm sóc trẻ con. Nhưng gần 1 tiếng đồng hồ làm bài xong đi ra, thấy cô nhóc đang nằm ngủ ngon lành trong mớ chăn, khăn và áo của "khách hàng". Nhận tiền xong, tôi vội vàng bế con về", chị M. nói. 

Giơ cao đánh khẽ nên "nhờn thuốc" 

Ngoài những kỷ niệm khó quên đó, chị M. còn kể về những vụ thoát nạn hi hữu trong đời thi thuê của mình. Theo chị M., một lần, vào tháng 6/2013, chị nhận lời thi cho 2 bạn nữ trong trường Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp. Mức thù lao như thỏa thuận là 400.000 đồng/ca/lần. Hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính. Điều thú vị là hai bạn thi vào hai ca liên tiếp trong cùng một buổi chiều, cùng một phòng thi. 

Nhưng trước khi thi một ngày, chị nhận được "hung tin", đối với thi trắc nghiệm trên máy tính, sau mỗi ca thi, giám thị của phòng thi không đổi. Chị đành từ chối một trong hai người thuê, nhưng không ai đồng ý vì thẻ sinh viên giả đã làm xong. Vì quá gấp nên không thể tìm ai thay thế được, chị đành chấp nhận "ôm" cả hai. "Lúc đó, tôi chỉ ước mình có thuật phân thân để biến hình thành hai người cho đỡ phải vội vã", chị M. nói. 

Ngày hôm sau, chị mặc một bộ trang phục thật nổi bật so với sinh viên: Đi giày cao gót, áo sơ mi mỏng dính màu đỏ, mái tóc dài uốn xoăn buông xõa, mắt tô đậm. Ban đầu vào phòng thi, mọi người đổ dồn ánh mắt về phía chị chừng vài phút, rồi sau đó ai nấy tập trung vào bài làm của mình. 

Để thay hình đổi dạng, ngay khi thi xong ca một, chị vội vã xách túi đồ chuẩn bị trước ra nhà vệ sinh. Chị M. nhanh chóng tẩy trang, thay quần bò, áo phông trắng, giày thể thao. Tóc được búi gọn củ tỏi, lại thêm một đôi kính không số, gọng rẻ tiền giống một sinh viên điển hình. Và, đương nhiên là không ai thèm chú ý đến chị. Ca thi trót lọt. "Lúc đó, tôi nghĩ, có lẽ đến người thân cũng chả phân biệt được, chứ không nói đến những người mới gặp lần đầu", chị M. kể. 

Tuy nhiên, một lần thi môn tiếng Anh cho một bạn nữ tại đại học Thăng Long, một trong những trường đại học xử lý gian lận trong thi cử vào loại nghiêm khắc nhất nhì Hà Nội, M. chủ quan vì thi nói diễn ra rất nhanh, nên không học kỹ các thông tin trên thẻ sinh viên. Tên của sinh viên thuê chị là Phan Thị H.Th., nhưng chị lại nhớ thành Phạm Thị H.Th.. Khi vào phòng thi, cán bộ coi thi cầm thẻ sinh viên có hình của chị và ghi vào tờ phiếu điểm là Phan Thị H.Th.. 

Sau khi bài thi kết thúc, M. liếc mắt thấy dòng chữ đó và đinh ninh là cô giáo viết sai. Lúc đó, cô vẫn đang cầm thẻ sinh viên. M. bỗng nhiên mắc một sai lầm nghiêm trọng khi phản xạ nói: "Thưa cô, em tên là Phạm Thị H.Th. chứ không phải Phan... Ngay lập tức, cô giáo liếc mắt vào tấm thẻ rồi nhìn tôi, ánh mặt hơi xao động nói: Thẻ của em ghi tên em là họ Phan cơ mà!. Lúc đó tôi chết lặng người đi vài giây, tim đập dồn dập, thở không ra hơi. Nghe câu nói của cô: Tại sao tên mình mà em cũng không nhớ? Tôi thấy chân tay mình bủn rủn, một cảm giác sợ hãi cố hữu ập đến". 

Bất chợt, rất nhiều suy nghĩ lướt nhanh qua đầu M. Cố lấy lại bình tĩnh, M. lập tức mỉm cười đáp: "Thưa cô, đó là thẻ của em in nhầm, em họ Phạm chứ không phải họ Phan, em thấy hai bạn lớp Quản trị Kinh doanh cũng bị như vậy. Nhưng, trong Hồ sơ và trên trang tín chỉ em vẫn là họ Phạm. Thấy cô giáo cũng mỉm cười hiền lành, dập xóa, sửa lại tên tôi, thế là tôi liền vội vã đi ra khỏi phòng thi. 

Lần "bị tóm" duy nhất trong đời thi thuê của M. là lần trà trộn vào phòng thi tại đại học KD&CN. Suốt quãng thời gian làm bài, giám thị liên tục để ý chị. Thậm chí, không ít lần M. bị kiểm tra thẻ sinh viên trong lúc đang làm bài. 

Đúng như linh cảm của M., hết giờ kiểm tra bài thi, M. bị cán bộ coi thi mời lên phòng riêng. Sau khi kiểm tra tất cả thông tin về cá nhân mà không hề phát hiện ra vi phạm, M. nghĩ mình đã thoát nạn. Nhưng, khi được hỏi về tên tuổi bố mẹ đẻ, M. đành ngoan ngoãn nhận lỗi là mình đang đi thi thuê. Sau đó, chị bị nhà trường lập biên bản rồi tha cho về. 

Lần cuối cùng M. "bị tóm" nhưng được tha là ca thi cho khách tại phòng thi H202 trong Học viện Ngân hàng. Khi phát đề xong, cán bộ coi thi đi đến chỗ từng người, kiểm tra giấy tờ tùy thân. 

Giáo viên này kiểm tra khá kỹ từng trường hợp. Khi đến chỗ chị M., cô cầm chiếc vé xe buýt, xem kỹ và sau đó yêu cầu M. dừng làm bài. Cô giáo nói: "Buổi sau, em mang chứng minh nhân dân hoặc thẻ sinh viên đi, cô sẽ cho em làm bài kiểm tra sau". Vậy là M. phải đưa bài cho giám thị và ra về.

Diệu Nam - Lan Anh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news