Tin mới

Từ vụ HS lớp 8 đánh bạn tử vong: Những tội ác trẻ thơ

Chủ nhật, 10/05/2015, 08:45 (GMT+7)

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong hơn 5 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta có khoảng 10.000 vụ án, với hơn 15.000 đối tượng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong hơn 5 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta có khoảng 10.000 vụ án, với hơn 15.000 đối tượng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên.

Đây thật sự là con số đáng báo động về tình hình trẻ hóa tội phạm. Mặc dù, không phải chịu khung hình phạt cao nhất, song cái giá các em phải trả là quá đắt: Nỗi đau đớn, ăn năn và một tương lai “đứt gánh”... 

Cách đây hơn 3 năm, tại miền quê Bắc Giang đã xảy ra một vụ án kinh hoàng khiến cả nước rúng động. Hồi đó, khi chưa đầy 18 tuổi, “sát thủ” máu lạnh Lê Văn Luyện đã lạnh lùng gây ra vụ thảm sát trong đêm tại tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, Bắc Giang) cướp đi sinh mạng của 3 người trong một gia đình . Vụ án trên được xem là đỉnh điểm của tội ác do trẻ vị thành niên gây ra. 

Thế nhưng, sau vụ án Lê Văn Luyện cho tới nay, cộng đồng đã chứng kiến rất nhiều vụ án, trọng án khác nhau xảy ra mà thủ phạm thậm chí còn non nớt, trẻ con hơn rất nhiều so với Luyện. 

Từ vụ HS lớp 8 đánh bạn tử vong: Những tội ác trẻ thơ

Học sinh đánh nhau.  Ảnh minh họa

Hồi tháng 12/2014, người dân xã Hà Thái (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) bàng hoàng chứng kiến thảm án xảy ra trên địa bàn. Hung thủ Vũ Văn Tú đã xuống tay sát hại một bé trai 9 tuổi ở cùng xã rồi dìm xác xuống giếng phi tang chỉ vì muốn chiếm đoạt chiếc điện thoại di động rẻ tiền. Đau đớn hơn, Tú chỉ hơn nạn nhân chưa tới... 6 tuổi. 

Rất nhiều người đã tự hỏi, điều gì khiến những đứa trẻ còn mang trên mình màu áo học trò ngày càng bộc lộ sự manh động và liều lĩnh như vậy. Không chỉ dừng lại ở những vụ trộm cắp, cướp giật, hành hung mà còn rất nhiều vụ án giết người cướp của, hoặc do thù hằn mâu thuẫn cá nhân. Thậm chí còn có cả những vụ án mà các “cậu nhóc” ăn chưa sạch, bạch chưa thông liều lĩnh sử dụng công nghệ cao, mạng Internet, điện thoại di động để lừa đảo, tống tiền nhiều người... Vẫn biết, tội ác do trẻ gây ra, thế nhưng, nỗi đau lại của toàn xã hội .

Chia sẻ với PV, một PGS giảng dạy môn Tâm lý học tội phạm tại trường đại học Luật Hà Nội cho rằng, xã hội hiện nay đang tồn tại rất nhiều cám dỗ về vật chất với đầy rẫy những tụ điểm ăn chơi trác táng, nhan nhản các trò bạo lực kèm theo rượu mạnh và ma túy. Đó cũng là nơi bọn tội phạm hoành hành, hình thành các băng đảng. Thế nên, khi mà nhân cách chưa kịp hình thành một cách vững chắc, chỉ cần thiếu sự quan tâm của gia đình, lứa tuổi vị thành niên rất dễ sa ngã vào những mê cung đó. Nhiều “băng cướp nhí” vì thiếu tiền chơi game, hoặc phát sinh mâu thuẫn sẵn sàng có hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản hoặc giết người. 

Xem thêm clip:

Nữ sinh bắt bạn quỳ, tát tới tấp giữa đường

Cũng chỉ ra nguyên nhân khiến tội phạm vị thành niên gia tăng, TS.Đỗ Cảnh Thìn – PGĐ trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) nhận định, trẻ em bây giờ được cưng chiều theo đúng nghĩa “nâng trứng, hứng hoa”. Vì vậy, những tính cách xấu được dung dưỡng và ngày càng khó gạt bỏ. Theo TS. Thìn, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em có những hành vi liều lĩnh để nhanh chóng đạt được mục đích, thỏa mãn cái tôi ích kỷ của mình. 

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng nặng khung hình phạt để tăng tính răn đe đồng thời nghiêm trị những kẻ phạm tội. Tuy nhiên, TS.Thìn cho rằng, đây chỉ là cách giải quyết từ ngọn, đi ngược lại với xu thế của thời đại. Theo đó, phải làm sao để giúp trẻ tự phòng ngừa, tự nhận thức và làm chủ hành vi, hiểu rõ pháp luật cũng như biết yêu thương, tôn trọng người khác mới chính là gốc rễ của vấn đề. 

Đề xuất thành lập tòa án riêng cho người chưa thành niên 

Dự kiến, trong năm 2015 sẽ thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên. Hệ thống tòa án chuyên biệt này sẽ là nơi xét xử những vấn đề liên quan đến gia đình, trẻ em như: Trẻ em vi phạm pháp luật; việc ly hôn liên quan đến trẻ em, hoặc những trường hợp người lớn vi phạm quyền trẻ em. Theo bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, người chưa thành niên phạm pháp cần được xem là những nạn nhân của xã hội, chứ không chỉ là người phạm pháp. Theo đó, sự ra đời của tòa án trên sẽ góp phần tích cực vào việc giáo dục , giúp đỡ trẻ vị thành niên phạm pháp sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. 


Xuân Lĩnh - N.Giang - A.Văn

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news