Ngay từ lúc còn nhỏ, anh em Xê đã được mệnh danh là “ngũ quỷ”, bởi tính tình ngang bướng, thường xuyên tụ tập gây lộn đánh nhau.
Cái tên tướng cướp Hồ Văn Xê (SN 1962, ngụ thôn 4, xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) từng là một nỗi ám ảnh lớn với người dân miền Trung. Cùng với đó là hàng loạt “truyền thuyết” xen lẫn hư thực về sự “xuất quỷ nhập thần”, bắn súng “bách phát bách trúng”, “cướp của người giàu chia cho người nghèo” của tên tướng cướp có biệt danh “độc nhãn”. Phóng viên tìm gặp những người trong cuộc để có thể tái hiện chân dung thực của tướng cướp khét tiếng này.
Kè kè 3 “chó lửa”, 5 con chó săn
Theo hồ sơ của cơ quan công an, Hồ Văn Xê là con trai thứ hai trong 5 người con của ông Hồ Văn Xíu và bà Hồ Thị Nơi. Sinh ra ở vùng núi cao hẻo lánh, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên mấy anh em Xê đều thất học.
Người xưa có câu “tam nam bất phú, tứ nữ bất bần”, nhà Xê có tới 5 anh em trai nên lại thường cậy sức hơn người để đi bắt nạt kẻ khác. Ngay từ lúc còn nhỏ, anh em Xê đã được mệnh danh là “ngũ quỷ”, bởi tính tình ngang bướng, thường xuyên tụ tập gây lộn đánh nhau. Anh trai cả của Xê là Hồ Văn Viên chết trong một lần dùng thuốc nổ tháo từ bom bi để đánh cá vào năm 28 tuổi.
Về phần mình, năm 1989 Xê đã “ghi dấu” với 2 tội “Chống người thi hành công vụ” và “Cố ý gây thương tích”. Dù khỏe mạnh, to cao nhưng Xê lại rất lười lao động lại thêm việc nghiện rượu. Tiền uống rượu còn không có thì nói gì đến việc chăm lo vợ con nên để có tiền trang trải cuộc sống, Xê đã chọn con đường đi ăn cướp.
Bước chân vào nghề trấn lột, Xê đã nhanh chóng sắm cho mình 3 khẩu súng, gồm 1 khẩu súng AK, 2 khẩu AR15 đã cưa nòng và 5 con chó săn hết sức tinh khôn. Có cả “chó lửa” lẫn chó săn trong tay nên Xê ra tay hết sức táo bạo. Hai cữ trong ngày, từ khoảng 10h-14h và từ 17h-22h đêm, Xê nói với gia đình, làng xóm là mình đi săn rồi vác súng, cung, bẫy và 5 con chó săn vào rừng. Nhưng kỳ thực là Xê vào rừng để thực hiện những phi vụ cướp bóc.
Nạn nhân của Xê là những người đi tìm trầm hương, những người đi bứt mây. Thậm chí hắn không tha cả những người đốn củi nghèo khó. Họ có thứ gì trên người là Xê cướp thứ đó, từ tiền vàng cho đến thức ăn...
Với khuôn mặt dữ tợn chỉ còn một mắt trái, mắt phải đeo một mảnh vải màu đen, 3 khẩu súng bên hông, đàn chó săn thì luôn tháp tùng bên cạnh, Xê khiến các nạn nhân thất kinh hồn vía. Nếu ai không nộp tài sản ra, Xê huýt sáo một tiếng thì lập tức 5 con chó săn xông ra cắn tới tấp khiến người xấu số chỉ còn nước quỳ gối xin tha mạng.
Vài phi vụ đầu, Xê đi cướp một mình, về sau thấy “kiếm ăn” được, Xê lôi kéo Hồ Văn Dũng (người em kế) tham gia. Tiền bạc, của cải cướp được gia đình tiêu xài không hết, Xê đem phân phát cho những người hàng xóm. Không phải Xê “cướp của người giàu chia cho người nghèo” như lời đồn mà hắn làm thế để lấy lòng mọi người. Đó không phải là hành động trượng nghĩa mà thực chất cho thấy bản chất ranh ma, quỷ quyệt, khôn khéo của tên tướng cướp. Chính điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho cơ quan công an trong việc lần tìm ra kẻ gây án.
Lực lượng công an tuyên truyền, vận động người dân và gia đình hai anh em “sát thủ” Hồ Văn Xê, Hồ Văn Dũng đưa các đối tượng ra đầu thú.
Những vụ cướp chấn động núi rừng
Chỉ tính từ tháng 8/1991 đến tháng 9/1992, Xê đã gây ra trên 40 vụ cướp, trong đó đặc biệt là vụ cướp, giết kinh hoàng xảy ra ngày 12/8/1991. Nạn nhân là anh Nguyễn Đức Sơn (SN 1945) và người cháu Nguyễn Đức Danh (SN 1968, cùng ngụ tại xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Hai chú cháu ông Sơn làm nghề mua trầm. Hôm đó, biết Sơn và Danh sẽ đi ngang qua con đường mòn dọc suối Ba Loy (xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức) nên Xê phục sẵn. Khi thấy 2 chú cháu, Xê hét lớn: “Bỏ hết tiền, vàng, hành lý xuống đất. Đứa nào chống cự tao bắn vỡ sọ!”.
Thế nhưng do từng là bộ đội đặc công có võ nên anh Sơn vẫn bình tĩnh trả lời: “Chú cháu tôi không có nhiều tiền bạc mang theo nên xin anh tha cho”. Anh Sơn chưa kịp dứt lời thì ngay lập tức Xê bắn một phát đạn trúng vào đùi phải của anh Sơn rồi gằn giọng: “Mi im miệng đi. Bỏ hết hành lý trên vai xuống”.
Biết gặp tên tướng cướp hung tợn nhưng vốn gan dạ nên anh Sơn vẫn chống trả quyết liệt. Thấy anh Sơn không phục tùng, Xê như con thú hoang điên cuồng giương súng bắn thẳng vào ngực anh Sơn khiến nạn nhân gục chết tại chỗ. Thấy chú bị trúng đạn không cử động nữa, người cháu hốt hoảng quẳng tất cả hành lý trên tay xuống đất rồi quay lưng bỏ chạy.
Thế nhưng anh Danh vừa chạy được vài bước chân thì đã bị đàn chó hung dữ của Xê lao đến cắn xé khiến anh ngã nhào và bất tỉnh. Khi lại gần thấy anh Danh còn thở, sợ lộ hành tung của mình, Xê kê họng súng AK vào thái dương anh Danh bóp cò.
Sau khi bắn chết hai người, Xê gọi em trai Hồ Văn Dũng đến lấy tiền bạc, hành lý của nạn nhân. Sau đó, bọn chúng khiêng xác hai nạn nhân vứt xuống khe suối Ba Loy để phi tang. Bầy chó săn của Xê vì đói ăn nên chạy xuống suối xé xác hai nạn nhân ăn thịt rồi tha phần thân thể còn lại của mỗi người đi một nơi.
Vừa giết hai mạng người xong thì Xê lại tiếp tục gây án. Theo lời khai báo của anh Hồ Bửu Sơn (SN 1944, chủ tiệm vàng ở Quảng Nam), khoảng 16h30 ngày 2/9/1991, anh cùng 4 công nhân cõng chuyến, chở hàng hóa, thực phẩm từ dưới xuôi lên các xã miền núi của huyện Hiệp Đức để bán lại cho các phu vàng.
Khi đến khu rừng giáp ranh giữa hai xã Phước Gia và Phước Trà (huyện Hiệp Đức) thì bất thình lình từ trong bụi rậm ven đường hai tên cướp lao ra. Chưa kịp phản ứng gì thì tên một mắt bắn liền hai phát súng AK lên trời và hô lớn: “Tất cả đứng yên! Đứa nào chống cự tao bắn vỡ sọ!”.
Sau khi đã khống chế được anh Sơn và đoàn người, hai tên cướp chỉ cho người phụ nữ duy nhất trong đoàn được mặc chiếc quần dài, còn tất cả đàn ông đều phải cởi hết quần áo để chúng lục soát. Bọn cướp đã lấy hết số tài sản của đoàn anh Sơn gồm 1,2 lượng vàng, 100m vải, 30kg gạo, 9kg cá khô và một số vật dụng mang theo.
Trước khi bỏ lại các nạn nhân trong cảnh trắng tay, mình trần như nhộng, tên cướp “độc nhãn” còn bắn tiếp hai phát súng chỉ thiên hăm dọa: “Tụi bay nhanh chóng cút khỏi địa bàn này. Đứa nào trình báo công an hoặc quay lại tao sẽ bắn chết”. Hơn 30' sau, anh Sơn và mọi người mới hoàn hồn và thất thểu đi xuống núi.
10 lần vây bắt không thành
Tội ác mà Hồ Văn Xê gây ra đã khiến người dân căm phẫn và lực lượng chức năng hạ quyết tâm bắt cho được tên tướng cướp “độc nhãn” này. Ngày 29/8/1991, Công an huyện Hiệp Đức đã thành lập Ban chuyên án mà thành phần gồm những trinh sát giỏi võ, dày dạn kinh nghiệm, thông thạo địa bàn do Đại úy Phạm Văn Xuân (Trưởng công an huyện) và Đại úy Huỳnh Trung Nguyên (Phó công an huyện Hiệp Đức lúc bấy giờ) trực tiếp chỉ đạo.
Tuy nhiên, việc bắt tên Xê gặp vô cùng khó khăn, bởi địa hình rừng núi hiểm trở, mặt khác, đối tượng có vũ khí nóng và đặc biệt hắn rất cảnh giác không tiếp xúc với người lạ. Ngoài ra, Xê có bầy chó săn rất tinh khôn. Đi bất kỳ đi đâu, Xê và Dũng cũng dẫn đàn chó theo nên không ai tiếp cận được chúng mà không bị phát hiện. Ngày 2/1/1992, một tổ công tác gồm 5 trinh sát dày dạn kinh nghiệm cải trang làm người đi tìm trầm, đào vàng để “vào hang bắt cọp”.
Hôm đó, khi đoàn người đi đến cánh rừng giáp ranh giữa xã Phước Gia và Phước Trà thì từ trong bụi rậm, “tướng cướp độc nhãn” lao ra chặn ngang đường rồi quát lớn: “Tụi mi bỏ hết tiền vàng và toàn bộ hành lý xuống đất cho tao. Đứa nào không nghe tao bắn vỡ sọ!”. Sau khi phát lệnh đe dọa, tên cướp huýt sáo một tiếng ra hiệu cho bầy chó săn lao ra ép thế nạn nhân.
Trinh sát Lê Trung Hoàng, người trong vai trò trưởng đoàn làm trầm tỏ vẻ kinh ngạc, sợ hãi nói: “Dạ mong các anh tha mạng, tụi em là những người dân nghèo đi làm trầm mưu sinh, không có tài sản gì đáng giá”. Trinh sát trẻ Nguyễn Quốc Sơn đứng bên cạnh giả vờ run rẩy: “Ngoài gạo, nước mắm và chăn màn, tụi em không có gì cả, mấy anh tha cho”.
Ngay khi tên Xê và Dũng xuất hiện, các trinh sát đã ra tín hiệu cho nhau chuẩn bị hành động. Thế nhưng, khi tên Dũng bước đến định ra tay cướp tài sản thì tên Xê đứng từ xa cầm khẩu AK bắn liền hai phát đạn về phía các trinh sát rồi hét lớn: “Rút lui nhanh lên, công an đó”. Ngay lập tức, Dũng quay đầu chạy thục mạng vào rừng.
Bị công an truy đuổi, Xê vừa chạy vừa quay lại hai tay hai súng bắn trả xối xả. Sau đó, Xê huýt gió cho đàn chó săn lao ra tấn công các trinh sát. Trước sự liều lĩnh chống trả quyết liệt của “tướng cướp độc nhãn” và địa hình lại hiểm trở nên các trinh sát buộc lòng rút lui để bảo toàn lực lượng.
Cứ như thế, Ban chuyên án đã tổ chức 10 lần truy bắt “tướng cướp độc nhãn”, dù mỗi lần mỗi phương án khác nhau nhưng vẫn không đạt kết quả. Sau khi bàn bạc, Ban chuyên án thống nhất lựa chọn phương án xây dựng cơ sở “trường kỳ đánh án”.
Để bắt được Xê nhất thiết phải là người quen biết với Xê để có thể dễ dàng tiếp cận, nắm rõ quy luật hoạt động của hắn. Người mà Ban chuyên án chọn là anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1950, ngụ tại thôn 3, xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức), anh này rất gan dạ, giỏi võ và từng quen biết với Xê.
Người khuất phục tướng cướp
Mặc dù thời gian đã trôi qua lâu nhưng chúng tôi đã tìm gặp lại người nhân chứng khi xưa để tái hiện lại cuộc đấu tranh sống còn với tướng cướp Hồ Văn Xê năm đó. Anh Hùng cho biết, năm 1978, anh vào khu vực ranh giới xã Quế Bình và Phước Trà làm rẫy, khai thác cây rừng.
Trong thời gian này anh đã quen biết với Xê. Dù Xê cướp của những người đi tìm trầm, đãi vàng nhưng với anh Hùng thì Xê không bao giờ trấn lột. Biết Xê cướp bóc, anh Hùng cũng khôn khéo tìm cách tiếp cận và đã nhiều lần khuyên giải hắn.
Anh Hùng, một người dân quen với Xê đã được công an vận động tham gia ban chuyên án
Mặc dù không nghe lời khuyên của anh Hùng nhưng Xê vẫn nể trọng và không bao giờ cướp tài sản của anh này. Không những thế Xê còn cho anh thêm “đặc ân”, nếu họ hàng của anh có việc đi vào rừng mà đưa mảnh giấy nhỏ xé một góc (làm hiệu là người nhà của anh Hùng) thì Xê sẽ bỏ qua không cướp. Mặc dù được sự ưu ái của “tướng cướp” như vậy nhưng được sự tin tưởng của cơ quan công an, với mong muốn trừ họa cho dân, anh Hùng đã quyết định tham gia phá án cùng các trinh sát.
Như kế hoạch đã định, khoảng 15h chiều 12/8/1992, anh Hùng cùng với 2 trinh sát trong vai người đi làm gỗ mang theo một can rượu trắng 5 lít lên nhà Xê giả vờ xin nước rồi tiện thể rủ y uống rượu. Theo kế hoạch, khi uống rượu, lợi dụng sơ hở của Xê, anh Hùng sẽ cho thuốc ngủ vào ly rượu. Rồi khi Xê đã ngủ say, các trinh sát sẽ ra tay tóm gọn kẻ thủ ác.
Thế nhưng trong lúc uống rượu, Xê vẫn luôn cảnh giác, bàn tay trái nâng chén nhưng bàn tay phải vẫn đặt trên khẩu AK. Uống rượu liền tù tì với tên tướng cướp một lúc khá lâu nhưng anh Hùng vẫn không có cơ hội bỏ thuốc ngủ vào ly rượu của Xê.
Sợ mất cơ hội, cuối cùng anh “nông dân” bèn nghĩra kế. Anh bảo: “Rượu nặng quá, khét cháy cả cổ. Xê, mày lấy cho tao chai nước lọc”. Không nghi ngờ, Xê đứng dậy vào bếp lấy nước. Chỉ đợi có thế, anh Hùng liền nhanh tay pha thuốc ngủ vào ly rượu đặt trên bàn nhậu. Khi anh Hùng bỏ thuốc vào rượu thì thuốc phản ứng với rượu chuyển sang màu đỏ sẫm.
Khi quay ra, Xê nghi ngờ hỏi: “Tại sao rượu có màu như vậy?”. Mặc dù bất ngờ, nhưng anh Hùng vẫn nhanh trí trả lời: “Tao đổ rượu vào bình nước chè, do còn ít nước chè trong đó nên nó có màu như vậy”. Nghe vậy, Xê cũng bỏ qua.
Tối hôm đó, Xê đã uống hết... 3 liều thuốc ngủ mà anh Hùng trộn vào rượu thế nhưng hắn không hề buồn ngủ mà cũng chẳng hề say nên kế hoạch thất bại. Sau này khi đã bắt được đối tượng, các trinh sát hỏi thì được hắn tiết lộ một sự thật rằng dù đã quen biết anh Hùng nhưng hắn vẫn phải cẩn thận, hơn nữa đã nhiều lần bị công an “giăng lưới” nên trước lúc nhận lời uống rượu với anh Hùng cùng hai người lạ mặt, Xê đã cẩn thận nhai hết một cây giải dài 2m (một loại thân cây mọng nước, có tác dụng giải độc và chống say-PV) để phòng trước.
Quyết tâm bắt bằng được tướng cướp tàn ác này, Ban chuyên án tiếp tục triển khai lực lượng. Đó là vào ngày 18/9/1992, anh Hùng lại lên đường “vào hang cọp”. Lần này anh Hùng mang theo một khẩu súng CKC đi cùng người em trai tên Dũng và em cọc chèo tên Thân, có sự yểm trợ của các trinh sát ở phía ngoài.
Khi gặp Xê, anh Hùng bảo: “Mi chỉ cho tao chỗ khai thác một cây gỗ lớn thì tao sẽ cho mi cây súng CKC này”. Nghe nói tới súng, Xê liền đồng ý và bảo anh Hùng đi theo Xê vào sâu trong rừng để Xê chỉ một cây gỗ dổi lớn. Hôm đó, Xê đeo kè kè cây AK của hắn trước ngực.
Trên đường đi đến chỗ cây gỗ dổi, khi ngồi nghỉ ở một tảng đá lớn, anh Hùng giả vờ nói: “Tao nghe nói khẩu súng AK này bắn khỉ không chết, mi đưa tao bắn thử xem”, vừa nói anh Hùng vừa giằng lấy cây súng trên tay Xê.
Lúc này, Xê mất cảnh giác liền bị anh Hùng thúc cùi chỏ giáng thẳng vào mặt hắn. Khi Xê đang tối tăm mặt mũi chưa kịp rút cây súng thứ hai trong người ra thì anh Dũng và anh Thân bồi thêm hai nhát nữa khiến hắn đổ rầm xuống đất. Khi Xê đang nằm lăn lóc thì bị tổ trinh sát mai phục gần đó ập tới chĩa súng thẳng vào đầu tên tướng cướp hô lớn: “Hồ Văn Xê, đừng chống cự vô ích!”.
Với những tội ác tày trời đã gây ra, chỉ 2 tháng sau khi bị bắt, ngày 20/11/1992, Hồ Văn Xê đã bị đưa ra xét xử và bị tuyên án tử hình về tội: “Giết người” và “Cướp tài sản”, chấm dứt những ngày tháng cướp bóc, giết người tàn ác của tên tướng cướp độc nhãn khét tiếng miền Trung.
Kết thúc câu chuyện tham gia truy bắt tướng cướp Hồ Văn Xê, anh Hùng tâm sự, đó là những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời mà anh không thể nào quên. Việc hỗ trợ công an bắt tên tướng cướp này là niềm vui và vinh dự lớn lao của anh, vì được đóng góp cho sự bình yên của nhân dân.
Theo báo Công Lý