Việc làm này nhằm kịp thời động viên, khen thưởng những thanh niên, sinh viên đã có hành động quả cảm; đồng thời tuyên truyền, cổ vũ tuổi trẻ Thủ đô học tập những nghĩa cử cao đẹp này. 16 thanh niên, sinh viên được tuyên dương là thành viên của nhóm du lịch mạo hiểm Phong Vân đang trên đường từ Hà Nội lên Sa Pa du lịch. Trực tiếp chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc khi chiếc xe khách lao xuống vực khiến 12 người tử nạn và 41 người khác bị thương, cả nhóm đã kịp thời thông báo tới các đơn vị chức năng tham gia ứng cứu và dùng đèn pin, điện thoại soi đường, mò mẫm xuống vực sâu gần 200 mét để cấp cứu, hỗ trợ các nạn nhân trên chuyến xe gặp nạn.
16 thành viên này đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, trường học khác nhau nhưng đều chung một tấm lòng nhân ái cao cả. Với tinh thần làm việc quên mình, cả nhóm đã dũng cảm, dám hy sinh, bỏ qua nỗi sợ hãi để cùng phối hợp giúp đỡ người gặp nạn.
Lãnh đạo Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội cùng các bạn trẻ được nhận bằng khen. Ảnh: tuoitrethudo.vn
Bạn Vũ Mạnh Hùng (ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) là thành viên đầu tiên của nhóm du lịch mạo hiểm Phong Vân xung phong xuống vực sâu cứu người. Hùng chia sẻ cảm xúc lúc ấy là khá sợ, trời tối đen, bản thân Hùng cũng chưa biết vực đó sâu bao nhiêu, có những nguy hiểm gì tiềm tàng… Nhưng xuất phát từ suy nghĩ: Có nhiều người đang gặp nạn, họ rất cần sự hỗ trợ kịp thời để cứu lấy tính mạng, Hùng đã dùng đèn pin của điện thoại soi đường, bám vào vệ cỏ, cành cây để tụt xuống và tham gia cứu giúp các nạn nhân.
Phạm Lê Tiến (trưởng nhóm nhóm du lịch mạo hiểm Phong Vân) là người dẫn đầu đoàn nên thường xuyên đi phía trước. Khi biết tin về vụ tai nạn, Tiến quay trở lại thì đã thấy các thành viên trong nhóm chủ động tham gia giúp đỡ người bị nạn. Chứng kiến các bạn dũng cảm, nhiệt tình, tích cực cứu giúp các nạn nhân, Tiến cảm thấy rất vui và tự hào về các thành viên trong nhóm. Tiến mong các nhóm du lịch mạo hiểm khác cũng sẽ có những nghĩa cử cao đẹp khi gặp những trường hợp tương tự như thế này, để xã hội có thể ghi nhận và đặt nhiều niềm tin hơn vào giới trẻ hiện nay.
Là một trong số ít thành viên là nữ trong nhóm du lịch mạo hiểm Phong Vân, Nguyễn Thị Quỳnh Trang (phóng viên báo điện tử VnExpress) đã cùng cả nhóm đưa ra nhiều sáng kiến trong việc hỗ trợ băng bó, sơ cứu cho các nạn nhân. Trang kể: Do thiếu bông, băng, các bạn đã dùng dao rạch gối tựa, ghế ra để lấy bông cầm máu cho các nạn nhân. Sau đó, sử dụng các giường nằm để làm băng cáng, đưa các nạn nhân lên phía trên. Các bạn còn có sáng kiến xin người dân bản địa các đoạn dây thừng để kéo cáng lên phía trên thuận tiện. Một số thanh niên trong nhóm còn dùng các cà-lê (dùng để lắp ráp, sửa chữa xe) để cắm chắc vào các vách núi, di chuyển lên phía trên không bị tụt xuống…
Những ngày qua, câu chuyện về 16 thanh niên, sinh viên trong nhóm du lịch mạo hiểm Phong Vân không ngại nguy hiểm, vượt qua nỗi sợ hãi trong đêm tối để xuống vực sâu cứu các nạn nhân, đã trở thành chủ đề "nóng" trên các diễn đàn mạng xã hội. Hành động của họ biểu thị cho nghĩa cử cao đẹp của giới trẻ Việt Nam trong thời đại ngày nay. Họ hành động không vì một tấm huy chương, không vì thành tích hay lợi ích nào. Hành động đó chính là cơ sở để củng cố lòng tin của xã hội đối với giới trẻ hiện nay.
Thành đoàn Hà Nội đã quyết định tặng bằng khen cho 16 thanh niên, sinh viên trong nhóm vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong việc tham gia cứu nạn tối 1/9 trên quốc lộ 4D, đoạn dốc Tòng Sành, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Được biết, nhóm du lịch mạo hiểm Phong Vân thành lập từ ngày 21/9/2012, chuyến đi đầu tiên của nhóm là tới Mù Cang Chải. Từ khi thành lập tới nay, nhóm đã đi được khoảng 10 cung đường gần và xa. Cả nhóm có hơn 200 thành viên đăng ký tham gia.
Theo Tin tức