Tin mới

Tuyển sinh kiểu Tây, học kiểu ta, đầu ra có như tham vọng?

Thứ ba, 01/03/2016, 16:21 (GMT+7)

Nếu năm 2015, Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM thí điểm tuyển thẳng 2\% đối với học sinh của 5 trường THPT xuất sắc đứng đầu cả nước thì theo phương án tuyển sinh năm 2016, trường này sẽ dành 10\% chỉ tiêu xét tuyển cho tất cả các trường chuyên và năng khiếu trên cả nước.

Nếu năm 2015, Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM thí điểm tuyển thẳng 2% đối với học sinh của 5 trường THPT xuất sắc đứng đầu cả nước thì theo phương án tuyển sinh năm 2016, trường này sẽ dành 10% chỉ tiêu xét tuyển cho tất cả các trường chuyên và năng khiếu trên cả nước.

Theo đó, tất cả thí sinh được tuyển thẳng đều phải thực hiện bài luận, kèm theo thư giới thiệu của giáo viên.

Kiểu tuyển sinh “đo lường thực tiễn”

Kế hoạch tuyển sinh năm 2016 của ĐH Quốc gia TP.HCM gồm các trường thành viên ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế - Luật, Khoa Y... sẽ thực hiện tuyển sinh bằng việc kết hợp giữa đánh giá năng lực bằng bài luận với xét tuyển dựa trên học bạ và kết quả từ kỳ thi THPT. Như vậy, lần đầu tiên ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ áp dụng tuyển sinh như “Tây” tại Việt Nam.

Tuyển sinh kiểu Tây, học kiểu ta, đầu ra có như tham vọng?

Năm 2016, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tuyển thẳng học sinh giỏi bằng bài luận. Ảnh minh họa: Lao Động.

Để làm rõ hơn vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quốc Chính - Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM. TS. Chính cho biết, các em học sinh được xét tuyển thẳng phải đạt được các tiêu chí trong điều kiện cần và đủ do ĐH Quốc gia TP.HCM đặt ra. Đối với điều kiện cần, học sinh phải có học lực giỏi, hạnh kiểm tốt trong 3 năm học THPT. Ngoài ra, học sinh phải có thư giới thiệu của giáo viên về năng lực, sở trường, sở đoản của học sinh mình giới thiệu. Từ đó, giáo viên sẽ hướng các em theo chuyên ngành phù hợp với năng lực của mình cũng như trường giới thiệu.

Tuy nhiên, theo TS. Chính, điều then chốt để đạt được tiêu chí của trường là bản thân mỗi em phải viết một bài luận miêu tả năng lực của bản thân, thành tích, sở thích để hiểu mình, hiểu trường và hiểu ngành mình chọn. Từ đó, biết định hướng rõ ràng trong việc chọn ngành, chọn nghề và chọn trường. Như vậy, có 3 mối quan hệ mà thí sinh phải phân tích được trong bài luận: Mình là ai, mình có năng lực gì, ngành mình chọn có đặc thù như thế nào, vì sao nó phù hợp với mình, vì sao chọn trường này mà không chọn trường khác... Ông nhấn mạnh, thí sinh sẽ phải giải đáp được tam giác về cá nhân có năng lực, ngành nghề và môi trường. Đối với điều kiện đủ, TS. Chính thông tin, trường hợp số đơn xét tuyển nhiều hơn chỉ tiêu, trường sẽ phân loại thí sinh dựa trên 3 tiêu chí: Học lực có phù hợp với chuyên ngành đăng ký và bài luận.

Vị Trưởng ban Đào tạo cũng nhấn mạnh, hiện nay, các trường năng khiếu và trường chuyên trên cả nước đang được ban tuyển sinh của trường cập nhật. Vì thế, khi có quyết định chính thức sẽ đăng tải thông tin trên trang web của trường và gửi văn bản về từng đơn vị thành viên cũng như gửi thông tin tới các trường THPT chuyên và năng khiếu trên cả nước để thông báo đến thí sinh. Các trường THPT này sẽ giúp thu nhận hồ sơ thí sinh và chuyển đến cho trường. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển thẳng dự kiến sẽ kéo dài từ tháng 5/2016 đến hết tháng 6/2016.

Chấp nhận rủi ro để tiến xa hơn

Sau khi phương pháp tuyển sinh mới của ĐH Quốc gia TP.HCM được công bố, nhiều ý kiến băn khoăn, cách tuyển này có thể dẫn đến lạm phát điểm (thầy cô ưu ái khi cho điểm học sinh) hay thí sinh sẽ nhờ người viết bài luận, hoặc phải có quà cáp để giáo viên đồng ý giới thiệu... Vấn đề tiêu cực xin – cho rất có thể xảy ra.

Liên quan đến vấn đề này, giảng viên Lê Thi Hạ - trường ĐH GTVT TP.HCM bày tỏ quan điểm: “Đây là hình thức tuyển sinh mới rất hay, giúp các em tự tìm hiểu về bản thân cũng như trường, ngành mình theo học. Tuy nhiên, nó có thể dẫn tới các hệ lụy kèm theo khiến ta khó lường trước được như vấn đề lạm phát điểm, nhờ người viết hộ bài luận, hối lộ giáo viên. Vì thế, đòi hỏi các giáo viên phổ thông phải ý thức được tầm quan trọng khi cho điểm số cũng như có tâm với nghề”.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, thầy giáo Cao Thanh Tuấn – Hiệu trưởng trường THPT Quỳnh Lưu 4 (Nghệ An) đánh giá, đối với cá nhân ông, đây là một điều đáng mừng, là hướng mở để tạo thêm nhân tài cho đất nước, tránh trường hợp thi nhầm trường, chọn nhầm lớp, học nhầm ngành. Học sinh có thể giỏi trên lý thuyết ở lớp nhưng vấn đề nhìn nhận thực tiễn có thể yếu hơn nên cần phải nhìn nhận lại. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các em tự làm chủ mình, tự khám phá bản thân xem mình thích gì, phù hợp với ngành nào tránh trường hợp ra trường làm trái nghề hay nghề không phù hợp... “Tôi rất mong hình thức tuyển sinh mới này sẽ được nhiều trường khác áp dụng để em học sinh nào cũng được làm bài tự luận nghiên cứu về trường, về ngành mình theo học”, thầy Tuấn nói.

Dưới góc độ chuyên gia, GS.TS. Vũ Gia Hiền (Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa – Du lịch, tham gia giảng dạy tại một số trường ĐH tại TP.HCM) nhìn nhận, đây là cách tìm kiếm nhân tài không qua hình thức thi, còn gọi là phương pháp đo lường thực tiễn. Chúng không chỉ dựa vào điểm số mà còn dựa vào năng lực. Phương pháp này một số nước phương Tây đã thực hiện và thành công. Tuy nhiên, theo GS. Hiền, đối với nước ta chỉ mới bước vào giai đoạn thử nghiệm nên chắc chắn sẽ có những bất cập. Và điều lo ngại ở đây chính là cái khó trong việc tìm ra thầy giáo để đánh giá bài luận cho các em học sinh. Bởi, bài luận chủ yếu là cách hành văn mà văn thì mỗi người mỗi ý rất khó để đánh giá...

Đối với các bất cập nêu trên, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng thừa nhận và có quan điểm rất rõ rằng, có thể sẽ có tiêu cực nhưng không xảy ra đa số. Bởi, nhà trường không xét một thời gian ngắn mà xét tới 3 năm tham gia học THPT. TS. Nguyễn Quốc Chính thẳng thắn bày tỏ: “Mình hãy nhìn vào đại đa số chứ không nên nhìn vào những tiểu tiết để lo sợ. Nếu chúng ta không làm thì biết khi nào mới tiệm cận với xu hướng chung. Bởi, chúng tôi hy vọng rằng, cách thức này sẽ tạo ra một nét riêng giúp thí sinh tự tin, chủ động và có định hướng nghề nghiệp cho bản thân mình”.

1.300 thí sinh sẽ được tuyển thẳng

Theo TS. Nguyễn Quốc Chính, năm 2015, ĐH Quốc gia TP.HCM đã áp dụng thí điểm hình thức tuyển thẳng này đối với học sinh 5 trường chuyên. Lúc đầu, dự kiến xét tuyển thẳng 10% chỉ tiêu, tuy nhiên, nhà trường chỉ tuyển được 2%. Ông Chính nói:

“Chúng tôi không bất ngờ hay thất vọng vì kết quả này, bởi xác định làm thí điểm để kiểm tra quy trình tuyển chọn. Hơn nữa, trong 5 trường THPT đã có tới 3 trường ở phía Bắc, chỉ có 2 trường ở phía Nam, nên số lượng học sinh nộp đơn xét tuyển thẳng không nhiều. Sang năm 2016, quy trình xét tuyển thẳng đã ổn, nên năm 2016, chúng tôi mở rộng quy mô ra tất cả các trường chuyên và năng khiếu trên cả nước. Như vậy, chỉ tiêu tuyển sinh của hệ thống trường ĐH là 13.000 sinh viên thì sẽ có 1.300 thí sinh được tuyển thẳng”.

Dương Hạnh

Nguồn: Đời sống và Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news