Mâu Kỳ Trung là doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc, ngoài ra ông còn luôn được bình chọn là tỷ phú giàu nhất thế giới. Nhưng ít ai biết rằng phi vụ làm giàu đầu tiên của ông là “đổi áo da lấy máy bay”.
Nhắc tới cái tên Mâu Kỳ Trung hẳn giới doanh nhân Trung Quốc không còn xa lạ gì. Ông được biết đến là Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn kinh tế Nam Đức nổi tiếng và là tỷ phú vang danh khắp trong nước và thế giới, tuy nhiên cuộc đời của ông không mấy êm đẹp.
Theo những thông tin An ninh thế giới dẫn tin từ Chinanews, được biết Mâu Kỳ Trung sinh tháng 6/1941 tại Vạn Huyện, tỉnh Tứ Xuyên, nay là khu Vạn Châu, TP. Trùng Khánh. Từ nhỏ ông đã được học hành tử tế và còn có tham vọng chính trị rất lớn. Đến năm 1975, sau khi tốt nghiệp đại học ông làm công nhân tại một nhà máy. Tại đây ông đứng ra thành lập tổ chức “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lenin”, ông còn là người viết một bản vạn ngôn thư “Trung Quốc đi về đâu ?”.
Tuy nhiên, những việc làm của ông bị quy kết vào tội danh phản động, âm mưu lật đổ chính quyền nên Mâu Kỳ Trung đã bị bắt vào tù và kết án tử hình. Nhưng may mắn vẫn còn mỉm cười với ông khi nhà nước Trung Quốc có sự cải cách lớn dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình. Lúc này vụ án Mâu Kỳ Trung được đưa ra xét lại và ông được phóng thích vào năm 1979 sau 4 năm ngồi tù. Từ đó, ông quyết định từ bỏ ảo vọng chính trị và chuyển hẳn sang kinh doanh thương mại.
Tỷ phú Mâu Kỳ Trung là doanh nhân nổi tiếng với các phi vụ làm ăn hoàng tráng và kỳ lạ. Ảnh: ChinaNews |
Vào năm 1980, với số vốn cầm tay 300 nhân dân tệ, ông thành lập phòng dịch vụ tín thác mậu dịch Giang Bắc tại Vạn Huyện. Thời điểm này ông kết hợp với những người thợ chế tạo đồng hồ có tay nghề cao để đưa hàng đến Thượng Hải tiêu thụ. Vì là hình thức kinh doanh mới mẻ nên ông kiếm được khá nhiều tiền lời, đây cũng là tiền đề để ông tích lũy vốn phát triển kinh doanh về sau.
Theo báo Người lao động, đến tháng 9 năm 1988, Mậu Kỳ Trung thành lập Tập đoàn kinh tế Nam Đức tại khu Khai Phát, TP. Thiên Tân. Ông là doanh nhân Trung Quốc đầu tiên được mời tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ. Tại đây, ông biết được thông tin Liên Xô đang phải đối mặt với sự tan rã và dự định bán một lô máy bay hàng không dân dụng T-154.
Nắm bắt được cơ hội làm giàu, ông nghiên cứu kỹ càng tình hình thương mại Liên Xô và rút ra kết luận: lúc này Liên Xô đang thiếu các mặt hàng tiêu dùng công nghiệp nhẹ và thực phẩm, ngược lại Trung Quốc lại tồn dư một lượng lớn các sản phẩm này, ông quyết định làm ăn, buôn bán theo hình thức “hàng đổi hàng” với Liên Xô.
Tuy tập đoàn của ông không có quyền mậu dịch đối ngoại nhưng bằng sự khôn khéo của mình ông đã móc nối với Cơ quan hàng không Tứ Xuyên và lấy danh nghĩa đó để thực hiện vụ giao dịch. Mâu Kỳ Trung đẩy mạnh thu gom các sản phẩm đồ hộp và áo da, tổng sản phẩm lên đến 500 xe, toàn bộ được dùng để đổi lấy lô máy bay T-154 của Bộ Công nghiệp hàng không Liên Xô. Phi vụ làm ăn này thành công ngoài sức tưởng tượng, ông đã kiếm được gần 1 tỷ nhân dân tệ.
Dwnews từng công bố tổng tài sản của ông Mâu vào những năm 1992, lúc đó ông sở hữu 2 tỷ nhân dân tệ và trở thành người giàu nhất Trung QUốc. Tháng 2 năm 1995, tạp chí Forbes bình chọn ông vào Top những tỷ phú hàng đầu thế giới và tỷ phú xếp thứ 4 toàn Trung Hoa đại lục. Cũng trong năm ấy, ông Mâu Kỳ Trung tiếp tục được bình chọn vào hạng “Siêu tỷ phú Trung Hoa đại lục” và “Nhà doanh nghiệp dân doanh số 1 Trung Quốc” do tạp chí Tài Phú xếp hạng.
Hoài An (tổng hợp)