Tin mới

Vai trò của giai cấp công nhân trong thời đại hiện nay

Thứ ba, 25/11/2014, 16:03 (GMT+7)

Trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và toàn cầu hóa, giai cấp công nhân là con đẻ của nền sản xuất công nghiệp hiện đại, được rèn luyện trong nền sản xuất công nghiệp tiến bộ, đoàn kết và tổ chức lại thành một lực lượng xã hội hùng mạnh. Sự trưởng thành của GCCN gắn liền với sự phát triển của nền sản xuất đại công nghiệp.

Trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và toàn cầu hóa, giai cấp công nhân là con đẻ của nền sản xuất công nghiệp hiện đại, được rèn luyện trong nền sản xuất công nghiệp tiến bộ, đoàn kết và tổ chức lại thành một lực lượng xã hội hùng mạnh. Sự trưởng thành của GCCN gắn liền với sự phát triển của nền sản xuất đại công nghiệp. 

Chúng ta biết rằng, giai cấp công nhân (GCCN) và sứ mệnh lịch sử của nó là một trong những phạm trù cơ bản nhất của chủ nghĩa xã hội khoa học. Sau những biến động ở Liên Xô và Đông Âu, các học giả, các chính khách tư sản và không ít người vốn là mác xít, nay cũng trở cờ lật lọng, đòi xem xét lại, thậm chí bác bỏ phạm trù sứ mệnh lịch sử của GCCN và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản để đi tới phủ nhận chủ nghĩa xã hội (CNXH), phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin. Trước hiện tượng đó, việc nhận thức một cách đúng đắn về GCCN, về vị trí, vai trò của GCCN là một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc và mang tính thời sự cấp bách.Sứ mệnh lịch sử của GCCN được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định GCCN hiện đại là giai cấp có khả năng tổ chức và lãnh đạo toàn thể nhân dân lao động tiến hành cuộc cải biến cách mạng, từ hình thái kinh tế - xã hội TBCN lên hình thái kinh tế - xã hội CSCN, giải phóng nhân loại khỏi ách áp bức, bất công và mọi hình thức bóc lột. Về vấn đề này, Ph.Ăngghen viết: “Thực hiện sự nghiệp giải phóng thế giới ấy - đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản hiện đại” . 

GCCN, con đẻ của nền sản xuất công nghiệp hiện đại, được rèn luyện trong nền sản xuất công nghiệp tiến bộ, đoàn kết và tổ chức lại thành một lực lượng xã hội hùng mạnh. Sự trưởng thành của GCCN gắn liền với sự phát triển của nền sản xuất đại công nghiệp. Với ý nghĩa đó, GCCN phải là những người thực sự có trình độ chuyên môn và năng lực trí tuệ cao, đại diện cho LLSX tiên tiến của phương thức sản xuất tiến tiến. Không những vậy, GCCN còn là bộ phận ưu tú và là lực lượng tiên phong nhất so với các giai cấp và các tầng lớp khác của xã hội, là giai cấp trung tâm của thời đại. Nó có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo các giai tầng khác thực hiện cuộc cách mạng xóa bỏ CNTB, xoá bỏ chế độ người bóc lột người, giải phóng GCCN, nhân dân lao động và toàn thể nhân loại khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, nghèo nàn lạc hậu, xây dựng xã hội mới xã hội cộng sản chủ nghĩa văn minh.  

Tuy nhiên hiện nay, trước sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại; sự ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất; sự điều chỉnh thích nghi của CNTB và quá trình toàn cầu hoá đã và đang tác động mạnh mẽ đến GCCN. Sự tác động này tạo ra những biến đổi sâu sắc trong cơ cấu của nó cả về số lượng và chất lượng, đồng thời cũng làm xuất hiện nhiều biểu hiện mới. Lợi dụng điểm này, các học giả, các chính khách tư sản và không ít người trước kia vốn là mác xít đã lu loa lên rằng: trong thời đại ngày nay, GCCN đang dần có sự chuyển hóa, bị tan biến vào các giai tầng khác và dần trở thành “giai cấp trung lưu”; bị teo đi về số lượng và giảm đi về chất lượng… nên không còn sứ mệnh lịch sử nữa mà sứ mệnh lịch sử được chuyển giao sang tay của tầng lớp trí thức!…

Phải khẳng định ngay rằng, những quan điểm trên là những quan điểm hết sức phản động, sai trái hòng phủ nhận sự tồn tại của GCCN; phủ nhận vị trí vai trò của GCCN trong thời đại ngày nay, từ đó đi đến phủ nhận sứ mệnh lịch sử của GCCN.

Về chất lượng, một điều hiển nhiên là, để làm chủ những công cụ sản xuất, mày móc hiện đại thì đòi hỏi người công nhân phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt. Không như vậy sẽ không đáp ứng được đòi hỏi của dây truyền sản xuất hiện đại và sẽ bị đào thải. 

Về số lượng, sự áp dụng của khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất nên thực sự trong một dây chuyền sản xuất, một nhà máy xí nghiệp cụ thể, số lượng công nhân có giảm. Nhưng nhìn tổng thể trong một quốc gia và trên phạm vi toàn thế giới, số lượng công nhân vẫn đang tăng lên một cách tuyệt đối. Cuối thế kỷ XIX, số lượng công nhân trên thế giới chỉ khoảng trên 80 triệu thì cuối thế kỷ XX đã tăng lên hơn 600 triệu và đến nay là hơn 800 triệu (năm 2008) . Hiện nay đội ngũ GCCN ở đây đa số là công nhân công nghiệp, số lượng tiếp tục tăng so với số người làm việc trong các lĩnh vực sản xuất khác. Một trong những nguyên nhân của sự gia tăng này trước hết phải kể đến chiến lược công nghiệp hoá của các nước đang phát triển. Mặt khác, các công ty của các nước tư bản phát triển cũng đang chuyển mạnh sang đầu tư tại các nước đang phát triển để thu hút nguồn lao động dồi dào, chi phí nhân công rẻ. Ngoài ra, lợi nhuận thu được lại khá cao cũng dẫn đến sự gia tăng GCCN ở đây.

Trong xã hội ngày nay, một bộ phận khá đông GCCN đã trở nên trung lưu hoá, nhưng đó là sự phản ánh mức sống trong điều kiện mới (do tiến bộ chung của sự phát triển xã hội); đồng thời, là kết quả đấu tranh liên tục, bền bỉ của chính GCCN chống GCTS suốt nhiều thế kỷ qua. Sự phát triển của LLSX và phân công lao động xã hội, cũng như sự biến đổi cơ cấu xã hội của GCCN đã làm cho diện mạo của GCCN hiện đại trong xã hội tư bản không giống như những mô tả của C.Mác trong thế kỷ XIX. Họ không còn là những người vô sản trần trụi với hai bàn tay trắng, một số có tư liệu sản xuất phụ; một số ít khác có cổ phần cổ phiếu trong các nhà máy xí nghiệp (nhưng rất ít và trên thực tế không phải người công nhân nào cũng có thể mua được). Thế nhưng, với những biến đổi đó mà đi đến kết luận GCCN không còn bản chất cách mạng nữa là sai lầm cả về chính trị và khoa học. Với số lượng cổ phần cổ phiếu ít ỏi như vậy thì lợi tức từ cổ phẩn cổ phiếu đem lại không đủ để nuôi sống anh ta (chứ chưa nói đến nuôi sống gia đình anh ta). Do vậy, người công nhân vẫn phải trực tiếp lao động, sản xuất trong các nhà máy xí nghiệp của tư bản. Mặt khác, do số lượng cổ phần cổ phiếu it ỏi nên tư liệu sản xuất chủ yếu trong các xí nghiệp vẫn là của tư bản. Và GCCN vẫn là giai cấp làm thuê bị GCTS bóc lột giá trị thặng dư dưới hình thức tinh vi hơn. 

Như vậy, công nhân hiện nay dù có cổ phiếu, cũng chẳng làm thay đổi được địa vị làm thuê và bị bóc lột trong xã hội tư bản. Họ không trở thành “nhà tư bản” theo cách tuyên truyền của các lý luận gia tư sản, mà chỉ là “nhà tư bản” đối với chính mình. Chế độ cổ phiếu thật sự là phương pháp hữu hiệu cột chặt người lao động và bắt họ lệ thuộc hơn nữa vào giới chủ. Hy vọng thay đổi địa vị người lao động trở thành người chủ thật sự ở các nước TBCN chỉ là ảo tưởng, là hành động tự lừa dối. Việc mua bán cổ phiếu ở các nước tư bản đã tạo nên cái gọi là “hiệu ứng của cải”, làm cho “tư bản giả” ngày càng tăng lên so với thực tế. Điều đó càng nói lên tính chất ăn bám của CNTB độc quyền, chứ chẳng phải CNTB đã là CNTB nhân dân như người ta cố tình tô vẽ.

Từ những phân tích trên cho thấy, địa vị kinh tế - xã hội của GCCN vẫn không hề thay đổi. GCCN vẫn luôn là giai cấp tiên phong trong xã hội và là LLSX cơ bản và trực tiếp làm ra của cải cho xã hội. Họ vẫn là những người làm thuê cho GCTS và bị GCTS bóc lột giá trị thặng dư - hình thức bóc lột dã man, nặng nề và vô liêm sỉ nhất. Nếu như trước kia người công nhân chỉ bán sức lao động cơ bắp là chủ yếu, thì ngày nay họ còn bán luôn cả sức lao động trí óc và đôi khi bán chất xám lại là điều chủ yếu. Do đó, SMLS của GCCN không thể chuyển vào tay một giai cấp hay tầng lớp xã hội nào khác. Những chỉ dẫn cơ bản về đặc trưng bản chất của GCCN của Mác - Ăngghen - Lênin đưa ra vẫn là cơ sở phương pháp luận để xem xét, phân tích GCCN hiện đại trong các quốc gia TBCN phát triển hay trong những nước đang tiếp tục con đường cách mạng XNCH, các nước thế giới thứ ba và toàn thế giới nói chung, trước đây cũng như hiện nay.

Từ một chiều cạnh khác, hiện nay sự tăng lên lượng tri thức khoa học và văn hóa của công nhân lại cũng là một tiền đề quan trọng để giúp họ nhận thức và cải tạo xã hội. Họ đang phê phán CNTB và đến với CNXH như đến với cái đúng và do sự thôi thúc của lý trí chứ không chỉ do nghèo đói. Với tri thức và khả năng làm chủ công nghệ cao, với năng lực sáng tạo và ý thức về sứ mệnh, GCCN hiện đại đang có thêm điều kiện để tự giải phóng.

Tóm lại, trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và toàn cầu hóa, cùng với những điều chỉnh của CNTB, thì giai GCCN chỉ biến động về số lượng theo hướng tăng lên mà chất lượng cũng được nâng cao. Tuy nhiên, xét đến cùng, vị thế, tư cách làm thuê, bị bóc lột của họ ở tuyệt đại đa số các nước đang phát triển vẫn không thay đổi, vẫn là giai cấp duy nhất có SMLS xóa bỏ CNTB, xây dựng thành công CNXH, CNCS trên phạm vi toàn thế giới. 

Nguyễn Quốc Khoa - Đinh Thủy Bình

(Học viện chính trị quân sự Hà Đông- Hà Nội)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news