Mẫu chưa phải là chuẩn và mẫu đôi khi là gông cùm bóp chết sự sáng tạo cả trong giảng dạy của thầy cô lẫn trong tư duy nhận thức của học trò. Học trò sẽ học được những gì sau khi nhận được những lời nhận xét, lời khen mẫu mà giáo viên của mình hì hụi sưu tầm, chép từ các tuyển tập...
Tôi nhớ hồi còn đi học “bảo bối” trong tay những đứa học sinh ngại học văn như tôi là những cuốn văn mẫu, đọc văn mẫu, chép văn mẫu và tư duy viết văn kiểu mẫu có từ tiểu học lên hết THPT.
Ở tiểu học thì đứa nào cũng tả con mèo có con mắt long lanh như hai hòn bi ve, con lợn thì hai cái tai to như hai cái lá mít, cái đầu thì như cái gầu múc nước...Lên cấp 2 thì đứa nào cũng tưởng tượng Trọng Thủy chết xuống âm phủ đoàn tụ với Mỵ Châu thút thít kêu oan. Học đến cấp 3 thì khá hơn nhưng những cảm nhận phân tích, bình luận về những tác phẩm văn học không thể thoát ra khỏi mấy...gạch đầu dòng của thầy cô và những lời chau chuốt trong sách văn mẫu. Và môn văn lúc nào cũng là nỗi ám ảnh với những đứa đã chót “yêu” và “trung thành” với...văn mẫu.
Suốt 1 năm học qua, nghe rất dư luận bàn tán rất sôi nổi về chuyện giáo viên tiểu học cũng phải tìm đến các “mẫu nhận xét”, “tuyển tập những lời nhận xét mẫu cho học sinh tiểu học theo Thông tư 30”. “Bảo bối” mẫu không chỉ còn là của học trò mà đã lên level đối tượng là các thầy cô. Để rồi sau đó, năng lực, phẩm chất của học sinh được “nhân bản” qua những lời nhận xét rất giống nhau: “con làm tốt, cần phát huy; con viết chữ đẹp, cần phát huy...
Văn mẫu, lời phê, lời khen mẫu: một nền giáo dục...mẫu??? |
Cuối năm học, hầu hết các cháu đều nhận được giấy khen, không khen kiểu này thì khen kiểu khác...nhiều cháu “phải” được khen quá khiến giáo viên phải lúng túng trong việc tìm lời để khen...và thế là lời khen lại được “nhân bản”. Nhiều lời khen cho học sinh khiến không ít phụ huynh đọc mà chả hiểu con mình được khen gì. Nào là “hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học; có năng lực phẩm chất học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ của học sinh, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục...”
Ngành giáo dục cho rằng không chấm điểm tiểu học, thay đổi cách dạy – học theo hướng tương tác là để giảm áp lực, xóa bỏ tư duy đọc – chép, dần dần học sinh phát triển tự nhiên theo năng lực vốn của bản thân mà không phải theo một khuôn mẫu phấn đấu nào. Giống như việc không cần phải giỏi toàn diện mới có giấy khen, giỏi một thứ cũng khen được rồi. Tuy vậy, áp lực phấn đấu theo một “mẫu” nào đó có vẻ lại đang đổ lên đầu thầy cô của chúng ta.
Mẫu chưa phải là chuẩn và mẫu đôi khi là gông cùm bóp chết sự sáng tạo cả trong giảng dạy của thầy cô lẫn trong tư duy nhận thức của học trò. Học trò sẽ học được những gì sau khi nhận được những lời nhận xét, lời khen mẫu mà giáo viên của mình hì hụi sưu tầm, chép từ các tuyển tập...
Chúng ta đã đang cố gắng lôi học sinh ra khỏi những bài văn mẫu để sáng tạo, để tư quy thực sự thì đừng nên đẩy giáo viên vào vòng luẩn quẩn phải tìm đến những cái khuôn mẫu, xáo rỗng nhằm hoàn thành đống công việc khổng lồ và quá tải ngoài chuyên môn giảng dạy của mình.
Minh Minh