Những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng sẽ không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp gian dối. Cho nên, buộc lòng họ phải gian dối theo.
Đó là chia sẻ của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen khi nói về tình trạng gian lận thương mại trong thị trường tôn thép.
PV: Trong nhiều năm qua, tôn thép giả xuất hiện tràn làn trên thị trường. Theo ông, nguyên nhân nào khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn kiểu gian dối như vậy?
Ông Lê Phước Vũ: Theo tôi, nhiều doanh nghiệp họ rất muốn làm ăn chân chính, nhưng mà vì nhiều doanh nghiệp làm ăn gian dối vẫn tồn tại được. Như vậy thì những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng sẽ không thể cạnh tranh được với người gian dối. Cho nên, buộc lòng họ phải gian dối theo. Cái đó cực kỳ nguy hiểm.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn Tôn Hoa Sen.
Nếu cơ quan quản lý Nhà nước, người tiêu dùng, doanh nghiệp, phương tiện truyền thông chúng ta làm lành mạnh được thị trường thì những người làm ăn chân chính mới có thể đầu tư đàng hoàng, mới cạnh tranh được. Điều này không chỉ trong nước mà còn đối với cả quốc tế.
Khi chúng ta làm lành mạnh thị trường thì đương nhiên khi môi trường lành mạnh tất cả sẽ lành mạnh, chúng ta sẽ tạo ra sản phẩm tốt, chất lượng cao. Và sự lành mạnh thị trường sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững.
PV: Tôn thép được coi là mặt hàng có sức cạnh tranh lớn nhất trên thị trường hiện nay. Việc hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan như vậy có ảnh hưởng như thế nào đối với nền kinh tế nước ta, thưa ông?
Ông Lê Phước Vũ: Hàng giả, hàng nhái thực chất đã là một vấn nạn. Nếu các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan truyền thông và người tiêu dùng không ý thức được đây là vấn đề nghiêm trọng thì nền kinh tế nước ta sẽ ngày càng đi vào nguy cơ đánh mất nhiều cơ hội khi kinh tế Đông Nam Á đang tăng trưởng, khi xu thế dòng vốn thế giới được dự báo dần chuyển về thị trường Đông Nam Á trong một vài năm tới.
Mặt khác, chúng ta cũng sẽ đối mặt với thách thức sẽ bị rớt lại khi cạnh tranh với các nước trong khu vực, như Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, thậm chí kể cả lào, Cam-pu-chia và Myanmar. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng.
Nếu chúng ta lý thức được điều này thì tôi tin chắc rằng, nền kinh tế nước ta sẽ lành mạnh, các doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững và nguồn thu Ngân sách sẽ bảo đảm, đáp ứng đủ chứ không để tình trạng như hiện nay là ngân sách Nhà nước bị thất thu rất lớn.
PV: Để không mất đi những cơ hội đó, chúng ta cần phải làm gì?
Ông Lê Phước Vũ: Chắc chắn vấn đề quan trọng ở đây là phải đầu tư sản phẩm chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với thị trường. Phải có thương hiệu và có hàm lượng chất xám cao.
Uy tín thương hiệu của Việt Nam rất quan trọng, nếu muốn cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì việc tạo được nhu cầu cho thương hiệu là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào làm được điều đó, chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ thành công.
PV: Vậy, chúng ta cần có những biện pháp gì để giải quyết triệt để vấn nạn này?
Ông Lê Phước Vũ: Ở gốc độ doanh nghiệp, chúng tôi thấy đây là vấn đề của cả nền kinh tế.
Điều đầu tiên, các cơ quan quản lý Nhà nước phải làm hết trách nhiệm của mình. Ví dụ như Tổng Cục đo lường chất lượng và Bộ Công thương phải yêu cầu các doanh nghiệp khi kinh doanh, thì nơi kinh doanh của mình phải niêm yết, phải công bố tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, để người tiêu dùng hiểu rõ và đúng.
Phải bảo đảm những người kinh doanh cũng như nhà sản xuất tuân thủ nghiêm túc những công bố của mình. Nếu vi phạm thì phải có chế tài nặng.
Thứ 2, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng phải giải quyết thoả đáng và có ý kiến dứt khoát, kiên quyết với cơ quan chức năng khi phát hiện ra những vụ việc, hiện tượng mà người sản xuất hoặc người kinh doanh có hành vi gian dối với khách hàng.
Đối với doanh nghiệp thì phải có các biện pháp để tự bảo vệ mình, bằng cách minh bạch hoá các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, về sản phẩm, về kênh phân phối, giá bán…
Còn nữa, cơ quan truyền thông cũng đóng vai trò rất quan trọng, vì người tiêu dùng họ sẽ không biết được nhiều. Một người không thể biết vô số tiêu chuẩn các hàng hoá trong nhu cầu của họ. Theo đó, cơ quan truyền thông sẽ thông tin để khách hàng biết và chọn lựa sản phẩm như thế nào, chất lượng như thế nào là đúng và phù hợp.
Cái cuối cùng hết sức quan trọng là người tiêu dùng. Cách tốt nhất để tránh bị nhầm lẫn là họ hãy yêu cầu bất cứ đơn vị sản xuất nào bán hàng cho mình đều phải có hoá đơn. Đó là bằng chứng tốt nhất để tự bảo vệ mình.
PV: Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, Tôn Hoa Sen đã làm gì để tự bảo vệ mình trong thời gian qua?
Ông Lê Phước Vũ: Cách để chúng tôi tự bảo vệ mình là đầu tư những công nghệ hiện đại, chất lượng tốt.
Tôn Hoa Sen đã xây dựng hệ thống bán lẻ rộng khắp cả nước và xây dựng thương hiệu thành công, cộng với đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ vậy mà chúng tôi mới trụ được trong giai đoạn vừa rồi.
Vấn đề gian lận trong thị trường tôn thép, với tư cách là một đơn vị đầu ngành, chúng tôi đã biết chuyện này rất lâu rồi và khá bức xúc, nhưng chúng tôi không có cơ hội để lật tẩy.
PV: Tôn Hoa Sen sẽ làm gì đối với những thương hiệu làm nhái?
Ông Lê Phước Vũ: Nếu khách hàng đưa sản phẩm giả Tôn Hoa Sen đến, điều đầu tiên chúng tôi sẽ kiểm tra ngay xem đó có phải là sản phẩm giả hay không. Nếu giả thì chúng tôi sẽ đề nghị với cơ quan quản lý Nhà nước để họ bảo vệ người tiêu dùng.
Khi phát hiện sản phẩm tôn thép giả, tôi sẽ đưa các cơ quan chức năng xử lý. Cơ quan chức năng phải xử phạt thật nặng. Cũng giống như xe vận tải cũng vậy. Trước đây quá tải thì phạt ít, nhưng bây giờ nếu vi phạm thì phạt rất nặng. Chỉ có như thế thì người sản xuất muốn làm gian, làm giả mới không dám nữa. Nền kinh tế nước ta mới lành mạnh, thị trường mới trong sạch được.
Xin cảm ơn ông.
Phan Thuỷ