Tin mới

Xạ thủ vô địch TG được thưởng 3 ngày phép, cho mượn xe đạp về quê

Thứ ba, 09/08/2016, 10:26 (GMT+7)

Sau khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV cùng kỷ lục Olympic anh trở thành niềm tự hào của lịch sử thể thao Việt Nam, nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng trước anh, đã từng có một xạ thủ Việt Nam khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ với kỷ lục thế giới mà mình lập được - cố danh thủ thể thao Trần Oanh.

Sau khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV cùng kỷ lục Olympic anh trở thành niềm tự hào của lịch sử thể thao Việt Nam, nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng trước anh, đã từng có một xạ thủ Việt Nam khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ với kỷ lục thế giới mà mình lập được - cố danh thủ thể thao Trần Oanh.

Xạ thủ Trần Oanh (người thứ 2 từ trái qua) trong lần gặp Bác Hồ năm 1966 - Ảnh tư liệu

Ngược thời thời gian trở về năm 1956, từ khi vác súng lên đội tuyển Bắn súng quân đội, xạ thủ Trần Oanh luôn là cánh chim đầu đàn của Bắn súng Việt Nam, tham dự các giải thể thao quân đội các nước XHCN được tổ chức thường niên.

[mecloud]zoOuEGAy5e[/mecloud]

Tháng 7 năm 1962, Trần Oanh cùng 11 vận động viên đại diện cho Việt Nam tham dự giải bắn súng quân đội các nước XHCN tại Plezen (Tiệp Khắc cũ), với sự góp mặt của 15-16 nước trên khắp thế giới cùng hàng trăm tay súng đỉnh cao.

Liên Đoàn Bắn Súng Việt Nam và Tổng cục TDTT trong một lần về thăm và thắp hương tưởng nhớ cố xạ thủ nổi tiếng một thời Trần Oanh. Ảnh: tapchithethao

Ở loạt bắn thứ 10 của môn súng ngắn ổ quay, tình thế cực kỳ căng thẳng khi các xạ thủ của Liên Xô cũ, CHDC Đức bắn được 585 điểm, đến lượt xạ thủ Tiệp Khắc vượt qua với 586 điểm - san bằng kỷ lục thế giới tại thời điểm đó.

Lúc này, cả trường bắn chỉ còn mỗi Trần Oanh là người bắn cuối cùng. Xạ thủ chân đất miền biển giương súng. 5 viên đạn cuối cùng đều găm trúng vòng 10, hoàn tất loạt bắn 30 viên đều đi trúng vòng 10, ghi 587 điểm, phá kỷ lục thế giới do đại úy McKlein của Mỹ lập tại giải VĐTG vài năm trước.

Khi xạ thủ Trần Oanh hạ súng xuống, tất cả mọi người trong trường bắn, không ai bảo ai đổ xô vào công kênh tay súng vừa lập thành tích lừng lẫy địa cầu.

Với thành tích không tưởng trên đỉnh thế giới, nhà vô địch thế giới Trần Oanh khi về nước được thưởng hẳn... 3 ngày phép, mượn xe đạp từ Sơn Tây về Tĩnh Gia (Thanh Hóa) thăm gia đình.

Đến năm 1966, xạ thủ Trần Oanh lại một lần nữa lập công lớn với chức vô địch môn súng ngắn bắn chậm cùng thành tích 574 điểm, góp công lớn vào thắng lợi của đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội thể thao GANEFO châu Á lần thứ nhất.

Ngay ngày về nước (19/12/1966), Trần Oanh cùng một số đồng đội được gặp Bác Hồ, và ông là một trong bốn người được Bác tự tay gắn tấm huy hiệu mang tên Người.

Trong số những vận động viên tham dự, có xạ thủ kỳ cựu người Trung Quốc Trương Hùng, đang giữ kỷ lục châu Á môn súng ngắn bắn chậm 50 viên với thành tích 553 điểm.

Thời gian cuộc thi là 2 tiếng rưỡi, trong đó có một tiếng bắn thử. Tuy nhiên, Trần Oanh cứ giơ súng lên là đạn lại nổ do cướp cò, 15 viên bắn thử thì hỏng đến 11 viên. Thời gian bắn thử đã hết mà súng thì vẫn hỏng.

Sau một hồi lâu suy nghĩ, Ông bất ngờ đưa ra một quyết định gây kinh ngạc: tháo súng ra sửa ngay tại bệ bắn. Ông sửa khẩu Iji cổ lỗ 10 phút mà ngỡ như dài như thế kỷ với HLV và đoàn Bắn súng Việt Nam.

Lắp súng vào, từng phát đạn đã đi đúng theo đường ngắm của xạ thủ dạn dày kinh nghiệm và hết mực tài năng. Hết lượt bắn, Trần Oanh ghi 554 điểm, vượt kỷ lục châu Á lúc bấy giờ và xuất sắc giành ngôi vô địch.

Tuy nhiên, những vinh quang cùng những đóng góp cho ngành thể thao nước nhà của ông bị che mờ bởi nỗi buồn, niềm đau và sự khốn khó đến tận cùng suốt hơn 10 năm cuối đời.

Với những thành tích và kỷ lục lập được, năm 2000, xạ thủ Trần Oanh đã được Ủy ban Olympic quốc tế chính thức công nhận là VĐV xuất sắc nhất thế kỷ XX của Việt Nam - vinh dự chưa bất kỳ nhà vô địch Việt Nam nào có được.

Trần Oanh quê ở miền biển Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Năm 1949, khi tròn 17 tuổi, cũng như bao thanh niên thời bấy giờ, ông gia nhập bộ đội địa phương đánh Pháp, công đồn với khẩu Mútcơtông cũ kỹ.

Sau khi đi Tiệp Khắc trở về, Trần Oanh bị nghi ngờ “quan hệ nam nữ không lành mạnh”. Dù mọi chuyện không rõ ràng, nhưng với cái tội được coi là kinh khủng thời bấy giờ khiến ông bị kiểm điểm, hạ một bậc quân hàm từ thượng úy xuống trung úy. Phải mất rất nhiều năm và có rất nhiều thành tích thể thao kéo lại, Trần Oanh mới có lại được quân hàm thượng úy trước khi về hưu năm 1974.

Rời xa ngay những ngày tháng chinh tây phạt bắc, dù nhiều thành tích lẫy lừng nhưng ông đã không trở thành HLV mà lặng lẽ trở về Tĩnh Gia, ngày ngày đi đánh te (bắt tép) ở ven biển, và uống rượu giải sầu. Hình ảnh Trần Oanh cô đơn trên bãi biển mỗi sớm với cảnh nhà nghèo và sáu đứa con không đủ ăn khiến nhiều người bạn về thăm ông đã bật khóc.

Năm 1975, phó trưởng Ty Thể thao Thanh Hóa Cao Đình Tiếp (cũng là một xạ thủ) mến tài người đi trước về tận quê mời ông lên huấn luyện cho đội tuyển bắn súng tỉnh Thanh với tiền bồi dưỡng tương đương 6kg gạo/ngày, giúp ông và gia đình qua những khó khăn.

Hàng trăm tấm huy chương trong và ngoài nước được huyền thoại một thời mang về quê cho trẻ con chơi. Ngoài tài sản đó và 6 đứa con (mà tên đặt theo các nước ông đã đến thi đấu, lần lượt là Đức, Việt, Tiệp, Hoa, Ba - có nghĩa là CHDC Đức, VN, Tiệp Khắc, Trung Hoa, Cuba và một cô út tên Yến), Trần Oanh không có gì đáng giá trước khi ra đi vĩnh viễn năm 1985.

Suốt 7 năm trời, ngôi mộ của tay súng vô địch thế giới nằm cô đơn trên một gò hoang bên bãi biển xã Hải Yến, Cho đến năm 1992, cục trưởng Cục TDTT Dương Nghiệp Chí và lãnh đạo Sở TDTT Thanh Hóa hỗ trợ 4,5 triệu đồng, di dời mộ phần ông về chân núi Chuột.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news