Vi rút EV71 đã gây ra mùa dịch tay chân miệng năm 2011 khiến hơn 100 trẻ tử vong đang quay lại và đến nay đã có tới 6 trẻ tử vong vì tay chân miệng.
Gia tăng trẻ bị bệnh tay chân miệng nặng
Tại khoa Nhiễm, Thần Kinh- Bệnh viện Nhi đồng 1, mấy ngày qua trở nên quá tải do lượng bệnh nhi nhập viện do tay chân miệng tăng đột biến.
Nhiều trả nhập viện đã có co giật, trẻ nằm ghép vì quá tải. Để chống lại những cơn co giật cho các bé, bác sĩ đã phải cột tay, chân bé lại.
Trong vòng hai tháng qua, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, số ca bệnh tăng lên gấp 5 lần so với trước, đáng chú ý trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Bệnh nhi nặng vào liên tục, bác sĩ phải theo dõi liên tiếp 3 ngày mới có thể cho bé ra phòng khác, một số bé được về nhà điều trị ngoại trú.
Bệnh tay chân miệng có biểu hiện ban đầu với các bóng nước có kích thước 2-10 mm, màu xám, hình bầu dục.
Bóng nước xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng khiến trẻ đau, chảy nước miếng và trẻ thường tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, nếu trẻ mắc tay chân miệng chủng vi rút EV71 thì rất nguy hiểm.
Theo bác sĩ Khanh, trước đây tay chân miệng do vi rút EV71 rất thấp thì gần đây, hơn 50% trẻ mắc virus EV71. Đặc tính của loại virus này là lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao, vì thế số bệnh nhân nhập viện ngày càng tăng. Trẻ mắc tay chân miệng do virus EV71 có thể bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.
Trẻ có biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ. Trẻ có thể hoảng hốt, nói lảm nhảm, chới với, run tay chân, co giật.
Theo PGS Bùi Khắc Hậu - Nguyên trưởng khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khi vi rút EV71 xâm nhập vào cơ thể, chúng thường khu trú ở niêm mạc má hoặc ở niêm mạc ruột vùng hồi tràng.
Sau khoảng thời gian 24 giờ, vi rút sẽ đi đến các hạch bạch huyết xung quanh, từ đây chúng xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết trong một khoảng thời gian ngắn. Từ nhiễm khuẩn huyết, vi rút đến niêm mạc miệng và da. Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài khoảng từ 3 - 7 ngày.
Bệnh khởi phát là sốt, sau đó xuất hiện các bọng nước ở niêm mạc miệng (ở nướu răng, lưỡi, bên trong má) và xuất hiện ban đỏ ở bàn tay, bàn chân. Những trường hợp bị tay chân miệng do vi rút EV71 bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn, nhất là khi virut gây tổn thương hệ thần kinh trung ương sẽ thể hiện bệnh viêm màng não điển hình.
Type EV71 không chỉ gây bệnh tay chân miệng mà chúng còn có khả năng gây nên bệnh ở hệ thần kinh trung ương như viêm màng não virut và hiếm hơn là các thể trầm trọng như viêm não hay liệt kiểu bại liệt.
Tay chân miệng có thể lây qua những đường nào?
Đây là một bệnh lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết ở miệng, họng, mũi hoặc chất tiết từ các bọng nước ở tay, chân hoặc phân của người bệnh. Bệnh cũng có thể được lây truyền gián tiếp từ các dụng cụ ăn uống, đồ chơi, quần áo, chăn màn của người bệnh hoặc do thức ăn, nước uống nhiễm vi rút.
Những người bị tay chân miệng dễ gây lây lan nhất trong tuần đầu tiên mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể bị lây trong tuần sau khi các triệu chứng biến mất. Một số người, đặc biệt là người lớn, những người bị nhiễm vi rút gây bệnh có thể không có bất cứ dấu hiệu nào, tuy nhiên, họ vẫn có thể lây lan vi rút cho người khác.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đặc hiệu nên vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường là vô cùng cần thiết và quan trọng. Cần vệ sinh cá nhân cho trẻ hằng ngày, nhất là rửa tay, chân sạch bằng xà phòng.
Ngọc Anh
Theo aFamily/Trí Thức Trẻ