(Tinmoi.vn) Giới trẻ khoe "ảnh nóng" trên mạng không còn là chuyện hiếm, thậm chí là “vấn nạn” tra tấn mắt người xem internet hiện nay. Vậy vì sao, những bức ảnh hở hang, phản cảm liên tục bị ném đá nhưng vẫn như “nấm mọc sau mưa”?
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, việc các kênh truyền thông đăng nhiều tin bài phản ánh hiện tượng này nhưng giới trẻ không những dừng mà còn đưa lên nhiều hơn là điều các nhà quản lý, những người làm công tác giáo dục, trong đó có cả giới truyền thông cần suy nghĩ.
“Ở độ tuổi mới lớn, các cháu đang tò mò, thích sự nổi trội với đồng trang lứa gần gũi ngay bên cạnh mình. Vậy người lớn làm sao phải chỉ cho chúng thấy nổi tiếng là cần thiết nhưng phải đúng đắn, không phải bằng việc khoe thân một cách lộ liễu, phản cảm”, ông Chất nói.
Dù bị "ném đá" nhưng những bức ảnh phản cảm như thế này vẫn xuất hiện trên các trang mạng như "nấm mọc sau mưa"?
Phân tích thực tế, ông Chất cho rằng, giới trẻ khoe ảnh nóng ngày càng nhiều do vẫn nhận được sự cổ vũ của Cộng đồng mạng. Có thể cũng đã có một số cư dân ném đá nhưng đa số những người đồng trang lứa bên cạnh họ vẫn “like” ủng hộ. Các kênh thông tin đại chúng đưa tin nhưng có thể đưa chưa trúng đối tượng, chưa đúng cách nên hiệu quả giáo dục chưa cao. Muốn thay đổi hành động, trước tiên phải tác động, thay đổi được suy nghĩ, phải làm cho giới trẻ thấm là không thể nổi tiếng bằng cách đó, làm như thế là hại chính bản thân, là giảm giá trị cuộc sống của mình đến mức thấp nhất.
“Giới trẻ bây giờ ai cũng thích nổi tiếng nhưng chưa biết đi như thế nào nên cứ nhìn thấy người cạnh mình làm như thế thì làm theo hoặc suy nghĩ máy móc, tiêu cực “nhất định phải nổi tiếng bằng bất cứ giá nào”. Chính vì thế, khi tuổi mới lớn mò mẫm, không biết đi kiểu gì thì người lớn phải là người định hướng, hướng dẫn.
Hiện một số trang đưa tin kiểu thúc giục các chúng làm như thế nhiều hơn. Cũng là đưa thông tin nhưng phải đưa thế nào để cộng đồng mạng hình thành tâm lý không chấp nhận, lên án mạnh những người đồng trang lứa bên cạnh họ. Chúng ta không lên án một cách thô bạo mà làm cách nào chỉ cho chúng thấy việc hở hang, không có ích lợi, thiệt thòi cho chính bản thân như thế nào”, ông Chất phân tích.
Ông Chất cũng nhấn mạnh, để công tác giáo dục tuyên truyền thật sự hiệu quả, các cơ quan quản lý, người làm công tác giáo dục phải khảo sát, thâm nhập vào môi trường sống của giới trẻ để hiểu được suy nghĩ cũng như sai lầm trong lựa chọn. Sau đó mới có những tác động để chúng thấy được rằng nguồn sống là những cái chúng phải bước vào chứ không phải là những bức ảnh cởi áo hay mặc quần không thể ngắn hơn mà chúng đang cố câu like trong thế giới ảo. Phải làm cho chúng biết xấu hổ về những cái đó. Đó chính là trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục và của tất cả người lớn.
H.Minh