Tin mới

"Việt Nam đã thắng Trung Quốc về sự kiên trì"

Chủ nhật, 15/06/2014, 13:34 (GMT+7)

"Chúng ta đã thắng TQ về sự kiên trì, vì mục tiêu của họ không phải là đưa giàn khoan đến để thăm dò dầu khí mà để dò phản ứng của VN nói riêng và của dư luận quốc tế nói chung".

 

 

"Chúng ta đã thắng TQ về sự kiên trì, vì mục tiêu của họ không phải là đưa giàn khoan đến để thăm dò dầu khí mà để dò phản ứng của VN nói riêng và của dư luận quốc tế nói chung".

Lý giải về nhận định này, thiếu tướng Lê Mã Lương - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, tuy sự kiên trì của Việt Nam chưa khiến Trung Quốc rút giàn khoan nhưng đã dấy lên được hiệu ứng mạnh mẽ trước cộng đồng dư luận quốc tế.

- Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang thực hiện từng bước trong chiến lược độc chiếm biển Đông và vụ giàn khoan Hải Dương 981 chỉ là phép thử để đo phản ứng của Việt Nam và dư luận quốc tế. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này?

- Cho đến bây giờ có thể nói là Việt Nam đã thắng Trung Quốc về sự kiên trì, vì mục tiêu của Trung Quốc không phải là đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến để thăm dò dầu khí mà chính là để dò phản ứng của Việt Nam nói riêng và phản ứng của dư luận quốc tế nói chung.

Trung Quốc không nghĩ rằng nhân dân Việt Nam lại có phản ứng mạnh mẽ đến như vậy. Tôi cho rằng đây là một thắng lợi lớn của chúng ta. Lâu lắm rồi mới thấy được lòng dân thể hiện mạnh mẽ đối với tình yêu biển đảo và tình yêu đất nước như thế.

Cho nên dù Trung Quốc có dùng hết thủ đoạn này đến thủ đoạn kia, kể cả những thủ đoạn tệ nhất là đánh lừa công luận và nói xấu Việt Nam trước dư luận quốc tế thì cũng không ai tin. Bởi lẽ, chẳng ai có thể tin một nước lớn lại bị nước nhỏ chèn ép, tấn công. Trung Quốc càng tuyên truyền, càng nói không đúng sự thật thì hình ảnh của nước này trên trường quốc tế càng xấu đi.

Các nước trong khu vực cũng như các nước láng giềng sẽ phải cảnh giác với Trung Quốc hơn. Đây cũng là cơ hội để người ta đánh giá lại quan hệ đối với Trung Quốc một cách toàn diện để không sa vào quỹ đạo của Trung Quốc, không trở thành nô lệ của Trung Quốc.

- Trung Quốc đã triển khai xây dựng các căn cứ quân sự trên bãi đá ngầm Gạc Ma và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm năm 1988. Đây có phải là mối nguy hiểm nhất?

- Điều này cực kỳ nguy hiểm. Nó cho thấy Trung Quốc càng ngày càng tăng sức mạnh quân sự trên các đảo đá để đe dọa chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trung Quốc củng cố sức mạnh như thế để tạo ra bàn đạp biến toàn bộ Biển Đông trở thành ao nhà. Xa hơn, vấn đề không phải ở một số đảo của Việt Nam mà nó vươn tầm lớn hơn là tạo ra ảnh hưởng và khống chế được cửa biển Malacca, một cửa biển hết sức quan trọng ra Thái Bình Dương. Cửa biển ấy có tác động trực tiếp đến nền kinh tế của Trung Quốc.

Ý đồ của Trung Quốc là vậy nhưng họ có thực hiện được hay không lại là vấn đề khác, bởi bây giờ không còn giống như trước kia, đã không còn chuyện các nước lớn phân chia nhau và khống chế các nước nhỏ. Trong một thế giới phẳng, trong một mối quan hệ đan xen như thế này, không phải các nước lớn muốn làm gì thì làm.

Các nước lớn muốn thể hiện vai trò lãnh đạo thì phải luôn thể hiện được tầm và nhãn quan chiến lược, làm sao để các nước nhìn vào và tin tưởng chứ không phải sợ họ. Các nước lớn ấy cũng phải làm sao xây dựng được hình ảnh hòa bình, hòa hợp với các nước khác trên thế giới.

Nếu không làm được những điều ấy, tôi dám chắc rằng, Trung Quốc sẽ càng ngày càng bị cô lập.

Dù bị chèn ép quyết liệt nhưng lực lượng chấp pháp Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ.

- Vậy việc Trung Quốc chuẩn bị các căn cứ quân sự chiến lược trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam không chỉ là mối đe dọa với Việt Nam mà còn đối với các quốc gia khác trong khu vực?

- Đúng là việc này không chỉ nguy hiểm đối với Việt Nam hay Philippines mà nó còn là mối đe dọa cho cả các nước trong khối ASEAN và cả khu vực châu Á.

Nếu 2 vùng biển này liên tục dậy sóng như thế thì sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế của khu vực, dẫn đến tiêu cực và kìm hãm nền kinh tế.

Các nước cứ lo đối phó với Trung Quốc bằng cách mua sắm các trang thiết bị quân sự. Các trang thiết bị ấy càng hiện đại bao nhiêu thì càng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế bấy nhiêu.

-Theo ông, để giải nước cờ thâm hiểm của Trung Quốc, chúng ta phải làm gì?

- Hơn bao giờ hết, chúng ta cần có sự đồng thuận. Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước cần tạo ra một sự thống nhất rất cao. Toàn dân thì luôn sẵn sàng, còn lãnh đạo cấp cao phải thể hiện ý chí quyết tâm bằng mọi cách bảo vệ độc lập, chủ quyền, tự tôn dân tộc chứ nhất định không thể vì lợi ích nhóm hay lợi ích nào khác mà chia năm sẻ bảy khuynh hướng, tư tưởng của dân tộc.

Muốn toàn dân tộc đoàn kết thống nhất cao thì ở trên cần thực hiện điều này trước. Trong lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn luôn phải đối phó với các thế lực hùng mạnh, nên chúng ta luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. 

Sự chuẩn bị ở đây không chỉ là chuẩn bị về các thiết bị vũ khí trang bị tối tân mà là sức mạnh đoàn kết toàn dân. Với sức mạnh ấy, chúng ta hoàn toàn có niềm tin vào việc sẽ đánh tan tất cả các kẻ thù xâm lược cho dù họ có sức mạnh như thế nào.

Theo Nguyễn Vũ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news