Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,66 triệu lượt người trong năm 2022
Theo Tuổi Trẻ, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng Việt Nam đã mở cửa du lịch từ 15/3/2021, trước nhiều nước trong khu vực, đồng thời khôi phục Chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh; không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, dừng việc khai báo y tế, không phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch...
Nhờ vậy, toàn ngành du lịch, thị trường du lịch đã dần khôi phục, nhất là du lịch nội địa. Hoạt động du lịch tại các trung tâm diễn ra sôi động, nhiều địa phương ghi nhận lượng khách tăng vọt, doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu quay lại thị trường; mở thêm nhiều dịch vụ, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đã hoạt động trở lại bình thường.
Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới, đường bay nội địa tới một số địa bàn du lịch trọng điểm đều tăng cao.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 12/2022 đạt trên 707.000 lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước.
Tính chung năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 3,66 triệu lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước.
Trong đó, khách đến bằng đường hàng không chiếm 89,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 29,5 lần so với năm trước; khách đến bằng đường bộ chiếm 10,4% và bằng đường biển chiếm 0,1%.
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2022, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa. Hoạt động du lịch tại các trung tâm diễn ra sôi động, nhiều địa phương ghi nhận lượng khách tăng vọt, doanh nghiệp lữ hành bắt đầu quay lại thị trường… Lượng khách nội địa ước đạt trên 101 triệu lượt người. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch năm 2022 và bằng 66% so với năm 2019.
Một số địa phương có Doanh thu du lịch lữ hành năm 2022 tăng cao so với năm trước như: Cần Thơ gấp 10,3 lần; Bình Định gấp 9,3 lần; Khánh Hòa gấp 8,2 lần; Thừa Thiên - Huế gấp 8 lần; Đà Nẵng gấp 6,7 lần; Hà Nội gấp 4,1 lần; Hải Phòng gấp 3,8 lần; Thành phố Hồ Chí Minh gấp 1,9 lần…
Đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023
Theo báo Tin Tức, thông tin từ Tổng cục Du lịch, năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650.000 tỷ đồng.
Năm 2023, toàn ngành tập trung vào việc công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, ngành triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam sau khi các văn bản này được phê duyệt.
Trước mắt, Tổng cục Du lịch chuẩn bị tốt cho Hội nghị toàn quốc về du lịch, dự kiến tổ chức vào Quý 1/2023; Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Hội nghị chuyên sâu về đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.
Công tác xúc tiến quảng bá sẽ được tiến hành tích cực trong cả năm. Cụ thể, ngành du lịch sẽ tham gia các sự kiện quốc tế như Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2023 tại Indonesia; Hội chợ du lịch ITB tại Berlin - Đức; Hội chợ du lịch WTM tại London, Vương quốc Anh. Tổng cục Du lịch cũng tổ chức truyền thông du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình CNN và một số kênh truyền thông quốc tế lớn.
Đồng thời, Tổng cục Du lịch phối hợp với Hiệp hội du lịch Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm như ASEAN, Đông Bắc Á, Australia, châu Âu, Bắc Mỹ. Đặc biệt, Tổng cục Du lịch phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 tại Bình Thuận với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”.
Cung cấp những dịch vụ mà khách du lịch cần
Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam ngày 21/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trước đại dịch, du lịch Việt Nam cũng chưa có khả năng cạnh tranh cao, sau đại dịch lại chưa có đột phá do các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đại dịch COVID-19 tác động, gây hậu quả tới nhiều ngành, nhiều nghề nhưng ngành du lịch chịu tác động nặng nề hơn.
Do đó, các cấp, các ngành, doanh nghiệp, các địa phương đã cố gắng, nỗ lực rồi phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, linh hoạt, sáng tạo hơn nữa, thay đổi cách tư duy, tiếp cận mới trong xử lý các vấn đề cụ thể, sát điều kiện Việt Nam và tình hình thế giới hiện nay. Thủ tướng nhấn mạnh định hướng “cung cấp những dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có”.
Đồng thời, xác định phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Phát triển ngành du lịch những năm mới đây theo tinh thần tạo đột phá, phát triển cả du lịch quốc tế và nội địa, phát triển du lịch xanh, bền vững. Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực.
Phát triển du lịch luôn gắn với kinh tế, văn hóa, thể thao, lịch sử, truyền thống dân tộc, đất nước, con người Việt Nam; với bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Việc phát triển du lịch phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam; phải kiên định mục tiêu nhưng hết sức linh hoạt, thích ứng, luôn đổi mới sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, giải quyết các khó khăn, thách thức mới.
Về những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trước hết, Thủ tướng yêu cầu quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về du lịch, nhất là Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, từng năm và nhất là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa, phát triển du lịch xanh và bền vững.
Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực…
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để Việt Nam thực sự là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, làm ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế, trong đó các vấn đề liên quan visa, thuế… việc nào thuộc thẩm quyền của các bộ thì chủ động triển khai, thuộc Chính phủ thì trình ngay, thuộc thẩm quyền Quốc hội thì khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Quốc hội.
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực du lịch về hạ tầng, cơ sở vật chất, chi phí logistics, nhân lực, cách làm, tổ chức các tuyến du lịch… cơ cấu lại các hoạt động du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động trên thị trường du lịch thế giới. Xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ.
Đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới, trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng.
Tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách.
Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thông tin, truyền thông, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới bạn bè, du khách quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác công-tư, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là ở những vùng có tiềm năng, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; mở rộng mạng lưới giao thông đường bộ, đường hàng không…
Chủ động tham gia và có sáng kiến hình thành các nhóm hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các quốc gia, các điểm đến trong khu vực ASEAN, châu Á-Thái Bình Dương. Phối hợp chặt chẽ, phát huy hiệu quả vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức, cá nhân Việt Nam, các kênh ngoại giao… nhằm quảng bá, phát triển du lịch.
Phục hồi nhanh và phát triển bền vững du lịch gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số. Tập trung phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, các nền tảng số kết nối hệ thống thông tin cho công tác hoạch định chính sách và điều hành, quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế. Các tập đoàn lớn về viễn thông, công nghệ thông tin phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các doanh nghiệp du lịch theo cơ chế thị trường trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có các chương trình đào tạo nhân lực bài bản hơn nữa.
Thủ tướng cho rằng, để du lịch thực sự là ngành mũi nhọn, ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, sự hợp tác, cạnh tranh bình đẳng và luôn làm mới chính mình của các doanh nghiệp. Tăng cường công tác truyền thông chính sách về phát triển du lịch, các bộ, ngành, cơ quan chủ động hơn nữa trong cung cấp thông tin.
“Tất cả cùng phải cố gắng, cùng tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, lợi thế đất nước, chung sức đồng lòng khôi phục và phát triển ngành du lịch hiệu quả, thiết thực hơn, mang lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân, góp phần quan trọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng phát biểu.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển du lịch, Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế… xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…
Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP và nâng tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%”.