Vị giáo sư đến từ Pháp cho biết, ông đã học hỏi được rất nhiều điều từ tập thể bác sĩ BV Trung ương quân đội 108, đồng thời rất ngưỡng mộ tinh thần học hỏi của các bác sĩ Việt Nam.
Như chúng tôi đã đưa tin, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa thực hiện thành công ca , từ nguồn tạng của người cho chết não.
Đây là ca ghép phổi thành công đầu tiên ở Việt Nam được ghép cho người lớn, điều đó cũng khẳng định trình độ, kỹ thuật trong lĩnh vực ghép tạng của các bác sĩ BV Trung ương Quân đội 108 nói riêng và đội ngũ bác sĩ Việt Nam nói chung.
GS. Trung tướng Mai Hồng Bàng- Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, ca ghép phổi được thực hiện vào ngày 26/2 với sự tham gia của hơn 60 bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện và các chuyên gia hàng đầu về hồi sức, ghép phổi của nước ngoài.
Ca ghép diễn ra trong vòng 10 giờ đồng hồ, bệnh nhân sau khi ghép phổi được điều trị tích cực, có sự phối hợp nhiều chuyên khoa. Một tuần sau ca ghép, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt. Đến nay, sau 16 ngày được ghép phổi, nam bệnh nhân này đã đi lại được, tự thở và ăn được cháo.
Ekip tham gia ca ghép tạng.
Chuyên gia hàng đầu về ghép phổi Pierre Bonnette (Chuyên gia về Phẫu thuật ghép phổi Bệnh viện Foch Paris- Pháp) chia sẻ sau ca ghép phổi thành công tại BV Trung ương Quân đội 108: "Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và xin chúc mừng bệnh nhân cùng bệnh viện TW Quân đội 108.
Một kết quả tốt đẹp từ dự án triển khai cách đây hơn 2 năm với sự hỗ trợ tuyệt vời của Giám đốc bệnh viện và sự tham gia của rất nhiều y bác sỹ. Tôi đã có một trải nghiệm rất thú vị và học hỏi được nhiều từ tập thể bệnh viện".
Còn GS Ngai LIU - Giám đốc nghiên cứu của Bệnh viện Foch Paris thì cho rằng, thành công của ca ghép phổi tại BV TW Quân đội 108 là kết quả từ sự chuẩn bị chu đáo trong nhiều năm về trang thiết bị, nhân lực.
"Tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ tập thể các y bác si của bệnh viện. Từ lãnh đạo đến nhân viên đều rất đoàn kết, học hỏi và tiếp thu nhanh, quyết tâm, nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất. Đây là điều rất tuyệt vời trong việc cứu sống người bệnh", GS Ngai LIU chia sẻ.
Thành công của ca ghép phổi là kết quả của sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong khoảng hai năm.
GS Mai Hồng Bàng cũng cho rằng, thành công của ca ghép phổi là kết quả của sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong khoảng hai năm qua từ việc chuẩn bị cơ sở vật chất, hội chẩn liên viện, hội chẩn với các chuyên gia quốc tế cũng như triển khai bảo quản tạng trong thời gian vàng thực hiện cho các cuộc ghép tạng.
"Với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, bệnh viện huy động tới 60 người, tham gia trực tiếp vào bốn kíp mổ song song nhau để vừa thực hiện lấy tạng, chuyển tạng xuyên Việt và thực hiện ca ghép phổi đầu tiên", GS.TS Mai Hồng Bàng nói.
Được biết, người nhận hai lá phổi là bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, sinh năm 1964, ở Nam Định. Bệnh nhân Hạnh được chẩn đoán suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính giai đoạn cuối. Để duy trì sự sống, không còn cách nào khác là bệnh nhân phải ghép phổi.